Dân Việt

Thương vụ nghìn tỷ đẩy ông Trương Minh Tuấn và quan chức vướng vòng lao lý

Thúy Lê 25/02/2019 07:00 GMT+7
Sai phạm trong thương vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG khiến cựu Bộ trưởng Bộ TTTT là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn vướng vòng lao lý. Trước đó, quan chức cấp cao bị khởi tố cũng vì những sai phạm tương tự, điển hình như trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Ngày 23.2 vừa qua, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông về tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 220 bộ Luật hình sự 2015. Các quyết định khởi tố bị can này đã được Viện KSND Tối cao phê duyệt.

Theo Bộ Công an, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan, khởi tố từ tháng 7.2018.

Thương vụ nghìn tỷ đẩy ông Trương Minh Tuấn vướng vòng lao lý

Một trong những sai phạm của ông Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) là ký quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21.12.2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án để Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thời điểm này, ông Trương Minh Tuấn đang giữ chức Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TTTT.

Cụ thể, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương (kết luận tại kỳ họp thứ 26, tháng 5.2018), trong thực hiện dự án trên ông Trương Minh Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện Dự án.

img 

Cảnh sát rời nhà ông Trương Minh Tuấn sau cuộc khám xét (ảnh VNE)

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, mặc dù dự án đầu tư trên chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21.12.2015, ký để phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone.

Việc ký quyết định này đã vi phạm quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật Đầu tư và vi phạm Nghị định số 99/2012 của Chính phủ. Ông Trương Minh Tuấn là người đã ký quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21.12.2015 của Bộ TTTT trái quy định.

Chưa kể, giá MobiFone mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là 2 yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, mặc dù Bộ TTTT còn băn khoăn, đã nhiều lần đề nghị được trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng Bộ TTTT vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, trong đó có 02 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, mặc dù trước đó đã chỉ đạo Mobifone không mua 2 khoản đầu tư ngoài ngành.

Tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21.12.2015 phê duyệt dự án đầu tư không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư (mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư); thực tế MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.

Bộ TTTT với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án mua cổ phần của AVG. Quyết định số 236 do ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng ký phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.

img 

Ngoài ra, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 5.3.2015 đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định tại Điều 5, Điều 14, Điều 17 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Liên quan đến việc xử lý thương vụ trên, vào cuối năm 2018, Mobifone và AVG đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của Mobifone tại AVG. Điều này đồng nghĩa việc Mobifone đã hoàn toàn chấm dứt dự án mua 95% cổ phần AVG.

Mobifone đã thu lại toàn bộ số tiền liên quan đến dự án là hơn 8.775 tỷ đồng, trong đó gồm số tiền gốc mà Mobifone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ đồng và các chi phí khác. Mobifone cũng đã trả lại số cổ phần cho các cổ đông của AVG.

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố gần 10 cán bộ trong đó có ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), bà Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) và Phạm Đình Trọng (48 tuổi, cựu vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông).

Những quan chức cấp cao vướng lao lý

Việc những quan chức cấp cao như 2 cựu Bộ trưởng TTTT vừa bị khởi tố cũng không còn quá xa lạ đối với dư luận bởi trước đó cũng có không ít cựu Bộ trưởng, hay những quan chức cao cấp khác cũng vướng lao lý vì liên quan đến những hoạt động của những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước.

Trong năm 2018, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng hầu tòa là 1 trong những ví dụ điển hình.

Cụ thể, tháng 1.2018, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cùng đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam -PVC.

img 

Cựu Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải nhận án 30 năm tù 

Tại vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản này, HĐXX cho rằng bị cáo Đinh La Thăng biết rõ PVC khó khăn, không đủ năng lực nhưng vẫn chỉ định PVC tổng thầu thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Phiên tòa nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi ông Đinh La Thăng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TP.HCM và từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. TAND Hà Nội sau đó tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.

Khoảng 2 tháng sau, ông Đinh La Thăng tiếp tục hầu tòa trong vụ thất thoát 800 tỷ của PVN khi đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và bị tòa tuyên phạt 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chưa hết, đầu tháng 1 vừa qua, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị khởi tố tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự liên quan đến vụ án Ethanol Phú Thọ.