Sớm triển khai thêm đường cất hạ cánh gần 3.500 tỷ đồng ở sân bay Long Thành

Gia Linh Thứ bảy, ngày 05/10/2024 13:30 PM (GMT+7)
Theo ACV (chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành), việc triển khai đường cất hạ cánh thứ 2 song song với đường cất hạ cánh thứ nhất là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận hành, khai thác sân bay.
Bình luận 0

Trình Quốc hội triển khai đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành

Liên quan đến "siêu" dự án sân bay Long Thành, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất Quốc hội cho triển khai đường cất hạ cánh thứ 2 tại sân bay này.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT sớm hoàn thiện tờ trình, đề xuất triển khai đường băng thứ 2 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bao gồm nghị Quốc hội đồng ý chủ trương giao Chính phủ thực hiện.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành) đã gửi báo cáo đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc xin bổ sung đường cất hạ cánh thứ hai vào dự án thành phần 3, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Vì sao cần sớm triển khai đường cất hạ cánh gần 3.500 tỷ đồng tại sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Đại công trường dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Gia Linh

Được biết, tháng 8/2024, Bộ GTVT cho hay nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ không còn để bố trí thực hiện san nền khu vực nhà ga hành khách T3 theo đề xuất của ACV. Ngoài ra, đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh số 2 của ACV ngay trong giai đoạn này không phù hợp về thời điểm.

Theo Bộ GTVT, dự án sân bay Long Thành được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư gồm các nội dung chính, như mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, thời gian và lộ trình thực hiện.

Dự án được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn, trong đó quy mô đầu tư giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác". Giai đoạn 2 là tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở.

Bộ GTVT cho rằng việc đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh số 2 của ACV ngay trong giai đoạn này là không phù hợp về thời điểm, vị trí đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư được Quốc hội quyết định tại chủ trương đầu tư của dự án.

Sớm triển khai đường cất hạ cánh số 2 tại sân bay Long Thành có nhiều lợi ích

Trong khi đó, phía ACV cho rằng, việc đầu tư đường cất hạ cánh số 2 sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường khu bay, đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1.

Theo đó, đường cất hạ cánh số 2 sẽ góp phần nâng cao năng lực đảm bảo an toàn bay, tính ổn định vận hành xuyên suốt. Bên cạnh đó, các đơn vị có thể tận dụng nguồn nhân lực trang thiết bị có sẵn tại công trường, tiết kiệm thời gian và tránh gây bụi, tiếng ồn có thể sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí làm gián đoạn việc khai thác nếu sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã đi vào khai thác. Ngoài ra, hiện tại các sân bay quốc tế đóng vai trò cửa ngõ có công suất thiết kế tương đương sân bay Long Thành đều có 2 đường cất hạ cánh song song kết nối với nhau.

Vì sao cần sớm triển khai đường cất hạ cánh gần 3.500 tỷ đồng tại sân bay Long Thành - Ảnh 2.

Sắp trình Quốc hội triển khai đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành. Ảnh: Gia Linh

Ngoài ra, ACV phân tích, do đặc thù tính chất đất đỏ, bụi sét mịn của khu vực Long Thành nên quá trình thi công xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 sau khi sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 đưa hoạt động sẽ gây hiện tượng phát tán bụi mịn. Từ đó, ảnh hưởng công tác vận hành của sân bay, gây ô nhiễm môi trường và có thể gây nguy hiểm đến hoạt động của máy bay.

Bụi đất có thể làm giảm tầm nhìn và làm giảm độ ma sát giữa bánh xe tàu bay và bề mặt đường băng. Từ đó, tăng nguy cơ tai nạn khi hạ cánh và cất cánh. Đồng thời, có thể gây hỏng hóc và ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ máy bay.

Ngoài ra, khi sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 mới đưa vào thi công sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về bụi, tiếng ồn trong quá trình thi công, gây ảnh hưởng đến an toàn bay, hoạt động vận hành khai thác tại khu vực Nhà ga hành khách T1.

Vì sao cần sớm triển khai đường cất hạ cánh gần 3.500 tỷ đồng tại sân bay Long Thành - Ảnh 3.

Công nhân thi công đường cất hạ cánh số 1 tại dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Gia Linh

Qua đó, ACV đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành như sau: điều chỉnh thời gian và lộ trình thực hiện dự án theo hướng đưa đường băng thứ hai song song và kết nối đường băng thứ nhất thành một hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Bổ sung nội dung này vào nghị quyết 95/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ là cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.

Chủ đầu tư đề xuất bổ sung hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 (dài 4.000m) song song kết nối với đường cất hạ cánh thứ nhất và hệ thống đường lăn hoàn chỉnh theo quy hoạch có tổng mức đầu tư là 3.455 tỷ đồng. Hạng mục này sẽ hoàn thành đồng bộ cùng dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giai đoạn 1 (dự kiến tháng 9/2026).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem