Vì sao 8 cá thể hổ trưởng thành chết ngay trong ngày được “giải cứu”?

Nhóm PV Điều tra Thứ sáu, ngày 06/08/2021 17:19 PM (GMT+7)
Trước thông tin 8/17 cá thể hổ vừa được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An "giải cứu" sáng 4/8/2021 và chết chiều cùng ngày, PV Dân Việt đã trao đổi với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn.
Bình luận 0
Vì sao 8 cá thể hổ nặng hai ba tạ đã chết sau khi được “giải cứu”? - Ảnh 1.

Những cá thể hổ được đưa ra khỏi nơi nuôi nhốt trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An

Hổ được cơ quan chức năng giải cứu trong hầm nuôi nhốt của người dân, tuy nhiên, rất đáng tiếc 8/17 cá thể hổ đã chết. Video: CTV

Hổ bị nuôi nhốt có thể đã mang nhiều bệnh 

Trao đổi với Phóng viên Dân Việt trưa 6/8, ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội - cho biết: "Tất cả các vụ giải cứu hổ phải gây mê để vận chuyển chúng khỏi nơi nuôi nhốt trái phép. Việc gây mê phụ thuộc kinh nghiệm của người thực thi chứ không có quy trình nào cả".

"Thực ra trong điều kiện bình thường, có thời gian hơn để nghiên cứu và lên kế hoạch thực hiện gây mê cho chuẩn chỉ. Còn vụ việc thu giữ hổ ở Nghệ An vừa rồi, do nhiệm vụ cấp bách, các cán bộ buộc phải làm nhanh vì người bị tịch thu không đồng tình. Có những cá thể hết thuốc mê thì tỉnh ngay, có những con… mãi mới tỉnh.

Ngay như cả con người cũng vậy, trước khi gây mê còn được chụp chiếu, đo huyết áp, khám kỹ cẩn thận, có khi còn gây chết người, trước khi gây mê người nhà vẫn phải ký cam kết. Câu chuyện gây mê không ai dám nói dài được cả".

Nói về những rủi ro khi bắn thuốc mê trong vụ "giải cứu" hổ ở Nghệ An, ông Hồng cho rằng: "Những cá thể hổ nuôi trong điều kiện không tốt, hoặc béo quá, bản thân hổ đó đã bị các bệnh huyết áp, tim mạch rồi, thành mạch yếu, nguy cơ bắn thuốc mê mà tử vong là… rất cao".

Theo ông Hồng, kể cả chuyên gia có kinh nghiệm bắn thuốc mê thực hành, cũng có rủi ro, việc đó rất khó tránh, dù bắn thuốc mê phụ thuộc vào cân nặng đối tượng và hướng dẫn của nhà sản xuất.

Vì sao 8 cá thể hổ nặng hai ba tạ đã chết sau khi được “giải cứu”? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, rất có thể những cá thể hổ bị nuôi nhốt đã mang nhiều bệnh về tim mạch, huyết áp khi tiêm thuốc mê nguy cơ chết rất cao. Ảnh; CTV

Còn ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam nói: "Dù nuối tiếc cho cái chết của 8 cá thể hổ ở vụ việc vừa rồi, nhưng cũng cần ghi nhận: vụ giải cứu này là lớn chưa từng có. Các cá thể hổ quá to, điều kiện để gây mê vô cùng khó khăn do tính bí mật và nguy hiểm của việc "đánh án". Cho nên, điều đáng tiếc đã xảy ra".

"Nhưng về mặt bảo tồn có rất nhiều việc để phân tích một cách khách quan. Việc gây mê đã giao cho đơn vị chuyên trách, có năng lực với việc này rồi" - ông Thái nói thêm.

Để có thể làm tốt hơn nữa công tác gây mê, vận chuyển hổ trong thời gian tới, theo ông Thái, có thể nâng cao năng lực của cơ quan thực thi nhiệm vụ gây mê (và xử lý các vấn đề liên quan) trong cứu hộ động vật hoang dã hơn nữa, để phục vụ cơ quan điều tra làm tốt nhất nhiệm vụ.

Vì sao 8 cá thể hổ trưởng thành chết ngay trong ngày được “giải cứu”? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam. Ảnh: Cảnh Thắng

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Tuấn Bendixsen (Tổ chức Động vật Châu Á, Animals Asia), đơn vị đã cứu hộ hàng trăm cá thể gấu lớn bị nuôi nhốt ở Việt Nam đem đi chăm sóc phục vụ tái thả nói: "Gây mê cứu hộ động vật cũng khó khăn không khác gì gây mê cho người ở bệnh viện. Phải kiểm tra kỹ, theo dõi kỹ".

Ông Tuấn Bendixsen lấy ví dụ: "Với việc gây mê cứu hộ gấu, chúng tôi phải dặn trước không cho gấu ăn một đêm trước khi gây mê. Phải có thời gian giảm stress (căng thẳng lo âu) cho con vật mới gây mê. Phải ước tính trọng lượng, và không phải động vật nào cũng dùng một loại thuốc gây mê giống nhau.

Như gấu, chúng tôi dùng 2 -3 loại kết hợp với nhau. Có thuốc gây mê chuyên sản xuất cho hổ, gấu, tôi cũng cung cấp danh mục thuốc gây mê cho trung tâm bảo tồn voi".

Vì sao 8 cá thể hổ trưởng thành chết ngay trong ngày được “giải cứu”? - Ảnh 4.

Thượng tá Trần Phúc Thịnh- Trưởng phòng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An trả lời phỏng vấn trực tiếp PV Dân Việt tại trụ sở Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt tại trụ sở Công an tỉnh Nghệ An sáng nay, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Môi trường, cho biết: “Sau khi đột kích vào nhà 2 hộ dân xã Đô Thành thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép, chúng tôi đã tổ chức vận chuyển các cá thể hổ này về khu vực cứu hộ ở huyện Diễn Châu để chăm sóc.

Nhưng không hiểu lý do gì mà 8 cá thể hổ này tự dưng chết đi. Các đơn vị phối hợp tiêm thuốc gây mê gồm hai lực lượng đến từ hai đơn vị có chức năng chăm sóc, cứu hộ động vật.

Việc 8 cá thể hổ chết có thể do nhiều nguyên nhân, thuốc gây mê hay trên đường vận chuyển thì chưa rõ, chúng tôi đang tiến hành điều tra.

Hiện tại 8 cá thể hổ chết chúng tôi đã lập biên bản, niêm phong và bảo quản trong tủ đông lạnh vì đây là tang chứng, vật chứng của vụ án. Còn nguyên nhân chết chắc phải mời chuyên gia tìm hiểu mới có thể biết được”.

Vì sao 8 cá thể hổ nặng hai ba tạ đã chết sau khi được “giải cứu”? - Ảnh 3.

Những cá thể hổ sau khi bắn thuốc mê được cơ quan chức năng vận chuyển đến nơi tạm giữ. Ảnh; CTV

Như Dân Việt đã đưa tin, 8 trong số 17 cá thể hổ trưởng thành được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An "giải cứu" sáng 4/8 đã chết.

Nguồn tin riêng của Dân Việt cho biết: "Hổ chết có thể có nhiều nguyên nhân, rất tiếc chúng tôi đã cố hết sức nhưng đó là sự việc việc ngoài mong muốn của mọi người".

Trước đó, sau một thời gian điều tra xác minh, sáng 4/8, các lực lượng đã đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất và phát hiện các cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành và thu giữ 17 cá thể hổ, mỗi con nặng 250 đến 300kg.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem