Ẩm thực Vĩnh Long: Độc đáo ba món lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam
Ba món đặc sản độc đáo của Vĩnh Long lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam
Hoàng Quyên (tổng hợp)
Thứ sáu, ngày 10/11/2023 13:30 PM (GMT+7)
Độc đáo với tên gọi, cách chế biến của ba món ăn đặc sản gồm: Cá cóc kho nước dừa; Tàu hủ ky chiên giòn; Cá lăng hơ nhúng giấm của Vĩnh Long đã được vinh danh là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022.
Vĩnh Long, được biết đến là một trong những điểm dừng chân yêu thích của du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp sông nước miền Tây Nam Bộ, hấp dẫn với văn hóa chợ nổi Vĩnh Long trên sông Cổ Chiên, say mê với những câu hò vọng cổ ngọt ngào,… và níu chân du khách với những món ăn đặc sản đặc trưng miền sông nước. Trong đó ba món đặc sản nổi tiếng đã được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chọn vào danh sách Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022.
Nếu ai đã từng tới Vĩnh Long, được thưởng thức món cá cóc kho nước dừa chắc chắn sẽ không quên, thậm chí các bà, mẹ, chị còn hỏi bí quyết chế biến món này để về nấu cho người thân.
Nghe tên cá cóc, nhiều người đã rất tò mò, bởi không biết con cá đó như thế nào và không hiểu vì sao lại gọi tên như vậy?
Gọi là cá "cậu ông trời", nhưng cá cóc cũng có tên gọi mĩ miều khác là "mỹ ngư" bởi dáng vẻ đẹp đẽ của nó. Các nhà khoa học giải thích, sở dĩ có tên cá cóc là do đọc chệch ra từ cách đặt tên của người Campuchia. Còn người dân bản xứ thì cho rằng, tên gọi của loài cá này xuất phát từ tiếng kêu "cóc cóc, cóc… " liên tục của nó mỗi khi bị bắt.
Cá cóc có dáng dấp hình thoi kéo dài, trên lưng có kỳ nhọn và bén như răng cưa. Vì vậy, khi người dân đánh dính cá cóc, cá có thể quẫy mạnh làm rách lưới mà thoát thân. Theo người dân chài nơi đây, để bắt được cá cóc, sẽ có hai cách bắt phổ biến đó là giăng câu ngầm và thả lưới chìm.
Cá cóc cùng loài với cá chép, thường sống ở vực sâu, nước xoáy, trụ cầu, bến phà thuộc sông Tiền, sông Hậu như đoạn Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cái Bè (Tiền Giang), Cái Côn (Sóc Trăng)... Cá cóc thường sống theo đàn. Sau mùa nước nổi, cá cóc mẹ sẽ bơi ngược về Biển Hồ đẻ trứng. Đây được coi là thời điểm bắt cá dễ nhất bằng cách thả lưới chìm hoặc giăng câu tận đáy sông.
Cá cóc được chế biến thành rất nhiều món ngon như: cá cóc kho nước dừa, cá cóc nấu canh chua cơm mẻ hoặc trái giác, cá cóc nướng muối ớt, cá cóc chiên tươi... Ở Vĩnh Long, thực khách rất ưa dùng món cá cóc kho nước dừa ăn với các loại rau ăn sống và xoài bằm.
Để món cá cóc kho nước dừa ngon, đủ vị thì khi chế biến cá phải còn sống, được làm sạch, ướp gia vị muối, đường, bột ngọt, tiêu, gốc hành tươi giã nhuyễn...
Sau đó bắc nồi nước dừa xiêm tươi pha nước mắm ngon lên bếp lửa than hồng, khi nước sôi mới để cá vào. Khi kho, người ta chỉ để nước ngập vừa mình cá. Cá được trải đều không chồng lên nhau, thêm ít gia vị sao cho vừa miệng.
Theo người dân địa phương ở đây, bí quyết món cá cóc kho nước dừa ngon thì con cá phải còn nguyên vẩy, nếu không sẽ mất đi vị đặc trưng. Khi kho lửa để nhỏ, chỉ liu riu. Nước sôi một lát thì trở mặt cá cho thấm. Mỡ cá hòa vào nước cá kho toát lên mùi thơm thanh thoát. Quan trọng hơn, vảy cá sẽ nở bung ra, giòn sừn sựt... Cá cóc kho nước dừa ngon nhất là khúc đầu vì vừa có thịt, có mỡ bụng lại vừa có mắt cá, xương sụn đầu.
Cá cóc kho mà thiếu đĩa rau ăn kèm thì kể ra cũng thật phí món ăn. Rau ăn kèm gồm các loại rau ăn sống như cải xanh, diếp cá, xà lách, bông điên điển, dưa leo,… nhưng hợp nhất vẫn là dưa giá và xoài hường bằm sợi. Du khách khi thưởng thức món cá cóc kho nước dừa mà ăn cùng gạo thơm Nàng Hương thì ăn không biết no.
Tàu hủ ky được biết đến là sản phẩm được làm ra từ một làng nghề truyền thống có tới 70 năm, và cũng là làng nghề được Bộ BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Đó chính là làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa thuộc xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Đến làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, lúc nào cũng thấy lò hơi, lò lửa nghi ngút, cơi củi đỏ than, nhộn nhịp, đặc biệt là trước các ngày rằm lớn trong năm (tháng Giêng, 7, 10 âm lịch) và những ngày giáp Tết, chuẩn bị sản phẩm cho thị trường dịp Tết.
Theo người dân làng nghề, để làm ra sản phẩm tàu hủ ky không hề đơn giản, ngược lại khá cầu kỳ và mất nhiều công sức. Nguyên liệu chính của tàu hủ ky chính là đậu tương. Trước tiên đậu sẽ được ngâm khoảng 2 tiếng để đậu nở và mềm rồi xay thành bột, sau đó đưa vào máy ly tâm (thợ gọi nôm na là máy chặt) vắt lấy nước.
Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun nước đậu sôi trên bề mặt nổi lớp bọt trắng xóa, người thợ dùng vợt để vớt hết bọt trên mặt chảo. Sau đó, bằng kinh nghiệm người thợ dùng tay sờ nhẹ lớp váng, nếu không dính trên đầu ngón tay tức là tàu hũ đã chín, rồi dùng lưỡi dao nhỏ cắt đôi lớp váng rồi dùng que tre vớt lên phơi trên sào.
Sào phơi là những cây tre chẻ đôi được bố trí song song ngay trên miệng chảo, thông thường cứ khoảng 25 phút là vớt một lớp váng. Người ta xếp 18 chảo thành hai hàng gọi là một dàn, tùy theo quy mô từng gia đình mà số dàn này nhiều hay ít. Trung bình để ra được 1kg tàu hủ ky phải dùng khoảng 2,4 kg đậu nành tươi.
Theo lời kể truyền miệng của người dân làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, xuất xứ sản phẩm này từng là món ăn từ con nhà nghèo. Chuyện kể rằng, xưa kia có một gia đình nghèo khổ làm nghề bán sữa đậu nành ngoài chợ. Ngày nọ, vợ chồng cãi nhau đến mức quên nồi sữa đậu nành đang đun trên bếp bị đóng thành váng.
Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phơi cho ráo rồi quên bẵng đi mất. Khi nhà chẳng còn gì ăn, chị vợ nhìn thấy váng đậu bữa nọ đã khô còn vắt trên vách bếp, bèn lấy ra chế biến với hy vọng sẽ thành món ăn qua cơn đói. Nhưng thật không ngờ là miếng váng đậu đó đã trở thành một món ăn ngon hơn cả tưởng tượng.
Để làm món tàu hủ ky chiên giòn được ngon không khó, chỉ cần rửa sạch tàu hủ ky, để ráo nước, sau đó lấy một bát to sạch, cho vào đó ½ thìa cà phê bột ngọt, 1/3 thìa cà phê muối. 1/3 thìa cà phê tiêu và 1 thìa canh nước nóng. Các gia vị sau khi cho vào khấu đều cho tan và hòa lẫn với nhau. Tiếp đến lấy tàu hủ ky cho trực tiếp vào bát gia vị đã chuẩn bị trước đó. Ướp nguyên liệu trong khoảng 15 phút và cắt thành từng miếng vừa ăn theo chiều ngang.
Tiếp theo, cho chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng già, xếp các miếng tàu hủ ky vào chiên lên cho tới khi tàu hủ ky chín giòn, vàng đều. Cần chú khi không nên chiên quá giòn có thể làm mất đi hương vị đặc trưng của nguyên liệu này.
Du khách khi thưởng thức món tàu kỷ ky chiên giòn này sẽ cảm nhận vị giòn giòn, mùi thơm đặc trưng, béo ngậy của tàu hủ ky sẽ không bao giờ quên.
Ẩm thực Vĩnh Long: Cá lăng hơ nhúng giấm
Du khách khi đến miền Tây ít nhất một lần thưởng thức món lẩu với các loại tôm, cá ăn kèm là rau và các loài hoa mọc trên mặt sông. Đồng thời là những món ăn được sáng tạo từ lẩu thành những món ăn đặc sản khác nhau như món cá lăng hơ nhúng giấm của người dân Vĩnh long.
Thông thường các lăng hơ được chế biến thành các món ăn dân dã đậm chất miền Tây như nấu canh chua, kho tiêu, nướng muối ớt,...Tuy nhiên, hiện tại vùng sông nước Vĩnh Long, cá lăng hơ còn được chế biến thành một món ăn độc đáo để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch đó chính là món cá lăng hơ nhúng giấm. Đặc biệt là loại cá sống trên dòng sông Cổ Chiên.
Cách chế biến món cá lăng hơ nhúng giấm cũng khá đơn giản không cầu kỳ nhiều công đoạn như các món ăn khác, Cá lăng hơ sau khi được người dân địa phương dùng lưới đánh bắt, sẽ được làm sạch. Nước giấm được đun sôi cùng với nước dừa tươi, sả, ớt và hành tây và thêm gia vị cho phù hợp vừa ăn. Nước sôi đến đâu sẽ nhúng cá vào ăn đến đó cùng nước mắm ớt.
Đặc biệt, để món ăn thêm đậm đà hương vị quê hương, người dân địa phương còn kết hợp ăn cùng với 05 loại bông vùng sông nước Miền Tây như bông điên điển, bông súng, bông lục bình, bông so đủa và bông bí. Mùi thơm ngon của cá, cùng với những màu sắc rực rỡ từ các loại bông hoa vườn đã tạo nên một món ăn độc đáo hương vị quê hương.
Khi thưởng thức món cá lăng hơ nhúng giấm, du khách sẽ cảm nhận được thịt cá thơm ngon không tanh, vị nước nhúng giấm chua chua thanh thanh cùng các loại bông hoa đặc sắc dân dã đậm đà của sông nước miền Tây này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.