Theo nhóm bạn hành hương từ TP. Phan Thiết, một ngày cuối tháng 8/2022, chúng tôi lên tàu cao tốc rời bờ Phan Thiết để đến với huyện đảo Phú Quý.
Hơn 7 năm trước, chúng tôi cũng một lần ra đảo bằng tàu sắt nhưng phải mất hơn 4g lênh đênh trên biển và phải trải qua những cơn say sóng “tối tăm mặt mày”, chúng tôi mới đến được đảo Phú Quý.
Nhưng nay, chỉ sau hơn 2 giờ vượt sóng đại dương bằng tàu cao tốc với hành trình dài khoảng 110km, ngồi êm ả trên ghế nệm, chúng tôi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp Phú Quý mà dân phượt ví như “hòn ngọc”giữa biển khơi…
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là lời đồn của dân phượt quả không sai, đảo Phú Quý rất xinh đẹp và người dân hiền hòa, mến khách. Trên các tuyến đường chính của đảo Phú Quý, chúng tôi được người dân tận tình hướng dẫn những điểm tham và tư vấn ăn gì, nghỉ ở đâu cho phù hợp với túi tiền…
Theo hướng dẫn của người dân xứ đảo, chúng tôi chạy xe máy trên đường và từ xa đã thấy mái ngôi chùa cổ Linh Sơn hơn 100 tuổi nằm trên núi Cao Cát (cao khoảng 80m so với mặt nước biển), phía sau chân núi là đại dương bao la. Chúng tôi đến viếng chùa vào buổi chiều tà gặp lúc đông du khách lên chùa thắp hương và ngắm hoàng hôn trên núi Cao Cát.
Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi, khi bước lên 148 bậc cấp xuyên qua bóng mát của cây xanh từ chân núi Cao Cát lên chánh điện chùa Linh Sơn. Có thể nói, bước chân lên những bậc cấp này, chúng tôi cứ ngỡ mình như lạc lối vào tận những cánh rừng nguyên sinh với cây xanh bạt ngàn…
Anh Hai Thọ, là một cư dân sống lâu năm trên đao cho biết, hoàng hôn và bình minh là một trong những “món ăn ngon tuyệt vời” mà đảo Phú Quý dành tặng riêng cho du khách. Theo lời anh Hai Thọ, nơi đặt tượng Quán Thế Âm bồ tát trên đỉnh núi Cao Cát là nơi ngắm hoàng hôn và bình minh đẹp nhất…
Đúng như lời anh Hai Thọ nói, đứng trên đỉnh núi Cao Cát chúng tôi phóng tầm mắt nhìn thấy gần như toàn cảnh đẹp thơ mộng, hùng vĩ của đảo Phú Quý như bờ biển Ngũ Phụng, dinh Thầy Nại, vịnh Triều Dương,…
Clip: Chùa Linh Sơn trên núi Cao Cát huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Thực hiện: Bùi Phụ - Đức Cường.
Nhìn về hướng Đông, du khách sẽ thấy mộ Thầy Sài Nại nổi bật trên ghềnh đá đen đầy bí ẩn. Phóng tầm mắt về hướng Tây, du khách sẽ thấy ngọn Hải Đăng Núi Cấm hiên ngang trước biển trời lộng gió và gần đó là Đền thờ công chúa Bàn Tranh…
Dưới chân núi Cao Cát là biển xanh, các con sóng biển đuổi xô đuổi nhau tạo thành những hoa biển trắng xóa… Tô điểm vào đó là những chiếc thuyền đang ra khơi đánh cá tạo nên một khung cảnh nên thơ, đẹp mắt.
Trên núi Cao Cát còn có những tảng đá nặng hàng hình tấn, dựng đứng với những hình thù quái dị và chính những tảng đá này đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều du khách say mê chụp ảnh với người thân…
Có thể nói, khung cảnh ở chùa Linh Sơn và núi Cao Cát nổi bật như bức tranh sơn thủy hữu tình. Không những thế mà khí hậu trên chùa trong lành mát dịu, tiếng chuông chùa ngân vang như hòa quyện với mùi nhang trầm đã tạo cho du khách cảm giác rất dễ chịu...
Theo các cụ lớn và gia đình sống nhiều đời trên đảo Phú Quý, chùa Linh Sơn và núi Cao Cát được xem là chốn linh thiêng mà người dân huyện đảo Phú Quý luôn tỏ lòng kính trọng.
Chùa Linh Sơn ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ, làm bằng cây, lá, do sư cô xuất thân là con trong một gia đình nho giáo trên đảo thành lập để ngày ngày tụng kinh niệm phật, cầu mưa thuận gió hòa, cầu bình an cho bà con ngư dân đi biển. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc độc đáo riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân vùng biển đảo này.
Một điều rất đặc biệt là dù ngôi chùa Linh Sơn đã hơn trăm tuổi nhưng không có sư trụ trì, mà chỉ có những người dân trên đảo, có uy tín đến chùa chấp sự. Những vị chấp sự này đa phần là các bậc trung niên, lớn tuổi và có uy tín lớn với người dân trong vùng, phát tâm đến chùa trông coi nhang đèn, dọn dẹp và quản lý chùa. Chính nhờ bàn tay của các vị chấp sự này mà ngôi chùa trãi qua trăm năm vẫn giữ được giá trị độc đáo, sạch sẽ.
Một vị đang làm công tác phát tâm tại chùa Linh Sơn cho biết, vào những ngày lễ, tết, những ngày rằm, những ngày quan trọng của người dân xứ đảo… Khách hành hương khắp nơi về chùa rất đông…
Theo ghi nhận của Dân Việt, bao quanh ngôi chùa là rừng cây bạt ngàn, tạo cho du khách sự bình yên, tĩnh tâm đến lạ thường! Sau lưng chùa Linh Sơn, trên đỉnh núi Cao Cát có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được đặt một cách trang nghiêm trên tảng đá lớn tạo nên nét tôn kính, độc đáo cho ngôi chùa này.
Chị Lê Thanh Tuyền, một du khách đến từ TP.HCM, sau khi thắp nhang trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trên đỉnh núi Cao Cát cho biết, cả gia đình chỉ ai cũng thấy thanh thản, như rũ bỏ được những nỗi muộn phiền khi đứng tại đây…
“Đây là lần thứ hai tôi quay trở lại đảo Phú Quý, lần này tôi đưa theo mẹ già đã hơn 75 tuổi và bà vẫn cố gắng leo 148 bậc cấp từ chân núi lên đây để thắp nhang trước ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Mẹ tôi cầu mong cho gia đạo bình yên và mọi chuyện làm ăn của con cái được hạnh thông…”, chị Thanh Tuyền chia sẻ.
Anh Lê Định, một du khách đến từ Đồng Nai cho biết, sau những ngày rong chơi trên khắp hòn đảo xinh đẹp này đình anh tỏ ra rất thích và cho biết sẽ đưa gia đình trở lại trong thời gian sớm nhất…
Theo lời anh Lê Định, sau khi viếng chùa Linh Sơn trên núi Cao Cát, anh cùng gia đình đến tắm biển trên Vịnh Triều Dương.
“Cả gia đình tôi ai cũng thích bãi biển tuyệt đẹp này, nước trong xanh, bãi cát vàng. Vừa đặt chân sâu xuống nước, chúng tôi có cảm giác như đi trên tấm thảm mềm mại. Biển ở vịnh Triều Dương có độ sâu khoảng hơn 1m, nước trong xanh nên mắt thường nhìn thấy rong biển dưới đáy biển và chính những rong biển này đã tạo sự êm ái bàn chân cho du khách…”, anh Lê Định nói.
Đảo Phú Quý còn gọi là Cù lao Thu, cách TP. Phan Thiết(Bình Thuận) khoảng 110 km.
Theo UBND huyện Phú Quý, đảo rộng hơn 16 km2, có ba xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải; dân số khoảng 29.000 người.
Trước đây, người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển các dịch vụ liên quan. Mấy năm gần đây, một số người dân trên đảo làm du lịch theo mô hình homestay, mục đích hỗ trợ những nhóm phượt nên giá rất bình dân.
Gần đây du lịch đang phát triển nên trên đảo hiện có nhiều nhà nghỉ đã và đang được xây dựng để phục vụ khách du lịch, bởi tương lai khác sẽ đến đảo đông hơn…
Phú Quý cũng được xem là một quần đảo với 12 đảo lớn, nhỏ nằm ngoài cùng hệ thống đảo ở cực Nam Trung Bộ, cách TP.Phan Thiết, khoảng 110 km về phía Đông Nam; cách quần đảo Trường Sa 540 km về hướng Tây Nam; cách Côn Đảo 330 km về phía Đông Bắc và cách TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 200km về phía Đông.
Đây được đánh giá là vị trí chiến lược trong bảo vệ đất liền và là tuyến sau của quần đảo Trường Sa, góp phần tạo thế mạnh vững chắc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phú Quý có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng khi nằm trên tuyến giao lưu giữa đất liền với quần đảo Trường Sa và nằm tiếp cận tuyến hàng hải quốc tế, là căn cứ nổi phục vụ các đội tàu đánh bắt cá xa bờ.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý một phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp như vịnh Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang... Phú Quý có nhiều danh thắng nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh.
Ngoài vai trò quan trọng về kinh tế, Phú Quý còn là khu du lịch hấp dẫn với nhiều điểm đến. Trong số đó, cột cờ chủ quyền là điểm đến thiêng liêng mà bất cứ ai đến Phú Quý đều không thể bỏ qua.
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận, đến năm 2030, Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, độc đáo. Đến năm 2025 Phú Quý đón khoảng 45.000 lượt khách, năm 2030 là 74.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 380 tỷ đồng/năm.