TP.HCM: Bổ sung 2 giáo sư, 2 mẹ Việt Nam Anh hùng vào quỹ tên đường
TP.HCM: Bổ sung tên của 2 giáo sư và 2 mẹ Việt Nam Anh hùng vào quỹ tên đường
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 08/12/2020 12:49 PM (GMT+7)
Tại kỳ họp 23 HĐND TP.HCM khóa IX, UBND TP.HCM đã có tờ trình về bổ sung 4 nhân vật lịch sử vào quỹ tên đường của TP.HCM và đặt tên cho 244 tuyến đường trên địa bàn thành phố.
4 nhân vật lịch sử được đề xuất đưa vào quỹ tên đường là GS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thiện Thành; Giáo sư - Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly và hai mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị So và Lê Thị Truyền (huyện Củ Chi).
Cũng theo tờ trình này, UBND TP.HCM đề xuất đặt tên mới cho 224 tuyến đường trên địa bàn các quận 1, 2, 3, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Trong đó có 4 tuyến đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), cụ thể: Đặt tên Tố Hữu (nhà thơ nổi tiếng đạt nhiều giải thưởng lớn và từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cho đường ven hồ trung tâm (R2) và một phần đường ven sông Sài Gòn (R3) dài hơn 3km.
Đặt tên Trần Bạch Đằng (nhà báo, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà chính trị lão thành cách mạng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, ủy viên Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) cho đại lộ vòng cung (R1) dài hơn 3,3km.
Đặt tên Nguyễn Thiện Thành cho đường ven sông (R3) dài gần 2,8km. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Quốc hội khóa VII.
Đặt tên Bùi Thiện Ngộ cho đường châu thổ R4 dài hơn 2,5km. Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ sinh tại Tân Định, Sài Gòn, từng là Bộ trưởng Bộ Công an.
Đặt tên đường Trần Văn Khê (GS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền) cho đường cống hộp Phan Văn Hân thuộc phường 17, quận Bình Thạnh.
Trong 224 tên đường được đề xuất đặt mới, có khoảng 150 tuyến đường ở Củ Chi với tên mới là tên của các mẹ Việt Nam Anh hùng của vùng đất thép thành đồng này.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã đề xuất lên UBND TP phương án điều chỉnh 38 tên đường trên địa bàn thành phố. Theo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, có thể chia 38 tên đường trên thành 4 nhóm:
● Nhóm 1 - Nhân vật lịch sử sai tên so với quyết định đặt tên của UBND TP.HCM, gồm Bùi Hữu Diên (theo quyết định của UBND) - Bùi Hữu Diện (trên bảng tên đường), Đoàn Triết Minh - Đoàn Minh Triết, Đỗ Cơ Quang - Đỗ Quang Cơ, Nguyễn Chánh Sắt - Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Trọng Trì - Nguyễn Trọng Trí. Với nhóm này, Sở Văn hóa - Thể thao đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM điều chỉnh tên các nhân vật lịch sử cho đúng với các quyết định đặt tên đường.
● Nhóm 2 - Quyết định của UBND TP sai họ tên của nhân vật lịch sử, gồm Dương Tụ Quán (tên đúng) - Dương Tự Quán (trong quyết định của ủy ban và trên bảng tên đường), Hoàng Xuân Hành - Hoàng Xuân Hoành, Nguyễn Đình Quản - Lê Đình Quản, Phan Thị Hối - Phạm Thị Hối, Phạm Khiêm Ích - Phan Khiêm Ích, Raymonde Dien - Raymondienne. Sở đề nghị ủy ban xem xét điều chỉnh cho đúng tên họ.
● Nhóm 3 - Họ tên các nhân vật lịch sử được đặt tên đường không chính xác, gồm Hoàng Đức Lương (tên đúng) - Hoàng Đức Tương (trên bảng tên đường), Kha Vạng Cân - Kha Vạn Cân, Lương Như Hộc - Lương Nhữ Học, Võ Duy Dương - Nguyễn Duy Dương, Phạm Văn Tráng - Nguyễn Văn Tráng, Phạm Đôn Lễ - Phạm Đôn, Trương Quốc Dụng - Trương Quốc Dung, Đông Kinh Nghĩa Thục - Nghĩa Thục. Sở đề xuất thông qua HĐND TP.HCM về việc đổi tên đường cho các tên nhân vật lịch sử nêu trên.
● Nhóm 4 - Các nhân vật lịch sử gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy hay một số nhân vật còn gây tranh cãi, gồm Đoàn Như Hài (trên bảng tên đường) - Đoàn Nhữ Hài (tên khác của nhân vật), Hà Tôn Quyền - Hà Tông Quyền, Hồ Huấn Nghiệp - Hồ Huân Nghiệp, Huyện Toại - Đỗ Trình Thoại, Ký Hòa - Chí Hòa, Lê Đại Hành - Lê Hoàn, Lê Tấn Kế - Lê Tán Kế hoặc Lê Quang Quan, Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông, Ngô Thời Nhiệm - Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Siêu - Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiệp - Nguyễn Thiếp, Nơ Trang Long - N'Trang Lơng, Phan Ngữ - Phan Ngũ, Phan Phú Tiên - Phan Phu Tiên, Tôn Đảng - Tông Đảng, Trần Khắc Chân - Trần Khát Chân, Trần Nhân Tôn - Trần Nhân Tông, Yên Đổ - Yên Đỗ. Ở nhóm này, sở đề xuất xem xét điều chỉnh sau, hiện giữ nguyên tên đường để hạn chế tối đa việc xáo trộn, thay đổi tên đường gây ảnh hưởng đến người dân.
Riêng với tên đường Trương Đình Hợi (quận 4) thuộc nhóm 4, sở đề nghị xem xét thay tên khác vì trong lịch sử, không có nhân vật lịch sử mang tên này và ở quận 8 đã có đường Trương Đình Hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.