VTV đã xoay sở như thế nào để loạt chương trình đình đám không bị “thủng sóng”?

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 31/08/2021 10:08 AM (GMT+7)
Trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội lâu ngày vì dịch Covid-19 phức tạp, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã buộc phải "tương kế, tựu kế" để sản xuất chương trình mà không có khán giả.
Bình luận 0

Chương trình thiếu khán giả, trường quay vắng ngắt, không còn tiếng "ồ à"

Với quy định không được tụ tập đông người và giữ khoảng cách an toàn trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều chương trình của VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) buộc lòng phải thực hiện ghi hình không khán giả. Điều này tạo ra muôn vàn khó khăn cho ê-kíp sản xuất vì thiếu sự tương tác đa chiều. Và trong cái "khó" đã ló cái "khôn", ê-kíp sản xuất của nhiều chương trình đình đám như: "Ai là triệu phú", "Đường lên đỉnh Olympia", "Quán thanh xuân", "Giai điệu kết nối", "Cuộc hẹn cuối tuần"… đã nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo mới.

VTV đã xoay sở như thế nào để hàng loạt chương trình đình đám không bị “thủng sóng”? - Ảnh 1.

Chương trình "Ai là triệu phú" nhiều số liền không khán giả, trường quay thiếu vắng tiếng cười. Ảnh: ĐTD.

Chia sẻ với Dân Việt, đại diện của VTV cho biết, những ngày qua, VTV đã chủ động triển khai sản xuất trong mùa dịch. Các chương trình trực tiếp sẽ chuyển sang hình thức online, kết nối trực tuyến với các khách mời, nghệ sĩ, phát sóng.

"Việc chuyển ghi hình từ có khán giả sang hình thức không có khán giả đã khiến đội ngũ làm nội dung giỏi nghề nảy sinh ra nhiều sáng kiến tăng sự tương tác bằng hình thức online. Đạo diễn, quay phim cùng tìm ra những cách thể hiện không có khán giả vẫn hấp dẫn như có khán giả.

Ngoài ra, các chương trình liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, một số nơi bị ảnh hưởng nặng nề không thể triển khai ghi hình. Đội ngũ VTV đã chủ động xây dựng các chương trình ở nhiều thể loại: "Chia sẻ để gần nhau hơn" (âm nhạc); "Cuộc hẹn cuối tuần" , "Ngày xưa chill phết", "Vua tiếng Việt" (giải trí) và loạt chương trình cung cấp thông tin khoa học cho khán giả", đại diện VTV cho biết.

Phía Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3) cũng tiết lộ với Dân Việt rằng, trong suốt một năm qua, các chương trình ghi hình của VTV3 đã gặp nhiều khó khăn. Có lần trường quay đang có khán giả, ở Hà Nội thông báo xuất hiện những ca dương tính mới, lập tức phải mời khán giả về, chỉ giữ lại thí sinh các chương trình. Các cấp độ hạn chế cứ tăng dần.

"Chẳng hạn, chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" vài tháng trước còn ngồi giãn cách, đeo khẩu trang. Nhưng khi dịch tăng hơn thì phải bỏ hẳn khán giả. Trong khi duyệt file, xem những chương trình khán giả đeo khẩu trang, ngồi ghế giãn cách, nhiệt tình cổ vũ, tôi thấy rất cảm động vì biết là đến lúc, khán giả cũng không được ngồi dưới để cổ vũ nữa.

Những đợt ghi hình gần đây, chỉ còn thí sinh. Không khí sôi động thường có của chương trình không còn, ảnh hưởng tương đối đến chất lượng chương trình. Thậm chí, một số thí sinh từ tỉnh khác còn không thể tới để ghi hình được.

Hiện nay, do Hà Nội đang giãn cách, có một chương trình quý IV vẫn chưa ghi hình được do các thí sinh tại các tỉnh chưa thể đến Hà Nội để tham gia. Những số đó đang dự kiến ghi hình vào giữa tháng 9 để tìm ra đại diện cuối cùng của quý IV. Chỉ có tìm ra đủ 4 thí sinh, cuộc ghi hình chung kết mới có thể thực hiện. Các điểm cầu "Đường lên đỉnh Olympia" cũng khó có thể thực hiện như mọi năm.

Tương tự, chương trình "Ai là triệu phú" khi ghi hình gần đây, đã không còn sự xuất hiện của khán giả. Một chương trình chỉ còn người dẫn chương trình, người chơi, người trợ giúp và hai nhà thông thái. Trường quay vắng ngắt, không còn tiếng "ồ à" của khán giả.

MC Đinh Tiến Dũng trong một chương trình phát sóng tháng 8 đã bày tỏ sự thương nhớ không khí đông vui của khán giả trong trường quay. Anh còn nhớ cả việc đôi khi cả ê-kíp phải ghi hình lại do khán giả xôn xao không đúng lúc, nay cũng không còn. Bù lại, các chương trình trò chơi truyền hình có nhạc, có đồ họa, nên dù có ảnh hưởng ít nhiều đến không khí chương trình, nhưng số lượng người xem tại nhà đối với chương trình không bị giảm đi.

"Vui khỏe có ích" thì dù chỉ có 5 người: người dẫn chương trình, hai đội chơi mỗi đội 2 người thì khi ghi hình vẫn phải đeo khẩu trang để đảm bảo. Các chương trình ghi hình gần đây, còn yêu cầu ưu tiên chọn những người đã được tiêm vaccine", đại diện VTV bày tỏ.

Nỗ lực vượt khó để đảm bảo không bị "thủng sóng"

Theo đại diện của Ban Sản xuất các chương trình giải trí, VTV3 đang chủ động điều chỉnh các khâu để đảm bảo không "thủng sóng" và ghi hình an toàn. Rất nhiều lần lịch ghi hình bị thay đổi. Người tham gia các cuộc cũng phải thay đổi.

VTV đã xoay sở như thế nào để hàng loạt chương trình đình đám không bị “thủng sóng”? - Ảnh 2.

Các thành viên trong ê-kíp sản xuất đều nghiêm túc thực hiện 5K khi ghi. Ảnh: VTV.

"Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ xem tình hình giãn cách ở Hà Nội đến đâu, để tiếp tục lên kế hoạch ghi hình các chương trình tiếp theo. Hầu hết nhân sự sản xuất đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và khi đi làm thì cố gắng đảm bảo các yêu cầu 5K cũng như sắp xếp để số người tham gia ghi hình với ê-kíp gọn gàng nhất.

Các ê-kíp cũng chia ra để không bị trùng nhân sự, đảm bảo đi làm luân phiên. Đúng như nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng ban thống nhất với anh chị em trong ban rằng: "Thời điểm này là thời điểm khó khăn, cả nước căng mình chống dịch. Lực lượng VTV3 nỗ lực vượt khó để làm việc còn khẩn trương và căng hơn ngày thường để đóng góp những chương trình giải trí lành mạnh nâng cao tinh thần cho khán giả", đại diện VTV cho biết thêm.

Ở mảng phim truyền hình, để có những tập phim lên sóng phục vụ khán giả theo kế hoạch, các đoàn làm phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, VTV triển khai giải pháp tác nghiệp thích ứng với dịch bệnh như: lựa chọn bối cảnh xa trung tâm, có không gian rộng, thu nhỏ quy mô sản xuất và đảm bảo an toàn phòng dịch.

Ý thức về trách nhiệm của người làm báo cùng nhiệt huyết nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp cao, sự phối hợp nhịp nhàng của các ê-kíp giàu kinh nghiệm, những người làm truyền hình VTV luôn nỗ lực, sáng tạo, chủ động lựa chọn những giải pháp tác nghiệp trong tình hình dịch bệnh, đáp ứng với nhu cầu cũng như tình cảm của khán giả dành cho VTV.

Ngoài ra, theo đại diện của VTV, để chuyển tải những câu chuyện về tinh thần nỗ lực chống dịch, sự chia sẻ ấm áp, những hy sinh về cộng đồng, những câu chuyện cảm động về giành giật sự sống, tác nghiệp nơi tuyến đầu chồng dịch... các tổ công tác đặc biệt đối đầu với nhiều thách thức. Làm thế nào để vừa đảm bảo an toàn, vừa thực hiện được chương trình đưa được nhiều thông tin hữu ích, bên cạnh đó là những quyết định khó khăn khi các phóng viên, biên tập viên, quay phim... phải chấp nhận xa gia đình một thời gian.

Không chỉ những thành viên trong tổ công tác đặc biệt, các ê-kíp tổ tin tức Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ cũng lựa chọn phương án an toàn cho đồng nghiệp và người thân. Hàng ngày, hàng giờ, các phóng viên thời sự đảm bảo khối tin tức lớn cho VTV1 và VTV9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem