Đến nay, mô hình trồng cây mắc ca xen canh ở vườn cà phê, cao su này đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Mỗi năm, ông Phạm Văn Vụ (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) thu nhập hơn 500 triệu đồng từ vườn mắc ca. Ảnh: Minh Phương
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với huyện Đak Đoa hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật cho một số hộ dân tại xã Hải Yang trồng thí điểm cây mắc ca.
Tham gia mô hình trồng mắc ca, gia đình ông Phạm Văn Vụ (thôn 1) trồng hơn 400 cây mắc ca xen trong hơn 2,5 ha cà phê. Sau gần 5 năm tích cực chăm sóc, năm 2018, ông thu được hơn 4 tấn hạt mắc ca tươi.
Với hạt mắc ca có giá bán 100-120 ngàn đồng/kg, ông Vụ thu về 400 triệu đồng. Năm 2021, vườn cây mắc ca cho thu hoạch được hơn 5 tấn hạt, cộng với hơn 30 tấn cà phê tươi, gia đình ông Vụ có thu nhập hơn 600 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, 2 năm trở lại đây, gia đình ông Vụ thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ việc bán cây mắc ca giống cho các hộ dân trên địa bàn.
“Cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, ít tốn công chăm sóc và phân bón như các loại cây trồng khác. Đặc biệt, việc trồng xen còn tận dụng được diện tích đất trống của vườn rẫy, nước tưới, phân bón từ cây cà phê.
Bắt đầu từ năm thứ 5 là cây mắc ca có thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Việc trồng cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi chi phí đầu tư lại thấp hơn”-ông Vụ phấn khởi nói.
Là một trong những hộ được hỗ trợ cây mắc ca giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng mắc ca để thực hiện mô hình trồng cây mắc ca, từ năm 2012 đến 2013, ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1) đã trồng hơn 1.600 cây trên diện tích 5 ha cao su kém hiệu quả.
Năm 2017, ông thu hoạch được 5 tấn hạt mắc ca tươi. Sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 400 triệu đồng.
Đặc biệt, năm nay, ông thu được 11 tấn hạt mắc ca, lợi nhuận hơn 950 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, ông còn ươm hơn 5.000 cây mắc ca giống bán ra thị trường, riêng năm nay là 1 vạn cây mắc ca giống, giá cây giống mắc ca là 50.000 đồng/cây.
Hiện nay, mỗi năm, ông thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng từ cây mắc ca. Ông Trường khẳng định: “Trồng cây mắc ca ít tốn công chăm sóc, phân bón nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Đến thời điểm này, cây mắc ca chưa cho thấy rủi ro gì, giá cả đầu ra ổn định, thương lái tìm mua tận rẫy. Cây trồng dễ chăm sóc, ít bệnh”.
Ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm từ 5 ha mắc ca. Ảnh: Minh Phương
Theo ông Nguyễn Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang: Toàn xã có 32 hộ trồng mắc ca với tổng diện tích hơn 40 ha.
Với giá bán hạt mắc ca ổn định 100-120 ngàn đồng/kg, cây mắc ca đang mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương không khuyến khích nông dân đầu tư trồng cây mắc ca theo kiểu tự phát. Bởi trước đây, người dân thường thấy lợi nhuận trước mắt, chạy theo thị trường mà bỏ cây này, trồng cây kia dẫn đến rủi ro cao.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ nên trồng xen canh cây mắc ca, phát triển đa canh để đảm bảo lợi ích lâu dài, ổn định thu nhập kinh tế gia đình. Không nên phát triển ồ ạt trồng mắc ca mà trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng diện tích, lấy cây nọ để nuôi cây kia nhằm tránh rủi ro về giá cả, thị trường”-ông Thắng nhấn mạnh.
Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Đoa Nguyễn Kim Anh cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 65 ha mắc ca, chủ yếu ở các xã: Hải Yang, Kdang, Ia Băng, Glar. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện định hướng đưa loại cây này vào mục tiêu trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán. Cây đa mục đích này vừa dễ chăm sóc, vừa tạo ra thu nhập cho người dân.