“Sức mạnh lớn nằm phía sau trận địa”

Thứ ba, ngày 06/05/2014 13:01 PM (GMT+7)
Trong chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng vạn trang tài liệu nói về đóng góp của nông dân.
Bình luận 0
Nhìn lại toàn chiến dịch, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên NTNN về vai trò của nông dân với những góc nhìn mới.

Tại Điện Biên Phủ, nông dân có vai trò quan trọng cả trong chiến đấu lẫn đảm bảo công tác hậu cần. Với tư cách là một nhà nghiên cứu quân sự, ông có đồng tình với quan điểm này?

- Tôi làm công tác nghiên cứu quân sự đã hơn 20 năm nay. Trong 29 đầu sách mà tôi đã viết, có cuốn bàn về chiến dịch Điện Biên Phủ. Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi muốn đề cập sâu tới việc đảm bảo hậu cần.

Thử đặt câu hỏi: “Đảm bảo hậu cần trong chiến dịch thì lực lượng chính là ai?”, có thể thấy Việt Nam từ xưa đến nay luôn phải chiến đấu với những thế lực hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Ta, với tư cách là nước nhỏ đánh với nước lớn thì không thể trằm mình dùng lực lượng quân sự, thoát ly khỏi nhân dân, quần chúng để thực hiện cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, ngoại bang.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương.

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có 5 sư đoàn: 304, 312, 316, 308 và Sư đoàn công pháo 351 với quân số 7 vạn người. Trong số này, có tới 80% là người nông dân mặc áo lính. Ngoài ra, còn có những lực lượng nông dân khác tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là những người nông dân thực thụ.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đã rời ruộng đồng, bằng các phương tiện gồng gánh, xe thồ, được tổ chức như những đội dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Hàng vạn người nông dân tham gia chiến dịch đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Nghĩa Lộ…

Có thể khẳng định: Nếu không có sự tham gia với vai trò quan trọng của giai cấp nông dân ở quy mô lớn, là lực lượng hậu thuẫn rất mạnh thì chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về công tác đảm bảo hậu cần.

Phương án tác chiến chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là quyết định then chốt tạo nên thắng lợi vĩ đại. Tuy vậy, chính quyết định này cũng tạo nên vô số khó khăn trong công tác đảm bảo hậu cần?

- Khi phương án tác chiến thay đổi, việc đảm bảo hậu cần càng trở nên quan trọng và cần có sự điều chỉnh triệt để bởi đánh nhanh, thắng nhanh có thể chỉ kéo dài 1- 2 tuần, nhưng đánh chắc, tiến chắc có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn. Bởi vậy, cơ quan hậu cần tiền phương đã đề nghị Chính phủ tiếp tục huy động lực lượng dân công lớn hơn nữa tham gia chiến dịch.

Năm 1954, tôi khi ấy mới 4 tuổi, đi chơi trong làng ở quê nhà tại Thanh Hóa đã thấy những người lớn tuổi gồng gánh lương thực lần lượt rời khỏi làng. Tôi hỏi: “Các bác, các chú đi đâu đấy?” thì được họ trả lời: “Đi tham gia kháng chiến như bố cháu”.

Bố tôi khi ấy là bộ đội, nhưng trong suy nghĩ của những người nông dân quê tôi, họ lên đường cũng là tham gia kháng chiến. Khi ấy, họ không có khái niệm về dân công hỏa tuyến mà chỉ đơn giản là quyết tâm đóng góp công sức để bảo vệ Tổ quốc. Đó là những đóng góp cực lớn của người nông dân bởi nếu không có lực lượng này thì quân đội ta dù được tổ chức giỏi tới đâu cũng không thể đảm bảo khả năng chiến đấu dài ngày như vậy.

Nhiều tài liệu đánh giá cao các sáng kiến của nông dân khi tham gia các hoạt động của chiến dịch. Điều đó thể hiện thế nào, thưa Thiếu tướng?

- Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ hiện đang trưng bày một số cối giã gạo. Những chiếc cối này đã ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong các năm 1953-1954, cả vùng Tây Bắc, đặc biệt là Sơn La và Lai Châu được mùa lớn nên lượng thóc rất nhiều. Khi ấy, ở khu vực này, nhà nào ở bên cạnh suối cũng có bộ cối giã gạo bằng sức nước. Nhưng nếu chỉ giã gạo theo phương pháp này thì mỗi ngày chỉ giã được 5kg gạo, không đủ để đóng góp lương thực cho chiến dịch.

Trong 7 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội thuộc 5 sư đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có 80% là người nông dân mặc áo lính.

Bên cạnh đó, còn có lực lượng nông dân rất lớn tham gia kháng chiến trong các đội dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong để đảm bảo công tác tải gạo, đạn, thuốc men, làm đường, cáng thương binh về tuyến sau…

Vào thời điểm đó, ông Lò Văn Hạc- Bí thư Khu tự trị Thái-Mèo (gồm Sơn La, Lai Châu và Nghĩa Lộ) cùng đồng chí Đặng Kim Giang- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Chủ nhiệm cung cấp của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đặt vấn đề phải đóng những chiếc cối xay như ở miền xuôi thì mới xử lý được lượng thóc lớn như vậy.

Ngay lập tức, lực lượng dân công hỏa tuyến với gốc gác là nông dân được huy động để đóng cối và hướng dẫn người dân địa phương đóng cối. Vì thế, gạo nhanh chóng được chuyển lên chiến trường cho bộ đội, tạo sức mạnh đảm bảo hậu cần tại chỗ. Chiếc cối giã gạo vì thế đã trở thành hiện vật tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thể hiện sức mạnh, quyết tâm, ý chí của người nông dân nói riêng và toàn dân, toàn quân nói chung.

Tuy có đóng góp to lớn, nhưng người nông dân lại chưa nhận được chế độ đãi ngộ hay vinh danh tương xứng với sự hy sinh thầm lặng của họ. Ông có thể nêu quan điểm của mình về vấn đề này?

- Đây là thời kỳ lịch sử mà chúng ta đã huy động lực lượng rất lớn về người tham gia kháng chiến trong khi công tác hành chính của ta thì còn đơn giản, thô sơ nên trong quá trình này, nhiều người hy sinh thầm lặng và không được nhắc đến vì nhiều lý do khác nhau.

Tôi xin khẳng định, Đảng và Nhà nước không bao giờ quên những cống hiến của bất kỳ ai với dân tộc, nhưng thể hiện trong chính sách thì vẫn có người chưa được thụ hưởng, đó là sự thiệt thòi. Chúng ta cần xây dựng chính sách phù hợp bảo đảm sự công bằng, tri ân những cống hiến về người và của với tất cả các lực lượng tham gia kháng chiến cứu quốc, trong đó có giai cấp nông dân.

Xin cảm ơn ông!

87.000 người
Khu vực lòng chảo Điện Biên, mật độ binh sĩ trên chiến trường thường xuyên ở mức cao (phía ta 87.000 người, cả bộ đội và dân công; phía Pháp thường xuyên có hơn 16.000 quân). Đa số cán bộ, chiến sĩ đều xuất phát từ nông dân.

261.451 dân công
Các cung đường tới Điện Biên Phủ thường xuyên có 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên đảm bảo hậu cần phục vụ chiến dịch.

30kg & 400 - 500 km
Để lên tới Điện Biên, các đại đoàn đều phải vượt qua chặng đường 400-500 km. Hành quân chủ yếu vào ban đêm, ban ngày nghỉ tại các lán trại. Mỗi chiến sĩ phải mang 30kg trên đường hành quân.

Nguồn: Trung tâm thông tin Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng) và Ban Tuyên giáo (Đảng ủy khối các cơ quan TƯ)

XEM THÊM
>> Người nông dân Việt thời chiến tranh và trong hòa bình
Đức Hiếu (thực hiện) (Đức Hiếu (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem