Trung Quốc có bớt sự ngang ngược trên Biển Đông sau việc Mỹ tập trận phô trương sức mạnh?
Trung Quốc có bớt ngang ngược trên Biển Đông sau việc Mỹ tập trận phô trương sức mạnh?
Lương Kết (thực hiện)
Thứ năm, ngày 09/07/2020 11:26 AM (GMT+7)
Theo ông Lê Việt Trường, trong chiến lược chung của Mỹ và Trung Quốc thì khu vực Biển Đông nằm trong chiến lược toàn cầu của họ. Họ làm gì cũng theo sự toan tính trong chiến lược đã vạch ra, còn hành động tập trận gây sự căng thẳng tại khu vực vừa qua chỉ là những biện pháp cụ thể.
Sự kiện Trung Quốc tập trận trên Biển Đông (nằm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam), tiếp đó Mỹ cũng điều tàu sân bay, các tàu chiến, máy bay đến tập trận sát đó, có nhiều vấn đề đằng sau sự kiện này, PV Dân Việt trao đổi với ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để có những phân tích cụ thể hơn.
Bước leo thang mới
Việc Mỹ tiến hành tập trận ngay gần khu vực Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc "đe" nhau rất hiếm thấy tại khu vực này, ông nghĩ sao?
- Tình hình Biển Đông khi Trung Quốc và Mỹ tiến hành tập trận cho thấy động thái rất mới, dấu hiệu có thể đẩy căng thẳng hơn ở Biển Đông. Hai cường quốc có tiềm lực mạnh về hải quân đã áp dụng các biện pháp mang tính "nắn gân" nhau, đây là điều rất bất lợi cho an ninh nói chung ở khu vực Biển Đông. Việc đó ảnh hưởng trực tiếp đến bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với vùng biển được xác lập theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 giữa Việt Nam và các nước xung quanh.
Tình hình như vậy theo tôi đó là bước leo thang mới, điều này trái với thỏa thuận Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC). Trong Tuyên bố nêu rõ: Các bên không được tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việc Trung Quốc tập trận trong vùng biển của Việt Nam vừa vi phạm chủ quyền của nước ta, vừa thể hiện đe dọa sử dụng vũ lực.
Đối với phía Mỹ, trước đây họ đưa tàu vào khu vực Biển Đông chỉ để đi tuần tra bình thường. Tuy nhiên họ đưa số lượng tàu, máy bay và trang thiết bị hiện đại để tập trận ngay sát khu vực Trung Quốc tập trận thì đây cũng là hành động mới. Dấu hiệu này cho thấy tình hình Biển Đông ở cấp độ nguy hiểm cao hơn.
Ông có nghĩ, việc Mỹ tập trận như vậy là sự răn đe mạnh với Trung Quốc, sau này Trung Quốc sẽ giảm bớt hành động ngang ngược, hung hăng trên Biển Đông không?
- Qua theo dõi tôi thấy, trước đây Trung Quốc xây dựng, củng cố đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, rồi tăng cường khả năng phòng thủ ở đó bằng việc đưa các thiết bị, các tên lửa đất đối không; tiếp đến họ tôn tạo, quân sự hóa các điểm đảo trước đây vốn là bãi đá nửa chìm, nửa nổi của Việt Nam, lúc đó phía Mỹ cũng đưa tàu tuần tra vào khu vực cách 12 hải lý xung quanh các thực thể đó. Tuy nhiên việc đó cũng không làm thay đổi hành động của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn cứ tiến hành theo những toan tính của họ.
Các biện pháp của các nước lớn, đặc biệt Mỹ và Trung Quốc là nằm trong sự toan tính thuộc phạm vi chiến lược quốc phòng và an ninh toàn cầu của họ. Trong chiến lược chung thì khu vực Biển Đông nằm trong chiến lược toàn cầu của họ. Quốc gia nào làm gì cũng theo sự toan tính trong chiến lược đã vạch ra, còn hành động tập trận như vừa qua chỉ là những biện pháp cụ thể. Vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở điều như chúng ta nhìn thấy ở bình diện bề nổi.
Hành động giữa Mỹ và Trung Quốc là phép thử của các nước lớn với nhau, để xem ý đồ, khả năng thực hiện trên thực tế, khả năng thực hiện theo những tuyên bố, những mong muốn như thế nào.
Hiện nay cả thế giới đang phải đối diện những khó khăn mới, như đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, kinh tế kém phát triển do ảnh hưởng từ đại dịch… Trong điều kiện khó khăn như vậy, khả năng thực hiện các biện pháp để thực thi chiến lược quốc phòng an ninh toàn cầu của các nước lớn như thế nào, ở khu vực xa thế nào, ở gần thế nào, hành động của Mỹ và Trung Quốc là họ đang thử nhau để xem khả năng và thực lực của mỗi bên.
Từ phân tích trên tôi cho rằng không phải Mỹ đưa tàu chiến vào nhiều, rồi tập trận nhằm kiềm chế Trung Quốc thì sẽ giúp giảm căng thẳng đi, giảm hành động ngang ngược "cậy thế", bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng, khi Trung Quốc có những khó khăn, thách thức từ trong nước, họ thường có hành động ra bên ngoài tạo sự chú ý vào đó. Khi Trung Quốc hành động, Mỹ chắc chắn không thể ngồi yên, điều này càng gây bất ổn cho khu vực trong khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, kinh tế thì khó khăn?
- Trong lúc này phía Trung Quốc một mặt họ vẫn thực hiện âm mưu chiến lược là đường 9 đoạn (còn gọi đường lưỡi bò ở Biển Đông), nhưng một mặt họ cũng đang giải quyết khó khăn trong nước như thiên tai lũ lụt, kinh tế... Họ cũng đang đối mặt với câu chuyện mà một số quốc gia nêu ra, đó là nguyên nhân từ đâu phát sinh ra Covid-19. Thông thường họ hay đẩy sự chú ý từ trong nước ra bên ngoài. Có hoạt động nào đó thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế để giảm áp lực nên vị thế chính trị của họ ở các diễn đàn quốc tế thì họ thực hiện.
Còn phía Mỹ, trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn căng thẳng, kinh tế có dấu hiệu suy thoái nhưng họ vẫn phải thể hiện vai trò, vị thế của siêu cường. Có nhà bình luận quốc tế đã viết: Bây giờ Mỹ không còn là Mỹ nữa, đã bị suy yếu, buông bỏ nhiều khu vực, khoảng trống quyền lực ở nhiều nơi đang bị lộ ra.
Để chứng tỏ vị thế của siêu cường số 1 thì Mỹ phải có hành động để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ hành động để Trung Quốc và thế giới thấy bất cứ nơi đâu mà quyền lợi và an ninh của Mỹ bị đe dọa thì Mỹ đều có hành động thể hiện trách nhiệm, thể hiện vai trò, thể hiện tầm ảnh hưởng, thể hiện vị thế là siêu cường số 1. Cho dù hiện Mỹ đang bận chống đại dịch Covid-19, lại sắp bước vào kỳ bầu cử Tổng thống.
Hành động của Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông có thể tiếp tục còn những đe dọa lẫn nhau nhưng dẫn tới đối đầu về quân sự thì rất ít có khả năng xảy ra (mặc dù không loại trừ).
Để giúp cho khu vực ổn định, tránh những hành động leo thang của các nước lớn gây căng thẳng kéo dài, các quốc gia ASEAN cần có đối sách khéo léo, quyết liệt?
- Trước hành động tập trận như của hai "ông lớn", việc các quốc gia có liên quan trong khu vực phản đối nước này, hoan nghênh nước kia, hay giữ im lặng đều không phù hợp. Đối với các nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông thì phải hết sức khôn khéo, tỉnh táo.
Nếu như phản đối nước này, hoan nghênh nước kia thì rõ ràng là điều không có lợi; trường hợp phản đối nước này lại không phản đối nước kia cũng không được; trường hợp im lặng càng không nên.
Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, trong đó có nêu: Không được có bất cứ hành động gì làm phức tạp thêm tình hình, việc Trung Quốc tập trận quân sự rõ ràng là phức tạp, thể hiện sự đe dọa; còn phía Mỹ đưa tàu sân bay, tàu chiến, máy bay và các trang thiết bị quân sự vào tập trận cũng là hành động làm phức tạp tình hình.
Ở đây phải đòi hỏi các nhà chính trị của nước ta và các quốc gia liên quan trực tiếp phải theo dõi sát sao, phải hết sức tỉnh táo đánh giá, phân tích tình tình và có phản ứng tích cực bằng con đường đấu tranh ngoại giao.
Việt Nam chúng ta cần phải phát huy vai trò của Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và vai trò Chủ tịch của khối ASEAN một cách mạnh mẽ để tạo nên một mặt trận đấu tranh ngoại giao chung.
Lúc này cần tất cả các nước có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến Biển Đông, các nước quan tâm đến khu vực Biển Đông có hành động mang tính đoàn kết, dựa trên sự tuân thủ luật pháp quốc tế để không làm tình hình phức tạp, đẩy tình hình xấu hơn. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải để tiếp tục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.