Thầy giáo và học sinh Hà Nội sáng tạo robot từ đồ tái chế, có thể cười và biết phục vụ

Tào Nga Thứ sáu, ngày 03/06/2022 07:14 AM (GMT+7)
Để làm ra robot tái chế, thầy giáo và các học sinh đã cùng đi chợ trời, chợ đồ cũ Vân Môn để tìm kiếm các phần lắp ráp, từ động cơ cũ của xe đạp điện, ắc quy xe máy, hay những bó dây điện bỏ đi…
Bình luận 0

Robot từ đồ tái chế

Trong nhịp sống hối hả, nhộn nhịp của giữa trung tâm thành phố Hà Nội, tại góc nhỏ ở Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, ai đến tham quan thích thú ngắm và trải nghiệm những sản phẩm tái chế của các bạn nhỏ đến từ Trường Tiểu học và THCS Maya School.

Các sản phẩm là "những bước chân đầu tiên" của các em học sinh trên hành trình "suy nghĩ bền vững, hành động trách nhiệm" với vai trò là những công dân tương lai của hành tinh xanh, chia sẻ kiến thức và lối sống hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Thầy giáo và học sinh Hà Nội sáng tạo robot từ đồ tái chế, có thể cười và biết phục vụ  - Ảnh 1.

Học sinh tham gia trải nghiệm các sản phẩm tái chế. Ảnh: Tào Nga

Đặc biệt, trong số các sản phẩm mang đến trưng bày có robot phục vụ từ vật liệu tái chế. Ngay từ ngày quay lại trường sau kỳ nghỉ dịch Covid-19, thầy và trò của trường đã cùng suy tư về việc hiện thực hóa các lý thuyết đã học. Vậy là hình dáng của robot được các "nhà phát minh" phác ra ngay khi nhìn thấy chiếc máy cắt cỏ đã hỏng ở trong góc nhà kho. Chiếc thùng phuy trở thành phần thân và chiếc máy cắt cỏ hỏng là chân của robot. Một chiếc đồng hồ hỏng trở thành khuôn mặt của robot khi được lắp thêm một hệ thống đèn led bên trong – để robot có thể nở nụ cười chào khi có khách tới gần.

Thầy giáo và các học sinh trong dự án đã cùng đi chợ trời, chợ đồ cũ Vân Môn để tìm kiếm các phần còn thiếu của robot, từ động cơ cũ của xe đạp điện, ắc quy xe máy, hay những bó dây điện bỏ đi… Tất cả, dưới đôi tay của các em, đều đã một lần nữa được tái sinh và có một cuộc đời mới - trở thành một sản phẩm có giá trị và ý nghĩa.

Thầy giáo và học sinh Hà Nội sáng tạo robot từ đồ tái chế, có thể cười và biết phục vụ  - Ảnh 2.

Robot phục vụ từ vật liệu tái chế. Ảnh: Tào Nga

Thầy giáo và học sinh Hà Nội sáng tạo robot từ đồ tái chế, có thể cười và biết phục vụ  - Ảnh 3.

Ai cũng bất ngờ với sản phẩm robot từ đồ tái chế. Ảnh: Tào Nga

Dù ra đời từ đồ tái chế nhưng robot có thể di chuyển và dò đường đi, né và dừng khi gặp vật cản, chạm tương tác và hành động mời nước. Ngoài ra, robot có thể bày tỏ cảm xúc và nói chuyện. Đại diện nhóm học sinh sáng tạo robot này cho biết, các em sẽ tiếp tục bổ sung chức năng cho robot là phun khử khuẩn tự động, phục vụ chén đĩa và trái cây.

Học sinh sáng tạo vì hành tinh xanh

Ngoài ra, với chủ đề "Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm", các sản phẩm khác cũng ghi dấu hành trình say mê và kiên trì mà các học sinh đã cùng nhau thực hiện xuyên suốt các năm học. Hơn 30 sản phẩm và tác phẩm lớn nhỏ trưng bày là vô vàn câu chuyện tràn đầy cảm hứng về từng bước chân nhỏ học sinh trong suốt quá trình từ ươm mầm ý tưởng thành hiện thực thông qua các bước tìm hiểu kiến thức, chuyển hoá và hành động.

Đó là ngôi nhà bằng gỗ tái chế cho chó mèo, robot phun khử khuẩn chế tạo từ vật liệu tái chế; giỏ đựng đồ giặt, túi tote, lót ly, túi đựng bình nước, chun buộc tóc đan móc từ vải và quần áo tái chế; enzym bồ hòn; tinh dầu sả và rất nhiều những tác phẩm mỹ thuật và tạo hình được sáng tạo sau quá trình nghiên cứu chủ đề và chất liệu...

img
img
img

Các sản phẩm từ đồ tái chế được học sinh sử dụng. Ảnh: Tào Nga

Thầy giáo và học sinh Hà Nội sáng tạo robot từ đồ tái chế, có thể cười và biết phục vụ  - Ảnh 5.

Nhà cho chó và nhà cho mèo - hoàn toàn từ các vật liệu tái chế. Ảnh: Tào Nga

Sản phẩm bằng hình ảnh và câu chuyện để không chỉ chiêm ngưỡng, ngắm nhìn mà mỗi khách thăm quan sẽ được khơi dậy những cảm xúc chân thật, những rung động giản đơn trước ước mơ nồng nhiệt và sự kiên trì, bền bỉ của học sinh.

Thầy giáo và học sinh Hà Nội sáng tạo robot từ đồ tái chế, có thể cười và biết phục vụ  - Ảnh 6.

Túi đựng từ những trang phục jean cũ. Ảnh: Tào Nga

Cô Nguyễn Thị Thủy, hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: "Học sinh được học trong ngôi trường ở lưng chừng núi, giữa cánh rừng, nơi các bạn nhỏ tiểu học bắt đầu những bài học đầu tiên về tự nhiên cùng lúc với việc nghe tiếng lá cây lay động vào mùa xuân, tiếng vỗ cánh của côn trùng, chạy nhảy trên thảm cỏ xanh và nếm những giọt mưa đầu mùa hạ.

Đến giai đoạn bắt đầu trưởng thành, trải nghiệm của các em phong phú hơn, tầm nhìn rộng mở hơn, các em hiểu hơn rằng chúng ta cần phát triển bền vững, cần sống trong một thế giới hài hoà. Nghĩa là, giữa tự nhiên, con người là một phần nhỏ bé. Những dấu chân nhỏ của các em hôm nay sẽ là những bước chân đầu tiên trên hành trình vạn dặm. Và "Phát triển bền vững" với tinh thần đó, không phải chỉ là một dự án, mà là một ứng xử, hành vi, là cách chúng ta sống hạnh phúc trên trái đất này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem