Sử dụng phân hỗn hợp NPK-S Lâm Thao cho cây lạc

TS Cao Kỳ Sơn Thứ tư, ngày 02/07/2014 14:39 PM (GMT+7)
Cây lạc (còn được gọi là cây đậu phụng, đậu nụ), có tên khoa học là Arachis hypogaea L. Các nước trồng nhiều lạc trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nigeria, Indonesia...
Bình luận 0

Nước có năng suất lạc cao nhất là Israel: 65 tạ/ha, sau đó là Mỹ: 29,5 tạ/ha, Trung Quốc: 22,5 tạ/ha, Indonesia: 16,0 tạ/ha, Nigeria: 11,4 tạ/ha, Ấn Độ: 9,4 tạ/ha. Ở Việt Nam, trước đây sử dụng giống lạc sen, lạc cúc năng suất chỉ đạt 14-16 tạ/ha, hiện nay sử dụng các giống L14, L18, MĐ7, L08, L24… nhiều nơi đã đạt được 40-50 tạ/ha.

Hàm lượng chất béo và protein cao là những chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng hạt lạc. Để có hạt lạc có chất lượng cao, ngoài việc sử dụng các loại giống tốt thì bón phân cân đối và đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng là rất cần thiết. Phân bón NPK-S Lâm Thao có tỷ lệ NPK hợp lý và đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt nguyên tố lưu huỳnh (S) có trong phân bón tham gia cấu tạo nên các axit amin quan trọng như xystein, xystin, metionin... là thành phần của protein và giúp cho cấu trúc protein vững chắc. Lưu huỳnh còn có trong thành phần của các vitamin biotin (vitamin H), thiamin (vitamin B1), vitamin B, glutathion (hợp chất hóa học rất quan trọng trong phản ứng oxy hóa khử và kích hoạt một số enzim), coenzim A (một phức hợp từ vitamin B5, hoạt động cùng một số enzim trong sự chuyển hóa của hydrat cacbon và chất béo)...

Lưu huỳnh cũng tham gia vào quá trình tổng hợp chất béo. Lưu huỳnh còn ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và cố định đạm của vi sinh vật trong nốt sần trên rễ lạc. Lưu huỳnh tham gia trong cấu trúc tế bào chất làm cho keo nguyên sinh chậm đông kết khi nhiệt độ xuống thấp và hạn chế mất nước làm tăng khả năng chống lạnh và chống hạn của cây.

1. Yêu cầu về đất và dinh dưỡng

Cây lạc trải qua 4 thời kỳ sinh trưởng và phát triển: Nẩy mầm; cây con và trước ra hoa; ra hoa, đâm tia, làm quả; hình thành quả, hạt và chín. Có thể trồng lạc trên nhiều loại đất có pH 3,8 - 9, nhưng thích hợp nhất là pH 5,5 - 6,0 và có lớp đất mặt 0 - 20cm tơi xốp.

Để tạo nên một tấn lạc quả, cây lạc lấy đi từ đất một lượng dinh dưỡng như sau: 49,1- 66,7kg N; 9,6 -16,0kg P2O5; 22,6 - 40,1kg K2O; 26,3 - 50,3kg CaO; 16 - 17kg MgO; 7- 8kg S.

Chất dinh dưỡng được cây lạc lấy đi từ đất trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển là rất khác nhau. So với tổng lượng chất dinh dưỡng cả vụ cây lạc lấy đi từ đất, thì trong giai đoạn sinh dưỡng cây lấy khoảng 10% N, 10% P2O5, 19% K2O, 10% CaO, 11% MgO; trong giai đoạn sinh sản (ra quả) cây lấy khoảng 42% N, 39% P2O5, 28% K2O, 53% CaO, 48% MgO; trong giai đoạn chín (già) cây lấy khoảng 48% N, 51% P2O5, 53% K2O, 37% CaO, 41% MgO.

2. Thời vụ và kỹ thuật trồng

Các tỉnh miền Bắc có thể trồng vụ xuân (trồng 15.2-28.2); vụ thu (trồng 1.7-31.7). Các tỉnh miền Trung có thể trồng vụ đông xuân (trồng 20.12- 30.12); vụ xuân (trồng 15.1- 28.2); vụ hè (trồng 5.4- 15.5). Các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có thể trồng vụ hè (trồng 5.4-15.5); vụ thu (trồng 1.6-15.7). Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thể trồng vụ đông xuân (trồng 1.11- 31.12) ; vụ hè (trồng 1.4- 31.5).

Để đạt năng suất cao thì phải đảm bảo mật độ 30-35 cây/m2 ; có thể trồng dày hơn với mật độ không quá 45 cây/m2 trên các chân đất có độ phì nhiêu tự nhiên thấp, hoặc trồng muộn thời vụ.

Có thể gieo hạt theo hàng: Khoảng cách giữa các hàng là 30-35cm, khoảng cách giữa các cây là 7-10cm. Có thể gieo hạt theo hốc: khoảng cách giữa các hàng là 25-30cm, khoảng cách giữa các hốc là 15-20cm, mỗi hốc để 2 cây. Sau khi rạch hàng hay tạo hốc thì bón phân lót, lấp đất và gieo hạt, các hạt trong cùng một hốc cách nhau 5cm.

Cây lạc có thể được trồng trên nhiều cơ cấu như : Lạc đông xuân - lúa hè thu - cây vụ đông ; lạc xuân - lúa - rau ngắn ngày - lạc thu; bông - lạc thu - bông ; lạc đông xuân - vừng (mè) - rau ngắn ngày - lạc thu ; lạc xuân - mạ - lạc; lúa đông xuân - lạc hè - lúa vụ 3 (hoặc rau màu) ; lúa đông xuân - lúa hè - lạc thu. Cây lạc có thể luân canh với cây mía hoặc cây dược liệu; có thể trồng xen canh với ngô, đậu đỗ, mía, dâu tằm, sắn, lúa cạn, cam, quýt, dừa, cao su, cà phê, chè, điều...

3. Sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao cho cây lạc (đậu phụng)

Lượng phân bón tính cho 1ha:

- Bón lót khi làm đất: 8 - 10 tấn phân chuồng hoai mục, 200 - 300kg vôi bột, 275 - 415kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 415 - 555kg NPK-S 3.9.6-6.

- Bón thúc khi cây 3 - 5 lá: 275 - 415kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 415 - 555kg NPK-S 3.9.6-6.

- Khi cây lạc ra hoa, vãi thêm trên thân lá 200 - 300kg vôi bột.

Lượng phân bón tính cho một sào Bắc Bộ (360m2):

- Bón lót khi làm đất: 300 - 400kg phân chuồng hoai mục, 7 - 10kg vôi bột, 10 - 15kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 15 - 20 kg NPK-S 3.9.6-6.

- Bón thúc khi cây 3 - 5 lá: 10 - 15 kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 15 - 20kg NPK-S 3.9.6-6.

Nếu trồng lạc có che phủ nylon thì lượng phân bón thúc sẽ bón vào khi rạch hàng, gieo xong sau đó phủ nylon (vụ hè phủ nylon trước, sau đó đục lỗ để gieo).

- Khi cây lạc ra hoa, vãi thêm trên thân lá 7 - 10kg vôi bột.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem