Điều mà ông Nguyễn Lâm Viên trăn trở trong suốt 30 năm tìm lối đi riêng chính là vì sao người Việt lãng quên "kho báu" kinh nghiệm mà tổ tiên để lại – làm nông nghiệp hữu cơ để nuôi dưỡng thân thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, dẻo dai? Cuộc chạy đua bón phân hóa học trên đồng ruộng, cơn khát nhập khẩu thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và đủ loại thuốc cho trái cây chín ép, tăng trưởng sớm… sẽ dẫn nền nông nghiệp đi về đâu?

Vậy là ông tự bật công tắc trong đầu mình, chấp nhận sự "tẩy não"của người thầy để bắt tay gây dựng các nông trại hữu cơ, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm sạch, thu hút các nhà khởi nghiệp trẻ đến góp sức và từng bước thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi cách làm của những kỹ sư, nông dân canh tác "nghiện" công nghệ cao hiểu theo nghĩa phiến diện.

Một buổi sáng cuối tuần của "vua" mít Nguyễn Lâm Viên quá bận rộn, khi nhiều người tìm đến ông để nhờ tư vấn cho việc kinh doanh khởi nghiệp. Ông kiên trì và say sưa giải thích cho từng người, quên cả thời gian, quên ăn trưa. Vóc dáng cao lớn, gương mặt sạm nắng nhưng khỏe mạnh, ở tuổi ngoài 60 như ông mà vẫn say sưa làm nông trại thật đáng nể.

Phòng làm việc của ông trong ngoài đều bằng gỗ, nằm chót vót trên sân thượng, để nắng và gió ùa vào, như mô phỏng góc xưa của ông ở Đà Lạt – nơi ông luôn muốn trở về, cũng là nơi cho ra những ý tưởng đi trước thời đại. Không những ông quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ trong các trang trại của mình, mà còn nuôi vi khuẩn để cải tạo đất.

Tại khu đất vàng tại quận 1 (TP.HCM), ông mở ra showroom chuyên bán đồ nông sản sạch của Vinamit và một số đối tác. Khu bên cạnh là gian hàng chuyên bán nông sản, thực phẩm hữu cơ, thịt heo rừng, nước mắm sạch…, đặc biệt hút khách vào chợ phiên cuối tuần.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 1.

Người ta vẫn nghĩ, nông nghiệp hữu cơ đến từ Nhật Bản, song dường như ông chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn hóa và cách làm nông của Đài Loan?

- Có thể gọi Đài Loan là "túi khôn" vì xuất phát điểm người dân rất giỏi về nông nghiệp, mặc dù ít đất trồng trọt nhưng họ lại là bậc thầy sau người Nhật. Hồi xưa, người Nhật vốn rất giỏi nhưng không muốn mang văn minh lúa nước và công nghệ của họ sang nước khác, riêng xứ Đài Loan thì chấp nhận. Đầu tiên, Đài Loan mang qua Thái Lan. Hồi đó, tôi tới Thái Lan nghiên cứu, thế nhưng sau khi phát hiện ra xuất xứ của tất cả cách làm nông nghiệp tiên tiến, tôi chọn Đài Loan để học.

Việt Nam là một xứ nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào, nhất là đồ tự nhiên. Mình có đầy đủ hết mà không biết xài. Nếu mang "túi khôn" của Đài Loan về Việt Nam thì rất chắc ăn. Nhưng hầu như nhiều năm nay, nền nông nghiệp của ta lại không học hỏi ở Đài Loan được bao nhiêu. Người nông dân chỉ mang một số giống lạ về trồng, phát triển giống nhỏ lẻ mà thôi. Hoặc là Đài Loan qua bên này phát triển, song mang sản phẩm về. Còn đi bài bản theo cách của Đài Loan thì ta chưa làm được. Đó là điều đáng tiếc.

Song tôi nghĩ, đến bây giờ vẫn còn cơ hội, vấn đề nằm ở chỗ phải biết cách làm thế nào. Tôi lại sang Đài Loan học làm nông nghiệp hữu cơ bởi thấy rằng đã đến lúc phải trở về với chính đạo và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Vì sao lại là mít, mà không phải trái cây nào khác, thưa ông?

- Khi tôi học công nghệ chế biến, chỉ biết chế biến không hóa chất. Xuất phát từ dân lâm nghiệp, có ít nhiều kinh nghiệm nên tôi không chọn thứ ngắn ngày vì sẽ có lúc phải ngưng sản xuất do phụ thuộc vào mùa vụ. Tôi chọn mít, khoai và chuối, là những cây trái quanh năm. Phía Đài Loan khích lệ tôi làm đề tài nghiên cứu trái mít. Tôi mang thiết bị họ cho mượn về làm thử, khi mang thành phẩm qua, ai cũng ngạc nhiên. Lúc đó, Đài Loan chưa biết trái mít là gì. Từ 1990, họ mới lấy hạt mít từ Việt Nam sang trồng.

Bắt tay nghiên cứu từ năm 1987, sau 1 năm, tôi làm ra sản phẩm và đưa đi bán chính thức ở hội chợ quốc tế vào năm 1989. Từ đó trở đi, công ty khấm khá, đi lên. Nhà máy làm ra bao nhiêu, họ mua bấy nhiêu. Thế nên công ty Vinamit mới tiến lẹ như vậy, khi mình được bao tiêu thì chỉ có cách ráng làm cho thật nhiều, không còn nghĩ làm cái gì khác.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 2.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 3.

Có thể nói, ông là người "tấn công" thị trường mít sấy tại Đài Loan, rồi đi ra cả thế giới, sau đó mới mang về Việt Nam, sao có cuộc đi vòng như vậy?

- Không phải lúc đó tôi không muốn bán ở Việt Nam. Nhưng ở xứ mình, chẳng ai buồn đi mua mít, chỉ phải trả tiền cho người đi hái, thì làm sao nói chuyện bán cho người Việt mình ăn? Ngoài chợ, mít đã lột ra được bán với giá 500 đồng/kg, trong khi tôi bán mít sấy được 6USD/kg, ước chừng khoảng 30-40 ngàn/kg thì ai mua?

Mãi năm 1997, tôi mới bán được mít sấy ở Việt Nam. Giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam là khoảng thời gian từ 2004-2005. Vào năm 2006, tôi đi dự các phiên hội chợ để quảng cáo cho dân mình, ai cũng ngạc nhiên hết sức, vì chưa bao giờ ăn đồ sấy khô. Xã hội của mình tiến chậm, nên sau này khi tư vấn cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi đều khuyên họ đem sản phẩm ra nước ngoài, ví dụ như mật hoa dừa, đường thốt nốt…, chứ ở Việt Nam không biết giá trị đâu. Phải mang ra nước ngoài rồi mới quành lại Việt Nam.

Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, ông đã phải trải qua thời kỳ lao đao ra sao?

- Đầu tiên, tôi không khởi nghiệp từ sản phẩm mít, mà từ đồ nội thất mây tre. Không có tiền mua đất để làm xưởng, phải đi thuê sân của nhà xác (Bệnh viện Đa khoa Nhà Bè) vào năm 1985-1986. Sau đó, tôi hợp tác với Công ty cung ứng XK Nhà Bè, xây nhà máy Mây tre lá Nhà Bè. Năm 1992, tôi mới chia tay và bắt đầu xây dựng Vinamit.

Lúc mới thành lập, tôi đầu tư vào nhà máy Mây tre lá Nhà Bè cả 100 cây vàng, nhưng khi tách ra thì đâu lấy lại đồng nào! Sau khi liên doanh tan rã, nhà xưởng phải bỏ lại. Chúng tôi phải chấp nhận để ra đi vui vẻ, an toàn. Tôi học được bài học phải là sở hữu của mình mới được. Nếu hợp tác mà không rõ ràng thì sẽ rủi ro. Sự độc lập đó cần thiết cho ngành nông nghiệp cần đầu tư, sáng tạo; cần phải đi vào chiều sâu và lâu bền. Nếu hợp tác mà người ta chỉ nhìn vào lợi nhuận thì không còn lâu bền nữa.

Tôi thành lập công ty vào năm 1992, là một trong những người đi đầu mở công ty tư nhân thời đó. Công ty chưa có tên Vinamit mà là Đức Thành. Một thời gian sau, năm 2004, tôi tái cấu trúc lại công ty, thấy hình như ai cũng biết đến Vinamit nhiều hơn nên định vị lại thương hiệu là Vinamit.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 4.

Sau 30 năm gây dựng Vinamit, ông đã chứng minh con đường hữu cơ là đúng và trở thành "vua" của đế chế mít, liệu ông có phải trả giá điều gì không?

- Mất chắc chắn nhiều, nhưng dĩ nhiên được cũng rất nhiều. Tôi thích chia sẻ về thất bại của mình, vì đó là một cách cảnh tỉnh, cuộc đời của doanh nhân không chỉ đi lên đâu! Thất bại hôm nay chỉ là thách thức để cho mình thành công.

Đi vào con đường hữu cơ là con đường khó. Nhiều người hay nói: Ghét ai thì… xúi làm nông nghiệp hữu cơ. Người ta chắc chắn biết việc làm hữu cơ dễ thất bại, không có nhiều sự hỗ trợ, vì là ngành hoàn toàn mới, canh tác cây trồng thì không tránh khỏi sâu bệnh, không xài thuốc thì chết chắc. Nên nhiều người đi một thời gian làm hữu cơ cũng phải quay trở lại làm nông nghiệp vô cơ. Nông pháp hóa học đã có nền tảng vững chắc lâu rồi.

Nên khi đi vào con đường hữu cơ, các nhà canh tác hữu cơ phải có kiến thức rất nhiều để tìm cách ứng phó với sâu bệnh và cách thức thay thế phương pháp hóa học. Thứ khác thay thế là một nông pháp mới đã được hình thành - nông pháp sinh học - tức dùng nền tảng sinh học để giải quyết vấn đề.

Mọi vấn đề phải được để lên bàn; thay vì phun thuốc, tôi phun sinh học; chữa bệnh cũng bằng sinh học, giải pháp tăng trưởng cũng từ sinh học. Từ trên quan điểm lý luận đó mới có nền tảng vững chắc mà đi đường dài.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 5.

Ông từng nói, làm nông nghiệp hữu cơ thì chắc chắn phải chịu thiệt thòi… Xin ông lý giải rõ hơn điều này?

- Để làm hữu cơ phải biết chấp nhận mất mát, thiệt thòi. Như tôi từng chia sẻ trên Facebook: Một người gieo giống bằng hóa học thì hạt giống của họ 100% đều nảy mầm. Một người gieo giống bằng sinh học thì phải chấp nhận 40% bị côn trùng ăn mất, mất thêm công để gieo lại.

Khi trồng lên cũng vậy, cây trồng vốn đa dạng sinh học, nếu không biết cách sẽ bị các loại sâu bệnh ùa về tấn công. Chúng ta phải biết giải pháp trồng luân canh, thay đổi ký chủ hoặc dùng tác động sinh học để những loại vi khuẩn có hại trở thành thức ăn cho những vi khuẩn có lợi, giảm bớt rủi ro. Nhưng nhìn chung lúc nào cũng có rủi ro nên người trồng sinh học phải chịu thiệt hơn người trồng hóa học. Được cái đổi lại, mình mang lại giá trị sức khỏe, mang lại sự sống cho người tiêu dùng vì những sản phẩm đó là thức ăn tốt cho sức khỏe của họ. Đó mới là ý nghĩa của sinh học.

Đó cũng là lý do sản phẩm hữu cơ đắt hơn sản phẩm thông thường và người tiêu dùng phải chia sẻ cùng người canh tác mới có thể hiểu được giá trị của sự sống và giá trị của chất hóa học trong một sản phẩm khác nhau thế nào, mới thấy sự đổi thay trong mỗi con người.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 6.

Chính từ đó ông nảy ra ý tưởng "nông nghiệp vì sự sống"?

- Nếu chúng ta chịu đổi thay thì con người sẽ hoàn toàn khác. Sự đổi khác đó chính là những con vi sinh vật trong con người của mình trước đây bị lãng quên thì nay đang phục hồi. Nhóm vi sinh vật tốt đó sẽ biến đổi con người chúng ta tốt hơn. Còn nếu ta ăn những đồ ăn không tốt cho sức khỏe, thì nhóm vi sinh vật đường ruột của chính ta trở nên thích ăn những chất hóa học đó khiến bệnh tật kéo đến. Chúng ta phải biết ý thức ăn những thực phẩm nào để nuôi và phục hồi nhóm probiotic tốt. Khi ý thức được rồi, sẽ hiểu lý do chúng ta sản xuất thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe là cần thiết.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 7.

Nếu chúng ta là những người thông minh, giỏi giang mà không biết nuôi dưỡng sức khỏe của chính mình thì đâu giỏi giang gì? Nếu anh giỏi thì phải làm sao cho anh thật khỏe. Lo bôn ba kinh doanh, đùng một cái mắc bệnh hiểm nghèo thì thật đáng tiếc. Bởi vì chúng ta đã không biết đầu tư cho chính bản thân mình.

Phải ý thức đầu tư cho cuộc sống bản thân, phải biết lắng nghe mình trước rồi hãy làm cho người khác. Nếu không  lắng nghe chính mình để làm cho mình tốt hơn thì dù có kinh doanh tốt bao nhiêu, về già cũng phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền để chữa bệnh. Sức khỏe bao nhiêu tiền cũng không mua được là vì lẽ đó!

Vì sao đang làm mít sấy, ông chuyển hướng hoàn toàn sang làm trang trại hữu cơ?

- Khi nói đến hệ sinh thái sức khỏe, phải nhớ, nhóm trái cây và rau củ chính là hai nhóm nuôi dưỡng sức khỏe. Vi sinh vật trong ruột cũng cần ăn rau củ, trái cây. Tế bào ở trong máu cũng chỉ cần có gluco, kali và natri mà thôi. Nói cách khác, 2 nhóm này cộng sinh để sống chung với mình. Nếu Vinamit không đầu tư vào các loại cây ăn trái tốt cho sức khỏe thì coi như lạc đường.

Hiện nay, thế giới đang bùng nổ xu hướng làm đậu hòa lan, đậu nành, mít thay thế thịt cho người tiêu dùng sử dụng, để cuối cùng đưa toàn bộ con người mình về với thực vật. Lợi khuẩn đường ruột rất cần các enzyme trong trái cây và chất xơ trong rau củ. Vậy thì chúng ta đang trở về với sự thật của con người chúng ta, nếu chúng ta lắng nghe, hiểu cơ thể ta muốn gì thì sẽ đáp ứng để có được nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn nhiều.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 8.

Xin ông nói rõ hơn về mô hình nông nghiệp sản xuất 0 đồng?

- Từ chuyện trồng trái cây và rau củ quả sẽ hình thành một triết lý làm nông nghiệp vì sự sống. Để có một nền nông nghiệp vì sự sống, anh phải khép kín trang trại của mình, kiểm soát sự sống này từ đầu vào đến đầu ra. Khi kiểm soát sự sống đó, mình phải hiểu cây cần những loại phân gì từ động vật và thực vật. Mong  muốn của tôi là phải kiểm soát cả thực vật. Có nghĩa là đầu tiên mình phải nuôi động vật, cho ăn thực vật trong trang trại. Động vật ăn vào, chất thải của nó mới được kiểm soát để làm phân và cây trồng. Tôi dùng vi sinh vật phân hủy phân động vật (heo, gà, bò…) bón cho cây.

Khi đã thiết lập vòng tròn hoàn chỉnh đó, tất cả sẽ trở thành hoạt động 0 đồng. Giống do mình trồng, phân do mình lấy từ vật nuôi, còn lại con người canh tác và ăn uống trên cánh đồng của mình. Của cải của mình, mình lấy ra bao nhiêu, phải nhớ trả lại. Nghĩa là khi hàng tự nhiên của mình dư ra mới được đem sản phẩm đi bán, còn chưa đủ thì không được làm vội.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 9.

Chỉ được dùng những gì dư thừa ra trong tự nhiên là sao?

- Vinamit có đàn heo mấy ngàn con nhưng chưa bán. Bởi vì đang trong vòng tròn khép kín chăn nuôi - trồng trọt, mới đủ cung cấp cho các  tiệm ăn mà Vinamit hợp tác, chứ chưa thương mại hóa được. Chỉ được lấy ra khi dư thôi, chứ không được lấy hết sạch. Con heo được coi là tẩy ruột để thanh lọc các chất hóa học thì phải là lứa con thứ 2 chứ  không phải con đầu tiên mang về.

Ngay cả cây trồng cũng vậy. Trong mùa mít lấy ra, phải bù một lượng phân để cây phục hồi, chứ không thể ép tiếp ra lứa mới như giống xoài không mùa vụ hiện nay, là sai định luật của sinh học. Anh không thể nào ép cây làm nó mất sức, gây ra sự khủng hoảng mất cân bằng trong tự nhiên, hậu quả sẽ kinh khủng hơn. Hiện nay, con người đang đối mặt với sự mất cân bằng đó nên mới chịu nhiều thiên tai khủng khiếp như vậy.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 10.

Nếu chúng ta biết giữ sự cân bằng đó, sẽ tạo ra những nông trại không đầu vào, biết kiểm soát tốt thì sản lượng cho ra rất tốt cho sức khỏe. Nhưng anh không được quá tham. Ví dụ, chúng tôi bán được 2 tấn rau, nếu thị trường cần cung 3T cũng xin chào vì ép nữa sẽ mất cân bằng, không kiểm soát được thì dịch bệnh bùng phát.

Những nhà làm hữu cơ ý thức được điều đó thì mới làm nên nền nông nghiệp vì sự sống, nông nghiệp không có đầu vào. Và dĩ nhiên khi hình thành nông nghiệp không đầu vào, người quản lý vận hành rất tốt, vì tiền vốn chẳng qua dành để trả tiền công cho những gì người lao động làm ra mà thôi. Ở đây, người lao động được đối xử rất công bằng. Và tiền công được trả cho họ từ 20-30% của giá bán lẻ là rất cao. Còn hiện nay, chúng ta đang làm mất cân bằng nên đối xử với người lao động cũng không công bằng.

Ngoài chuyện đối xử công bằng với người lao động, ông nhấn mạnh chuyện phải ứng xử công bằng với muôn loài?

- Trong nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp vì sự sống, phải công bằng với muôn loài. Nếu không công bằng thì không bao giờ hình thành chuỗi giá trị có thể phát triển một cách bền vững được.

Muôn loài có sự cộng sinh, cân bằng với nhau.Nếu có một sự sống mà anh không cho nó tồn tại là đã làm mất cân bằng rồi, cho dầu đó là một con vi khuẩn, một sinh động vật; nếu đối xử không công bằng thì tức khắc anh gặp khủng hoảng, dịch bệnh. Khi dịch bệnh bùng lên, không thể đổ thừa cho ai được.Thí dụ, heo bị dịch bệnh là vì do sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, làm mất khả năng miễn dịch. Rõ ràng nguyên do là anh đối xử không công bằng với nó.

Khi những triết lý đã được thấm nhuần rồi, nông trại sẽ trở thành một vòng tuần hoàn mà ai cũng đều có trách nhiệm cho hoạt động của nó để thúc đẩy, nâng cao sự sống ngày càng phát triển. Lúc đó tự thân hạnh phúc sẽ đến, con người sẽ vui vẻ.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 11.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại rau sạch, rau hữu cơ nhưng người tiêu dùng vẫn bán tín bán nghi và có cả những ngộ nhận về rau sạch, rau công nghệ cao… Theo ông, làm sao lấy lòng tin của họ?

- Mọi người đang hiểu sai về công nghệ cao. Tôi không dùng chữ "công nghệ cao", mà nói đang sử dụng nông pháp gì. Một bên là nền tảng nông pháp hóa học, có nghĩa là từ thế kỷ thứ 2, người ta đã biến tất cả từ hóa chất thành một nền tảng để phát triển, trong đó có nông nghiệp thực phẩm. Và chính vì thế, tất cả mọi gốc gác phát triển, xử lý đều dựa trên nền tảng hóa học, kể cả chất phụ gia, chất bảo quản, những ứng phó điều trị…

Và một nông pháp thứ hai trái ngược lại – nông pháp sinh học. Lý do "đẻ" ra nông pháp thứ hai là vào năm 1997, các nhà khoa học nhận thấy việc kháng kháng sinh đang bùng phát rất nhanh. Và như thế sẽ có một ngày nào đó chúng ta không có thuốc kháng sinh để điều trị nữa. Các nhà khoa học nói rằng bây giờ cần có thứ gì khác thay thế. Nhà sinh học phát hiện chỉ có sinh học mới tạo ra sự khác biệt này. Mọi người bắt đầu lấy nền tảng của mọi thứ đặt trên nền tảng sinh học..

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 12.

Trong sinh học không có tiêu diệt, chỉ có cộng sinh. Tức con này sẽ làm thức ăn cho con khác, là sự luân chuyển với nhau, trong vạn vật là sự tuần hoàn. Và sinh vật cao nhất là con người. Trên nền tảng đó mới được xem là công nghệ cao.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 13.

Còn hiện nay, mọi người đang nói đến"công nghệ cao", chẳng qua là công cụ cho nền nông nghiệp mà thôi. Bởi đó chỉ là một công cụ đang diễn giải trong lĩnh vực nông pháp hóa học mà người ta đang đưa thêm những công cụ hiện đại vào đó để phục vụ. Thí dụ như trồng rau bằng thủy canh là do NASA trên cung trăng không có đất, phải đưa chất hóa học lên để có rau mà ăn, khí canh cũng như vậy. Đó không phải là công cụ công nghệ cao để giúp ích cho con người.

Công nghệ cao giúp cho con người trong thời đại khoa học càng tiến bộ là phải làm sao mang lại sức khỏe cho con người. Con người là một sinh mệnh sống, như vậy, cái gì được coi là công nghệ cao thì phải giàu sức sống, để con người ăn vô tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống, lúc đó mới được xem là khoa học cao cấp. Còn nếu chúng ta ăn vào mà hủy diệt sự sống và làm cho con người bệnh tật nhiều hơn là phản khoa học. Cho nên, tôi không đồng tình với những giải pháp sản phẩm không có sự sống, vì đó không phải là nông nghiệp vì sự sống.

Khi được gọi là "vua" mít, "ông hoàng" hữu cơ, ông có thích không?

- Tôi chỉ muốn phát triển nền nông nghiệp vì sự sống. Muốn mọi người ý thức về sự sống để cùng hành động. Thực phẩm vì sự sống, sản xuất ra sản phẩm phải có hàm lượng sự sống lớn. Không đồng tình với bất cứ người nào nói rằng tôi cho chất hóa học này vào, cách ly một vài tuần thì nó sẽ hết… Hành động anh bỏ thuốc vào cây đã là sự chết rồi, làm sao nói cây phục hồi sự sống được? Chúng ta phải làm sao cho mọi người ý thức được rằng phải công bằng với muôn loài để tôn trọng và phát triển sự sống. Triết lý vì sự sống của tôi là vậy.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 14.

Niềm vui lớn nhất của "vua" mít Nguyễn Lâm Viên khá bình dị. Trở về với thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp êm đềm và bình an, hít thở không khí trong lành và sống đời ẩn dật, sống tối giản, sống chậm hơn, vui với cây cỏ mỗi ngày. "Hãy thấu cảm chính mình, hãy thấu cảm thiên nhiên để phát hiện ra nhiều điều bí ẩn mà thiên nhiên luôn ban tặng cho chúng ta nhưng vì vô cảm nên ta chưa biết cách đón nhận những năng lượng huyền bí ấy", ông viết.

Và "Nếu chọn nơi tôi trở về, tôi sẽ trở về quê hương nơi tôi sinh ra", chính vì thế, bao năm qua ông chấp nhận sống một mình, xa gia đình, vợ con. Một người bạn đã tặng ông câu thơ: "Cả kiếp nhân sinh tìm chân lý/Mênh mang thần trí cõi bình an".

Còn ông thì luôn tự dặn mình và mọi người thật kiên nhẫn: "Kiểm soát sinh học và ứng dụng sinh học trong canh tác vẫn là chìa khoá tốt để chúng ta thay đổi, mặc dù trước mắt phải bị trả giá và mất mát không nhỏ".

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 15.

Cho dù Vinamit đi được 1 chặng đường dài nhưng người tiêu dùng vẫn ngơ ngác giữa chợ hữu cơ, điều đó làm ông nghĩ gì?

- Chắc chắn một điều rằng người tiêu dùng trong nước sẽ nhìn ra sự khác biệt. Họ sẽ biết được điều tốt, giá trị sản phẩm làm ra từ tâm huyết của người đàng hoàng. Khi người tiêu dùng đã quen ăn đồ tốt rồi, sẽ không chịu ăn đồ xấu nữa đâu. Và theo tôi, rất cần tạo niềm tin đối với người sản xuất. Tôi luôn tạo niềm tin cho các kỹ sư của tôi, đừng sợ lương thấp, người ta càng làm tốt hơn lên. Mình phải nhân những nhân tố tốt đẹp càng ngày càng nhiều hơn mới trấn áp xu hướng công nghiệp lâu đời này đang chiếm lĩnh toàn bộ xã hội. Đường công nghiệp, thực phẩm công nghiệp, thậm chí nước, sữa cũng công nghiệp.

Muốn dẹp sản phẩm công nghiệp thì phải ủng hộ doanh nghiệp nhỏ đang làm điều thật, điều tử tế. Dù chưa có số lượng lớn cũng phải từ từ cho họ phát triển. Lúc đó, tiền lời của họ sẽ mở rộng thêm. Càng ngày càng có nền nông nghiệp vì sự sống phát triển và tôi tin nền nông nghiệp này sẽ chiến thắng! Bởi vì ai cũng muốn sống hết! Chẳng ai dám ăn những món có chất bảo quản, phụ gia, thực phẩm công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật... Nếu họ ăn thì tụi tôi thua, còn nếu không ăn thì cơ hội của những người làm thật đã đến! Tôi luôn đả phá những người đi nước đôi.

Một số người khởi nghiệp khi đến với tôi, thường  được khuyên nên theo đường hữu cơ. Một số anh em lập luận, họ xài thuốc một thời gian sẽ hết tác dụng trên sản phẩm. Tôi không đồng tình với suy nghĩ đó, bởi nếu có xài thì phải ghi trên bao bì là "tôi có xài thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn cho phép". Như vậy mới công bằng với người làm hữu cơ.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 16.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 17.

Ông nói cả cuộc đời ông đã được nhận nhiều rồi, nay chỉ muốn trả lại cho xã hội?

- Lý do tôi còn ở Việt Nam là vì tôi muốn làm gì đó cho nông nghiệp, chứ cả nhà tôi đã định cư bên Mỹ. Tôi về Lâm Đồng mua mấy trăm ha đất làm trang trại. Cực chứ không sướng, nhưng là làm vì đam mê và muốn làm gì đó cho nông nghiệp để có một mô hình đúng trong tương lai. Trong trang trại đó, tôi xây trường, làm nông, đưa nhà máy về thành một nông trường khép kín như mô hình các nước trên thế giới đều làm.

Organic Town tại TP.HCM ra đời cũng vì lẽ đó. Nếu mô hình này thành công, tôi sẽ làm tiếp ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Dĩ nhiên có anh em hợp lực cùng nhau, vì kinh tế chia sẻ vẫn là điều cần thiết, là sức mạnh, phải có sự đổi thay của một ngành thực phẩm vì sự sống để áp chế thực phẩm vì công nghiệp.

Ngày trước, tôi giảng dạy rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp. Trông chờ ở người trẻ sẽ tốt hơn là chờ vào những người đã thành công và lớn tuổi. Nếu không làm từ giờ thì thế giới sẽ tràn vô, lúc đó mình không thể cạnh tranh nổi.

Tôi thường khuyên các em, làm tử tế mới có thể bán được giá trị sản phẩm cao, vậy làm tử tế đi! Người ta cạnh tranh nhau ngày hôm nay sát ván, bán giá rẻ và giết nhau chết hết. Vậy con đường đó có nên đi không? Tại sao mình không đi con đường chậm một chút, ít một chút nhưng tử tế một chút, và từ từ có tiếng tăm thì sẽ nhân rộng ra? Còn ai bán rẻ, tôi khuyên nên dẹp tiệm đi, không đấu nổi với những người nhiều tiền lắm của, rẻ dĩ nhiên không chất lượng, sẽ chết thôi vì họ có quá nhiều xảo thuật để hạ đo ván mình ngay tức khắc. Đó không phải là con đường đúng.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 18.

Nói như vậy, ông không chỉ là người làm nông nghiệp hữu cơ, mà còn là nhà đầu tư có chiến lược lâu dài…

- Ngày xưa, tôi may mắn được  ông thầy Đài Loan "tẩy não". Ông nói, thầy "rửa" cái óc của em, thì em mới làm được, vì quan niệm của người Việt là thích làm ẩu, bán giá rẻ, nhưng cuối cùng, làm ẩu thì không ra tích sự gì cả, cuối cùng chết đói mà thôi.

Lúc đó, tôi làm rất đơn giản, cái gì làm tôi cũng đều nghiên cứu rất kỹ, đầu tư có chiều sâu và khi tung ra phải có khác biệt. Nếu không có khác biệt thì khó thành công. Và phải biết rằng chuyện dễ thì ai chẳng làm được, chuyện khó mới cần mình nghiên cứu, mình phải kiếm chuyện khó, tập làm từ từ, rồi cũng quen, thấy chuyện khó là có mình trước. Và mình làm từ lúc mà ai cũng quay lưng.

Ý nghĩa cuộc sống với ông là gì?

- Gần hai mươi mấy năm không có vợ con bên cạnh, đúng là cô đơn nhưng chắc vì vậy mà tôi làm được chuyện khó. Tôi ở một mình nhưng tình yêu của chúng tôi ngày càng được vui trồng và chỉ mong có ngày đoàn tụ. Chính có lẽ càng ở xa, tình yêu của chúng tôi càng nồng đượm, tôi mới càng  thương con, thương vợ, thương cháu nhiều hơn. Đó là điều giá trị của cuộc đời mà đôi khi phải dè sẻn để làm việc lớn.

Hạnh phúc nhất đối với tôi là được làm vì đam mê. Mặc dù trên 60 tuổi rồi tôi vẫn thích đi vào nông trường, trèo đèo lội suối với các bạn trẻ và thấy đó là hạnh phúc.

Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công với mô hình nông nghiệp hữu cơ.

“Vua” mít  Nguyễn Lâm Viên – người được “tẩy não” để làm nông nghiệp vì sự sống - Ảnh 19.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem