Thứ trưởng Bộ TNMT: Tận dụng quỹ đất ven sông Hồng đưa Hà Nội thành "Seoul thứ hai"

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 23/06/2020 21:17 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, phần lớn quỹ đất các bãi bồi ven sông Hồng ở Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn. Đây là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một "Seoul thứ hai".
Bình luận 0
Thứ trưởng Bộ TNMT: Tận dụng quỹ đất ven sông Hồng đưa Hà Nội thành "Seoul thứ hai" - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Ngày 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025.

Quy hoạch ngầm không thể không làm

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường  (TNMT) Trần Quý Kiên cho rằng, việc quản lý quy hoạch và sử dụng tài nguyên môi trường ở Hà Nội còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị của Hà Nội hiệnchưa dành phần diện tích xứng đáng cho không gian xanh, công viên hồ nước.

Thứ trưởng Bộ TNMT đề nghị, trong thời gian tới Hà Nội cần quan tâm hơn đến quy hoạch không gian ngầm bởi không một thành phố lớn nào trên thế giới không quan tâm đến vấn đề này.

"Cơ sở dữ liệu không gian ngầm không thể không làm, lúc này làm đã là muộn. Mặc dù rất khó khăn, tốn kém nhưng không thể không làm" – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ TNMT cho hay, trong các nguồn lực về tài nguyên và môi trường, điểm rất đáng chú ý ở Hà Nội phần lớn quỹ đất ở các bãi bồi ven sông Hồng vẫn còn nguyên vẹn. "Đây là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một Seoul thứ hai" – ông Kiên gợi ý.

Thứ trưởng Bộ TNMT: Tận dụng quỹ đất ven sông Hồng đưa Hà Nội thành "Seoul thứ hai" - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội nghị.

Đề cập đến lĩnh vực nhà ở, thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, Dự thảo Văn kiện đã nêu ra nhưng cần xem xét các chỉ tiêu và định hướng cụ thể hơn.

Ví dụ, trong lĩnh vực nhà ở cần có các chỉ tiêu liên quan đến số lượng mét vuông, số lượng nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vấn đề cải tạo chung cư cũ. Hay liên quan thị trường bất động sản, Hà Nội với vai trò Thủ đô và dự báo trong thời gian tới, thị trường này sẽ rất sôi động nên trong Dự thảo cần có một mục đề cập đến các giải pháp, chương trình cụ thể bảo đảm công khai, minh bạch.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề nghị Hà Nội đánh giá kỹ hơn về kết quả công tác đối ngoại của thành phố.

Theo ông Vũ, Hà Nội đã đi đầu về đối ngoại, là bức tranh thu nhỏ thành công đối ngoại của cả nước, có nhiều cách làm sáng tạo, thực chất.

Đặc biệt, Hà Nội có 5 cái nhất về đối ngoại so với các tỉnh, thành phố khác, đó là: Nơi có nhiều hiệp định ngoại giao nhất; nhiều danh hiệu của UNESCO nhất; có nhiều thành phố kết nghĩa nhất; thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất và diễn ra giao lưu văn hóa đối ngoại nhiều nhất.

"Thời gian tới, Hà Nội nên mạnh dạn xác định mục tiêu trở thành phố mang tính toàn cầu về đối ngoại. Đặt đối ngoại ở vị trí cao hơn, coi là động lực phát triển, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao vì người dân và doanh nghiệp" – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lưu ý.

Đại dịch Covid-19 chứng minh sức bền của kinh tế

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú góp ý, Hà Nội phải khẳng định là một trung tâm kinh tế, là đầu tàu của cả khu vực, do vậy, báo cáo chính trị cần đánh giá sâu hơn và thỏa đáng hơn vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ TNMT: Tận dụng quỹ đất ven sông Hồng đưa Hà Nội thành "Seoul thứ hai" - Ảnh 4.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lưu ý, cùng với huy động vốn thì tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của Hà Nội cũng cao nhất cả nước, vì thế, trong phần đánh giá cần nêu bật nội dung này để khẳng định nền kinh tế của Hà Nội rất bền vững.

"Thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%..." - ông Tú nói.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận, với kết quả 6 tháng đầu năm 2020 và các giải pháp trong thời gian tới, Hà Nội chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu đã báo cáo với Chính phủ là tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần so với GDP cả nước, đạt 6-6,5%.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tài chính, kinh tế lớn trên thế giới đều dự báo, kinh tế thế giới không thể tăng trưởng trên 3% như dự báo ban đầu, mà khả năng sẽ tăng trưởng âm, từ âm 1% đến 0%, thậm chí thấp hơn. Qua đó,  khẳng định mức độ tăng trưởng theo dự báo nêu trên của Hà Nội là rất ấn tượng.

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, các ý kiến góp ý đều rất tâm huyết, thể hiện tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô.

Đặc biệt, dưới góc nhìn từ quản lý ngành, nội dung các đại biểu đề cập rất sâu, xác đáng, liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể. Ông Vương Đình Huệ khẳng định, TP.Hà Nội sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo cả về kết cấu lẫn nội dung, đảm bảo chất lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem