Văn hoá là để mở ra khát vọng

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) Thứ năm, ngày 25/11/2021 13:08 PM (GMT+7)
Hội nghị Văn hoá toàn quốc đã bàn rất kỹ đến việc xây dựng văn hóa, hệ giá trị con người trong thời kỳ mới. Xây dựng được hệ giá trị con người thì sẽ giúp con người có thang để bấu víu, giúp con người không còn "chơi vơi" giữa xã hội, không còn chấp nhận "hủ hóa" với những tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Bình luận 0

Trong lịch sử chúng ta đã từng có Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần được hiểu như một hội nghị văn hoá để đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập tự cường dân tộc, trước thời khắc trọng đại của đất nước: Nên hoà hay nên đánh.

Năm 1946, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất cũng là một thời điểm trọng đại để bước vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến bằng việc đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập tự cường, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, năm 1948 cũng vậy, thời điểm bước vào cuộc kháng chiến, văn hoá hoá kháng chiến. 

Như vậy, có thể thấy qua đó, bản sắc văn hoá Việt Nam chính là ý chí độc lập tự cường.  

Với tư cách là một người làm văn hoá, tôi cảm nhận được ý nghĩa to lớn của Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này. Đặc biệt qua bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Có thể hiểu rằng Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 cũng đứng trước một thời điểm quan trọng của đất nước mà đã được Tổng bí thư nhấn mạnh rất sâu sắc, đấy là chúng ta đang đứng trước thời điểm thực hiện khát vọng phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập cao, đến 2045 trở thành quốc gia phát triển. Tôi chưa hình dung được đến năm 2045, đất nước sẽ phát triển thế nào, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần có khát vọng đến lúc đó Việt Nam lọt vào top mấy chục nước phát triển.

Văn hoá là để mở ra khát vọng - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc. Ảnh TTXVN

Tại Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần nói thẳng nói thật chỉ ra những hạn chế, Đảng đã đưa ra nhận định việc quan tâm tới văn hoá chưa tương xứng với kinh tế và chính trị. Vì thế, Hội nghị Văn hoá toàn quốc mở ra chính là để hiện thực hoá Nghị quyết của Đảng, quan tâm tới văn hoá ngang hàng với chính trị và kinh tế. Tôi hy vọng Hội nghị Văn hoá toàn quốc là đột phá khẩu để mở ra một thời kỳ mới.

Chúng ta đều biết rằng trong xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực như tham nhũng, suy thoái, đạo đức, lối sống. Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ văn hóa. Bởi vì, nếu có văn hóa thì tại sao trong thời kỳ xây dựng đất nước, trong dịch bệnh khó khăn lại xuất hiện tiêu cực, tham nhũng được. Người sống có văn hoá, có đạo đức không thể tham nhũng, tiêu cực trên cả nỗi đau của đồng bào mình. 

Bởi thế, tôi rất mừng khi tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc đã bàn rất kỹ đến việc xây dựng văn hóa, hệ giá trị con người trong thời kỳ mới. Sau Hội nghị nếu chúng ta xây dựng được một nền văn hoá phát triển, đưa văn hoá tương xứng với chính trị và kinh tế, tạo ra hệ giá trị con người Việt Nam phù hợp với thời kỳ mới, thì sẽ góp phấn lớn cho việc "chữa trị" được những "căn bệnh" của cán bộ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra là vô cảm, vô trách nhiệm, mất dân chủ, tham nhũng, cửa quyền. Qua đó, sẽ giúp cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa đặt ra. 

Năng lực, phẩm chất, uy tín suy cho cùng chính là văn hóa. Tất cả những điều đó đều liên quan, gắn kết đến nhau vì cán bộ sống trong môi trường văn hóa, mà môi trường văn hóa là do con người tạo ra. Nếu như không có môi trường tốt sẽ không thể nuôi dưỡng được con người tốt.

Xây dựng được hệ giá trị con người thì sẽ giúp con người có thang để bấu víu, giúp con người không còn "chơi vơi" giữa xã hội, không còn chấp nhận "hủ hóa" với những tiêu cực, tệ nạn xã hội.  

Không cá nhân, tổ chức nào có thể đưa ra hệ tiêu chuẩn hay giá trị con người hoàn hảo, yêu cầu của cuộc sống và nhân dân sẽ hoàn thiện nó. Nhưng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa diễn ra: Văn hoá là để xây dựng con người, văn hoá phát triển là để phục vụ nhân dân, để hình thành giá trị con người hoàn thiện, con người phải có năng lực, phẩm chất, uy tín, thích ứng an toàn với tình hình mới.

Cái lớn nhất của Hội nghị Văn hoá toàn quốc qua bài phát biểu của Tổng bí thư, theo cá nhân tôi là đề cao mục tiêu xây dựng con người. Không phải xây dựng con người một cách chung chung mà là con người Việt Nam có khát khao, có ý chí độc lập tự cường, nhất định không chịu tụt hậu mà vươn lên đưa đất nước phát triển.

Tổng bí thư cũng nói đó phải là con người Việt Nam trong sáng, không phải chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, mà là con người phụng sự con người, phụng sự xã hội và phụng sự đất nước.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc chỉ thực sự mang ý nghĩa lớn lao như chúng ta đang kỳ vọng, khi bắt đầu từ đây, một thời kỳ mới được mở ra với một nền văn hoá xứng tầm thời đại, ghi dấu ấn vào lịch sử, mở ra khát vọng về ý chí độc lập tự cường của thời đại mới. Điều đó chỉ được hiện thực hoá nếu giá trị của con người Việt Nam được hoàn thiện với những phẩm chất tốt đẹp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem