Vì sao ngành chức năng tỉnh Lào Cai quyết định không dán tem cây đào, cành đào dịp Tết?

Thứ ba, ngày 19/01/2021 11:00 AM (GMT+7)
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định, tỉnh Lào Cai sẽ không tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào, cành đào.
Bình luận 0

Bởi hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có cây đào trồng ở vườn nhà, không có cây đào phân bố ở trong rừng tự nhiên. Bởi cây đào là cây tán rộng, khó cạnh tranh được với các cây rừng vốn dĩ có thể vươn cao tới vài chục mét.

Vì sao ngành chức năng tỉnh Lào Cai quyết định không dán tem cây đào, cành đào dịp Tết? - Ảnh 1.

Cây đào do người dân thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) trồng chuẩn bán dịp Tết.

Chính vì tỉnh Lào Cai không có đào rừng nên không cần truy xuất nguồn gốc. Dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ liên quan đến các thủ tục, hồ sơ phức tạp, trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân trồng đào trong việc tiêu thụ sản phẩm cây đào, cành đào.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Lào Cai, dịp tết Nguyên đán hàng năm, người dân các tỉnh dưới xuôi thường mua cành đào tại các tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Lào Cai để về trưng bày dịp Tết, khái niệm “đào rừng” xuất phát từ đó. 

Gọi như vậy cũng là để nâng cao giá trị cành đào, vì người tiêu dùng tại các tỉnh miền xuôi yêu thích các sản phẩm từ miền núi.

Một phần cũng do đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng (sương mù, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp…) nên cây đào trồng ở các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai như: Bắc Hà, Bát Xát và thị xã Sa Pa có lớp địa y phát triển, tạo vẻ rêu mốc, cổ kính, nên nhiều người tưởng nhầm là cây đào rừng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân trồng đào vẫn tiêu thụ được sản phẩm, nhằm đảm bảo sinh kế cho nhân dân khi tết Nguyên đán Tân sửu đang cận kề.

Kim Thoa (Báo Lào Cai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem