Dân Việt

Vạn Kiếp lẫy lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi thờ phụng?

Nguyễn Việt 17/11/2023 06:00 GMT+7
Nhiều di tích ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương như đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo) và Nghè Dím, đền Trung Quê (xã Lê Lợi) cùng thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu. Vậy Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công lao gì với dân với nước mà được người dân nhiều nơi ở Chí Linh thờ phụng?

Công chúa triều Trần, phu nhân Hưng Đạo Vương

Trong nhiều tài liệu lịch sử thông tin về Nguyên Từ Quốc Mẫu rất sơ sài, không đầy đủ và thiếu đồng nhất

Nhiều tài liệu lịch sử ghi Nguyên Từ Quốc Mẫu là Công chúa Thiên Thành. Tuy nhiên, khi nói về xuất thân mỗi tài liệu lại ghi khác nhau. Có tài liệu ghi bà là một trong những con của Trần Thái Tổ - Trần Thừa, em gái An Sinh Vương - Trần Liễu và Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh… Có tài liệu lại cho rằng bà là con gái của vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh. 

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng cho rằng bà là con gái Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh sẽ hợp lý hơn về hành trạng cuộc đời bà.

Bởi, có tài liệu lịch sử ghi, Thiên Thành công chúa, sinh năm 1235. Nếu như vậy, lúc đó Trần Thái Tổ - Trần Thừa đã qua đời trước đó 1 năm (năm 1234). Còn nếu là con của Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh có vẻ hợp lý hơn, vì lúc đó Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh 17 tuổi đang ở độ tuổi thanh niên trưởng thành (Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh sinh năm 1218).

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi Chí Linh thờ? - Ảnh 3.

Tượng thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu - phu nhân Hưng Đạo Vương được thờ tại đền Kiếp Bạc, người đã có công xây dựng các cơ sở hậu cần lương thảo cho quân dân nhà Trần thực hiện kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, lần 3.

Theo tài liệu lịch sử, trước khi là vua Trần Thái Tông thì Trần Cảnh làm Chi hậu chính chi ứng cục hầu hạ trong cung chuyên phục vụ Vua Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, dưới bàn tay sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Cảnh đã lấy vua Lý Chiêu Hoàng làm vợ, lúc đó Trần Cảnh mới 8 tuổi.

12 năm sau, năm 1237 xảy ra sự kiện Thái sư Trần Thủ Độ ép An Sinh Vương Trần Liễu nhường vợ đang mang thai cho Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh, vì vua lấy vợ đã lâu mà chưa có con nối dõi. Trong sử chỉ ghi chưa có con nối dõi, chứ không ghi là Vua không có con.

Nhiều khả năng trong 12 năm (từ năm 1225 đến năm 1237) sinh sống vợ chồng, Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng đã sinh con cho Vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh nhưng là con gái. 

Vì Hoàng hậu không sinh được con trai để có người nỗi dõi, Thái sư Trần Thủ Độ buộc phải làm việc trái luân thường đạo lý khi ép anh trai của Vua là An Sinh Vương – Trần Liễu nhường vợ đang mang bầu cho Vua Trần Thái Tông làm vợ, để hi vọng Vua có con trai nỗi dõi.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi Chí Linh thờ? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đọc văn tế tưởng niệm 735 năm ngày mất Đức Nguyên từ Quốc Mẫu tại đền Kiếp Bạc hôm 11/11 vừa qua.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi "Bà (công chúa Thiên Thành) được gọi Trưởng công chúa". Như vậy, ứng với hành trạng cuộc đời của Công chúa Thiên Thành đối chiếu với lịch sử, nhiều khả năng bà là con gái của Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh với Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng cũng là điều hợp lý. Vì năm 1237, sau khi lấy vợ anh trai là công chúa Thuận Thiên làm vợ và những năm sau này vợ chồng Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh và Thuận Thiên Hoàng hậu mới lần lượt sinh ra các hoàng tử, công chúa khác.

Còn về việc Trưởng Công chúa Thiên Thành diễn ra như sau: Vào đầu năm 1251, trước khi lấy Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm chồng, lúc đó Công chúa Thiên Thành chuẩn bị lấy Trung Thành Vương, con trai Nhân Đạo Vương, một tôn thất nhà Trần. Lúc đó, Công chúa Thiên Thành đang ở trong vương phủ của Nhân Đạo Vương. Vì yêu công chúa, nửa đêm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn "lẻn" vào chỗ Công chúa ở để tâm tình (việc này cả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cùng đều ghi chép).

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi Chí Linh thờ? - Ảnh 5.

Nghè Dím (Thôn Thanh Tân, xã Lê Lợi, TP Chí Linh), đã được nhân dân trong thôn Thanh Tân và ngoài xã Lê Lợi góp công góp của xây dựng to đẹp khang trang để hương khói thờ phụng Nguyên Từ Quốc Mẫu được chu đáo. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cuối cùng mẹ nuôi của Trần Quốc Tuấn là Thuỵ Bà công chúa đã phải dâng 10 mâm vàng để đền bù. Vua Trần Thái Tông cũng đành đem 2000 mẫu ruộng ở phủ Ứng Thiên để ban cho Trung Thành Vương coi như đền sính vật cho vị thân Vương này. Sau đó, Vua Trần Thái Tông tổ chức lễ cưới cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với Công chúa Thiên Thành.

Thiên Thành công chúa qua đời ngày 28 tháng 9 năm 1288 (âm lịch). Sau khi mất bà được Nhà Trần truỵ phong là Nguyên Từ Quốc Mẫu. Bà được nhiều nơi thờ, trong đó nhiều địa phương ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũng lập nghè, đền thờ phụng hương khói suốt hàng trăm năm qua.

Bà có công gì với dân với nước?

Tiến sĩ Sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: Nguyên Từ Quốc Mẫu là người có công lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần 2 năm 1285, lần 3 năm 1288. 

Khi Hưng Đạo Vương xây dựng căn cứ địa ở Vạn Kiếp để chống quân Nguyên Mông, bà đã giúp triều đình và giúp chồng bằng việc lo về công tác hậu cần, xây dựng các vùng sản xuất, củng cố các cơ sở kho tàng chứa lương thảo ở các vùng thuộc Chí Linh, Bắc Giang để phục vụ cho cuộc kháng chiến của quân dân Đại Việt do vua tôi nhà Trần lãnh đạo.

Để đánh giá về vai trò của hậu cần, lương thảo trong các cuộc chiến tranh, Tiến sĩ Mạnh đã lấy dẫn chứng về việc 3 lần quân Nguyên Mông thất bại tại Đại Việt, bởi không bảo đảm được lương thực, khi hết lương thực mang theo, lại không có nguồn lương thực tiếp tế, trong khi đó nhà Trần đã thực hiện kế "thanh dã" (vườn không nhà trống), khiến cho quân giặc rơi vào khốn đốn vì không cướp được lương thực để ăn. 

Khi hết lương ăn lại không cướp được nguồn lương thực tại chỗ của người dân buộc chúng phải rút lui. Lúc đó, quân đội nhà Trần mới thực hiện các cuộc phản công, khiến quân Nguyên Mông phải thua chạy, rút quân về nước.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi Chí Linh thờ? - Ảnh 6.

Ban thờ Mẫu trong Di tích Nghè Dím. Ảnh: Nguyễn Việt.

Trong khi đó quân nhà Trần về lực lượng tuy ít hơn địch nhưng biết đánh đúng lúc, đúng chỗ để tiêu hao sinh lực địch, biết chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng. 

Bên cạnh đó, triều Trần đã sớm triển khai thực hiện kế "Vườn không nhà trống" ở những nơi quân địch đến, khiến chúng gặp khó khăn về lương thực. 

Đồng thời cũng đã sớm cắt cử người thực hiện công việc chuẩn bị về hậu cần, lương thảo cho vua tôi, tướng sĩ yên tâm chiến đấu. Vì vậy, trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của triều Trần giành chiến thắng, bởi vì chú trọng và bảo đảm công tác hậu cần, lương thảo.

Và trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3, Thiên Thành công chúa, phu nhân của Trần Hưng Đạo đã giúp triều Trần, giúp chồng về công tác bảo đảm hậu cần, lương thảo.

Cũng theo ông Mạnh, hiện ở Chí Linh và bên Bắc Giang còn có những địa danh gắn với việc đức Quốc Mẫu xây dựng vùng sản xuất và kho tàng chứa lương thảo để phục vụ cuộc kháng chiến của nhà Trần.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi Chí Linh thờ? - Ảnh 7.

Hậu cung Nghè Dím, nơi thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo "Thần tích Đức Thánh Trần", trong cuộc kháng chiến thần thánh của quân dân Đại Việt chiến thắng quân Mông Nguyên ở thế kỷ 13, Quốc Mẫu đã lập được nhiều chiến công. Năm 1285, 1288 đế quốc Mông Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 2, lần thứ 3, Quốc Mẫu được vua Trần giao việc quản lý, hướng dẫn các gia đình quý tộc và vận động nhân dân rút lui chiến lược làm kế "Thanh Dã" (vườn không, nhà trống), phát động chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch.

Tại đại bản doanh Vạn Kiếp, Quốc Mẫu trực tiếp phụ trách hậu phương, tổ chức sản xuất, tập trung lương thực, bố trí cắt đặt kho quân lương, tận dụng địa thế trong núi, rừng, sông, ngòi hiểm yếu để phòng bố, tích trữ lương thảo, phục vụ quân doanh trong mọi tình thế.

Khu vực phía Đông Nam căn cứ Vạn Kiếp từ làng Bến, làng Thanh Tân, Thanh Tảo, Trung Quê xã Lê Lợi, kéo dài đến Đa Cốc, Bãi Thảo, Bến Tắm, núi Huyền Đinh… đều là căn cứ hậu cần đặc biệt quan trọng của phòng tuyến quân sự Vạn Kiếp do Trần Hưng Đạo và phu nhân xây dựng.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi Chí Linh thờ? - Ảnh 8.

Ông Dân, nguyên lãnh đạo xã Lê Lợi nói về Di tích Nghè Dím thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu. Ảnh: Nguyễn Việt.

Khu vực Thanh Tân (Địa điểm nghè Dím ngày nay) xưa kia là một trong những kho quân lương do Quốc Mẫu cai quản. Thời Trần, lương thảo ở khu vực Trung Quê được vận chuyển theo ngòi Mo về tập trung ở khu vực núi Nghè trước khi chuyển về cất dấu tại Hố Thóc. Ngoài địa điểm này, trong khu vực còn nhiều địa danh gắn liền với tên gọi các kho hậu cần, quân lương của Quốc Mẫu.

Địa danh Bãi Thảo: Ngày nay là tên của 3 thôn của xã Bắc An, TP Chí Linh. Đây là nơi tập kết lương thảo để chuyển vào phục vụ đại quân đóng ở phòng tuyến ải Nội Bàng (khu vực thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang)

Địa danh Làng Gạo nay thuộc xã Lê Lợi, TP Chí Linh. Đây là nơi có những cánh đồng lúa xanh tươi, màu mỡ. Sau khi thu hoạch, thóc lúa từ các vùng lân cận đều tập trung về đây để xay, giã tạo thành kho gạo rất lớn trước khi chuyển đến các khu vực khác trong quân doanh Vạn Kiếp, nên có tên gọi là làng Gạo.

Địa danh Hố Thóc nằm trong thung lũng thuộc địa phận xã Lê Lợi, TP Chí Linh, cách đền Kiếp Bạc 2 km về phía Đông Nam. Nằm trong thung lũng lòng chảo rộng 1 ha, xung quanh có núi bao bọc lại thông với ngòi Mo, đây là địa hình thuận lợi cho công tác giấu của vận lương. 

Tương truyền, nơi đây là kho chứa quân lương và là nơi cất giấu lương thực của đại bản doanh Vạn Kiếp thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên cuối thế kỷ 13. Lương thực tại các vùng lân cận do Thiên Thành công chúa phụ trách được vận chuyển theo sông Vang, ngòi Mo về Hố Thóc dự trữ và cất giấu.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 3): Nguyên Từ Quốc Mẫu là ai, có công gì mà nhiều nơi Chí Linh thờ? - Ảnh 9.

Nghè Dím (thôn Thanh Tân, xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), được công nhận di tích cấp tỉnh, nơi thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu, phu nhân của Hưng Đạo Vương, người có công xây dựng cơ sở hậu cần phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ảnh: Nguyễn Việt.

Bên cạnh đó, Thiên Thành công chúa còn tổ chức chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả ở khu vực lân cận, phục vụ quân doanh Vạn Kiếp.

Địa danh Trung Quê (nay là làng Trung Quê, xã Lê Lợi, TP Chí Linh) nơi ngày xưa bà đã cùng với con trai Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn và nhân dân đắp đập ngăn nước khái phá rừng để phát triển sản xuất. Hai mẹ con bà đã xây dựng Trung Quê thành căn cứ hậu cần lớn phục vụ kháng chiến.

Địa danh Hố Lợn (nay thuộc xã Lê Lợi, TP Chí Linh) là một thung lũng hình lòng chảo có diện tích 4 - 5 ha, được bao bọc bởi núi Mộng Tây, cách đền Trung Quê 700m về phía Đông Bắc. Đây là nơi Quốc Mẫu chăn thả lợn.

Địa danh núi Huyền Đinh (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) là nơi Quốc Mẫu chăn thả trâu, bò để phục vụ sản xuất và làm thực phẩm nuôi quân khi cần. 

Ngày nay, nhân dân ở Trung Quê, xã Lê Lợi và người dân dưới chân núi Huyền Đinh bên tỉnh Bắc Giang vẫn truyền tụng câu ca: "Trâu thì Mẫu thả Huyền Đinh/ Lợn thì Mẫu thả cánh đồng Trung Quê" để nói lên việc Nguyên Từ Quốc Mẫu nuôi trâu, nuôi lợn để phục vụ sản xuất và lấy làm thực phẩm nuôi quân để phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.

Clip: Ông Dân, nguyên Chủ tịch xã Lê Lợi, nơi có nhiều địa danh gắn với việc Nguyên Từ Quốc Mẫu, phu nhân Trần Hưng Đạo xây dựng cơ sở hậu cần phục vụ cho 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2, lần 3 và Nghè Dím cùng với đền Trung Quê là 2 nơi thờ phu nhân Hưng Đạo Vương. T/h: Nguyễn Việt.


Hiện nay, ngoài đền Kiếp Bạc thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu – Trưởng Công chúa Thiên Thành, phu nhân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, thì ở xã Lê Lợi có 2 nơi, trước đều là nơi bà xây dựng cơ sở hậu cần là thôn Trung Quê và thôn Thanh Tân cũng có di tích thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu. Thôn Thanh Tân có nghè Dím, thôn Trung Quê có đền Trung Quê.

Tuy không trực tiếp đánh giặc trên chiến trường, nhưng với việc đảm bảo an toàn cho hậu phương, lo đầy đủ hậu cần lương thực, binh khí… cho đại quân trong suốt hai cuộc kháng chiến, có thể khẳng định rằng chiến thắng vĩ đại của quốc gia Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên, có công lao không nhỏ của Nguyên Từ Quốc Mẫu.