Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (chiều 15/11), phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề bệnh viện xin thôi tự chủ toàn diện.
Cụ thể: Hai bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K tới đây sẽ tháo gỡ vướng mắc khó khăn như thế nào, để hoạt động này tốt hơn? Sau khi lùi thông qua, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh dự kiến sẽ được xem xét, thông qua ở kỳ họp nào?".
Trả lời câu hỏi của PV, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, khi các đại biểu Quốc hội phát biểu về hoạt động chuyên môn, chính sách tài chính, cơ quan thẩm tra đã cùng cơ quan soạn thảo khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý.
Cơ bản các ý kiến có sự đồng thuận cao, tuy nhiên, về cơ chế tài chính còn nhiều ý kiến, trong đó có vấn đề tự chủ bệnh viện. "Đây là vấn đề mới, phát sinh trong kỳ họp này", ông Mai nói.
Về giá khám bệnh, chữa bệnh, theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, vấn đề này được đại biểu nói nhiều về giá tính đúng, tính đủ, cơ chế xã hội hoá nguồn lực, vấn đề tự chủ và quy định dùng ngân sách chi các hoạt động khám chữa bệnh… nhưng cần tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện.
Ông Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, sang kỳ họp sau "Sẽ cố gắng tối đa, xem cái gì có thể được quy định trong luật, cái gì cần điều chỉnh, trong đó vấn đề tự chủ bệnh viện có liên quan tới 8 luật".
Liên quan đến việc bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K xin thôi tự chủ toàn diện, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội lý giải: Thời gian phòng chống dịch Covid-19 tác động đến nguồn tài chính của bệnh viện, rồi cơ chế điều luật liên quan trong tự chủ được các luật khác quy định, nên khi triển khai bệnh viện gặp vướng mắc.
Theo ông Mai, Nghị quyết về hoạt động chất vấn cũng đặt vấn đề phải rà soát nội dung này, qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. "Cho đến kỳ họp bất thường vào tháng 12 tới, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ cố gắng để đảm bảo cao nhất chất lượng dự án luật", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho hay.