Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
33 tuổi, nữ Thượng úy Trần Ngọc Yến - cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.Nam Định (Nam Định) đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo. Chị bị ung thư vú giai đoạn 3, nhưng với bản lĩnh người chiến sỹ Công an nhân dân, nữ Thượng úy luôn giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực và tuân thủ phác đồ điều trị bệnh.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong lực lượng Công an nhân dân, có ông nội và bố đều công tác trong Ngành nên ngay từ sớm, chị đã yêu thích và mong muốn được khoác lên mình bộ sắc phục cảnh sát. Sau này khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nữ Thượng úy đã thỏa ước nguyện khi được học dưới mái trường Học viện Cảnh sát nhân dân.
Ra trường, được phân công công tác tại Công an TP.Nam Định, đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng, rèn luyện một chiến sỹ trẻ như chị Yến và cũng là nơi ươm mầm cho một hạnh phúc giản dị, chân thành của chị và chồng. Năm 2013, khi đang công tác tại Công an phường Phan Đình Phùng, chị lần đầu gặp anh Trần Thanh Hoàng - cán bộ Đội cảnh sát Hình sự, Công an TP.Nam Định, người sau này nên duyên vợ chồng với mình.
Kể về cuộc gặp gỡ này, chị nhớ lại hôm đó được giao nhiệm vụ trực ca trưa, tối tại đơn vị thì gặp anh Hoàng. Lúc đó, anh Hoàng được cơ quan giao nhiệm vụ đến Công an phường để chuyển công văn. Sau lần gặp đầu tiên ấy, họ đã tìm hiểu nhau và đã có một đám cưới đẹp dưới sự chúc phúc của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Không lâu sau khi cưới, vợ chồng chị đón con trai đầu lòng trong sự vui mừng, hạnh phúc.
Cặp vợ chồng trẻ đã đặt ra nhiều dự định. Anh Hoàng từng tâm sự với vợ, anh muốn xây một căn nhà nhỏ, thiết kế theo ý mình để cả gia đình cùng xum vầy trong đó. Anh cũng đã từng bộc bạch với bạn đời, rằng đến khi con trai khoảng 2 tuổi, anh muốn đưa vợ con vào TP.Hồ Chí Minh thăm người thân bằng máy bay. Vị cán bộ của Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Nam Định cũng rất thật thà, rằng anh chưa được đi máy bay lần nào, và anh muốn cùng vợ, cùng con trải qua cảm giác ấy.
Hạnh phúc chẳng tày gang, biến cố ập đến với gia đình nhỏ của Yến khi anh Hoàng phát hiện bị ung thư phổi. Lúc biết tin chồng lâm bệnh, tất cả mọi người trong gia đình đều hết sức bất ngờ, bàng hoàng bởi trước đó anh rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
"Trước đó anh ấy chỉ cảm thấy bị đau mỏi vay gáy, sau đó kéo xuống hai tay. Đêm anh mất ngủ, khoảng 1 tuần cứ đêm là anh đau người, nằm thì không thể ngủ được, cứ phải trong tư thế ngồi gục thì mới tạm ngủ được" – Trần Ngọc Yến nhớ lại.
Thấy người mệt mỏi, anh Hoàng chỉ nghĩ chắc do dạo gần đấy bản thân đi làm nhiều, bị căng thẳng và đau mỏi dây thần kinh nên khi được vợ khuyên đi khám, anh đã chần chừ, đợi anh thi xong rồi khám (anh Hoàng ôn thi lớp liên thông lên Đại học của Học viện An ninh nhân dân).
Nằm ngoài dự đoán của đôi vợ chồng trẻ, anh Hoàng bị phát hiện có khối u ở trung thất sau khi thăm khám tại Bệnh viện 19-8. Tin dữ đến khiến chị Yến không khỏi ngỡ ngàng. Sáng hôm đó, anh Hoàng còn dặn vợ, sáng đi tối anh về, "trưa anh hẹn bạn trên Hà Nội ra nhậu chút rồi anh mới về" nhưng tối đó anh không thể về. Anh phải nhập viện.
"Cả hai bên gia đình tôi khi đó đều bị sốc và cũng khóc rất nhiều. Ông bà nội thì đưa con trai tôi về quê chăm sóc (Nghĩa Hưng, Nam Định – PV) để vợ chồng yên tâm chăm sóc nhau những ngày trong viện.
Sau này được các đồng chí cùng phòng thi với anh nói lại, ngày thi thấy anh vừa ôm ngực đau đớn vừa làm bài thi, khi đó tôi mới biết anh đã cố nhịn đau để vợ không lo lắng như thế nào" – nữ Thượng úy Trần Ngọc Yến bộc bạch.
Dưới sự động viên của người thân, gia đình và sự tạo điều kiện từ đơn vị công tác, chị cùng chồng chiến đấu với căn bệnh quái ác tại Bệnh viện 19-8. Anh Hoàng sau khi mổ thì được chuyển sang Bệnh viện K Tân Triều để truyền hóa chất và xạ trị. Nhưng hiện thực trước mắt quá phũ phàng khiến đôi lúc anh Hoàng không thể chấp nhận.
"Khi biết rõ bệnh của mình thì tâm trạng anh cũng rất u uất, nhiều lúc không chịu hợp tác với bác sĩ, cũng không đồng ý cho gia đình nhiều người lên chăm sóc mà chỉ có hai vợ chồng cùng nhau ở viện.
Lúc truyền hóa chất và kích bạch cầu xong người uể oải, đau nhức không đi được thì việc vệ sinh, tắm giặt của anh là do vợ cõng. Nhiều đêm đau đớn anh không ngủ được, 2 vợ chồng đều thức. Anh chỉ lặng lẽ nhìn tôi rồi bảo "Anh thương em lắm" rồi nhịn đau để vợ không lo lắng" – chị Yến ngậm ngùi.
Năm 2016, sau thời gian "chiến đấu" với bệnh hiểm nghèo, anh Hoàng "dừng lại". Khi anh mất, chị Yến mới 28 tuổi và con trai đầu lòng của vợ chồng anh cũng mới chỉ 10 tháng tuổi. Sự việc đến một cách quá nhanh, quá bất ngờ khiến chị sốc nặng. Nữ Thượng úy lúc đó đã hoang mang, hụt hẫng, không biết sau này nên sống như thế nào và khóc rất nhiều.
"Bình thường có hai vợ chồng cùng ăn, cùng sinh hoạt, nói chuyện, giờ căn nhà vắng lặng. Nhìn đồ đạc sinh hoạt ông xã lưu lại, tôi cũng chỉ biết khóc. Lại nghĩ sau này con lớn, nếu cháu hỏi bố đâu thì nên trả lời thế nào. Hàng đêm, khi cả nhà đi ngủ tôi lại ra chiếc ghế hơi nơi chồng ngồi khi còn sống, tôi nằm đó, nhìn về di ảnh anh" – Yến nhớ lại những ngày tháng chồng mất.
Biết được hoàn cảnh gia đình của chị, lãnh đạo Công an TP.Nam Định đã tạo điều kiện cho nữ Thượng úy được chuyển công tác lên Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để chị có nhiều thời gian nghỉ ngơi, ổn định tinh thần, cũng như có thêm thời gian cuối tuần về thăm con trai. Sự động viên tinh thần rất lớn từ đơn vị nơi hai vợ chồng công tác, gia đình, người thân đã giúp cho chị thêm động lực để vượt qua nỗi đau không thể đong đếm.
"Tôi cũng tự hứa sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ sự động viên, quan tâm của tất cả mọi người. Vì con, vì gia đình, tôi sẽ cố gắng đi tiếp con đường mà chồng còn dang dở" – chị nói.
Dần nguôi ngoai sau cú sốc lớn mất đi người thân, nữ chiến sỹ Công an TP.Nam Định quay trở lại công việc, cố gắng vun đắp, nuôi dưỡng con nhưng thử thách lại một lần đến với chị. Tháng 6/2019, chị phát hiện bị ung thư vú.
Khi đó, chị nói "cũng không bất ngờ lắm", nghĩ phải thật bình tĩnh, vì nếu xác định bị bệnh sẽ cần thời gian chiến đấu với bệnh rất lâu dài, bởi "một lần chồng tôi đã gục ngã thì tôi cũng không thể đầu hàng nối tiếp nhanh như vậy được".
Ám ảnh tâm lý vì chồng đã mất tại Bệnh viện K, chị vào TP.Hồ Chí Minh chữa bệnh. Lúc đó, chị nghĩ phải quyết tâm chiến thắng được bệnh tật, con chỉ còn mình chị làm chỗ dựa nên nhất định chị phải cố gắng đến cùng, chị sẽ khỏe lại và phải khỏe lại.
Những ngày ở TP.Hồ Chí Minh là những ngày dài, là những ngày nữ chiến sĩ Công an nhân dân nhớ con, nhớ nhà da diết. Nhớ con, sau mỗi đợt điều trị thuốc, vì không đi được máy bay do sợ ảnh hưởng tim, cứ tiêm thuốc xong lúc 15h là đến 22h đêm, chị lại ra ga tàu hỏa mua vé về Nam Định.
"Nằm trên tàu 1 ngày tôi bị đau nhức, uể oải và nôn ói, nhưng cũng cố gắng để có thể về nhìn thấy con. Gần đến ngày truyền thuốc thì tôi lại đi tàu vào Nam" – chị kể.
Nhắc về con, chị Yến bùi ngùi. Mặc dù con còn nhỏ nhưng theo chị, cháu rất hiểu chuyện. Mẹ về thường quấn quýt lấy mẹ, hỏi thăm mẹ và dặn mẹ cố gắng. Con còn đọc cho chị nghe những bài thơ cô giáo dạy trên lớp mầm non. Con cũng khoe những bức tranh vẽ mẹ nguệch ngoạc.
Mặc dù vào miền Nam chữa bệnh 1 mình, lại mang theo trọng bệnh nhưng chị rất lạc quan, cố gắng tuân theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của các bác sỹ. Bên cạnh đó, gia đình và con trai ở quê nhà cũng thường xuyên gọi video hàng ngày để động viên nữ Cảnh sát.
Ở lần đầu Yến truyền hóa chất, các dì ruột cũng từ Nam Định bay vào TP.Hồ Chí minh để động viên chị. "Mọi người đưa tôi đi Đà Lạt, Vũng Tàu để nghỉ ngơi, chụp ảnh động viên trước ngày tôi rụng tóc. Mặc dù vừa đi ngoài bờ biển gió thổi tóc bay rụng thành từng mảng nhưng tôi vẫn vui vẻ đón nhận" – nữ Thượng úy xúc động.
Mổ và xạ trị xong, chỉ còn tiếp tục truyền thuốc thêm 1 năm nữa, chị ra Hà Nội, tiếp tục tham gia lớp học liên thông của Học viện Cảnh sát nhân dân kỳ thứ 5 và học bổ sung kỳ thứ 4 do nghỉ chữa bệnh.
Bệnh tình dần ổn định, chị trở lại đơn vị công tác, và cũng cùng thời điểm này, TP.Nam Định bước vào chiến dịch thần tốc 100 ngày đêm cấp Căn cước công dân cho người dân. Được đơn vị ưu tiên, chỉ làm việc hành chính mà không phải tham gia chiến dịch nhưng nữ cán bộ Công an TP.Nam Định vẫn đề xuất được tham gia cùng đồng đội.
Dù nhiều lần chỉ huy đơn vị lăn tăn, gạt đi vì lo lắng cho sức khỏe của chị nhưng nhận thấy sự cương quyết, quyết tâm trong mắt Yến, lãnh đạo đã đồng ý cho chị được tham gia chiến dịch.
Mặc dù trong thời gian cao điểm này, cũng có thời gian sức khỏe chị Yến không ổn định, bị đau vết mổ và suy nhược cơ thể nhưng với bản lĩnh của người chiến sỹ Công an nhân dân, khi điều trị khỏe lại, chị lại tiếp tục hoàn thiện công việc của mình.
Nhiều lần nhắc lại, nữ cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.Nam Định bày tỏ, chị chưa từng cảm thấy bi quan khi nghĩ về hoàn cảnh của mình. Chị nghĩ đây là thử thách mà số phận đã dành cho mình và vui vẻ đón nhận. Ở thời điểm hiện tại, chị vẫn thường xuyên đi về giữa Nam Định – Hà Nội để thăm khám, điều trị.
Con trai bây giờ đã 6 tuổi, mỗi lần hỏi chuyện con, chị nhận được câu trả lời rằng cháu mơ ước lớn lên sẽ được giống như bố, như mẹ, được làm Công an. Xúc động trước mơ ước của con, chị kể về những lần đánh án của chồng, kể về hành động cao đẹp cứu người gặp nạn trên sông của chồng cho con trai nghe.
Chị ủng hộ cho ước mơ cao đẹp của con trai bé bỏng. Căn bệnh ung thư không thể cướp đi nụ cười lạc quan của nữ Thượng úy. Con trai cần chị và chị đang cố gắng đi tiếp con đường mà chồng còn dang dở, tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp đến xã hội, tiếp tục cống hiến, nỗ lực cố gắng vì hạnh phúc của nhân dân.
Thực hiện: Việt Anh - Nguyễn Hòa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.