"Bà bầu" bóng đá "phủi" Campuchia Trần Thanh Nhung: "Tôi giúp cầu thủ tậu xe, mua nhà"

Minh Đức - Anh Tuấn (từ Campuchia) Thứ tư, ngày 17/05/2023 19:10 PM (GMT+7)
Khẳng định là không mất một đồng nào để "nuôi" Arita Garden FC, nhưng thông qua công việc xây dựng, kinh doanh nhà hàng, "bà bầu" Trần Thanh Nhung đã tạo điều kiện cho nhiều nhân viên và cũng là cầu thủ của đội bóng vay tiền mua xe, mua nhà…
Bình luận 0

"Kinh doanh và bóng đá có mối quan hệ mật thiết"

Đã biết tiếng chị Trần Thanh Nhung từ khi mới sang Campuchia tác nghiệp SEA Games 32, nhưng phải tới trưa nay (17/5) - ít giờ trước Lễ bế mạc Đại hội, tôi mới có dịp ghé qua "Ha Noi Corner" - nhà hàng mà chị làm chủ để nghe câu chuyện về một người phụ nữ tay trắng sang Campuchia lập nghiệp và đã định danh trong lĩnh vực xây dựng tại Phnom Penh. Chị Nhung cũng là "bà bầu" của đội bóng "phủi" Arita Garden FC.

"Bà bầu" bóng đá "phủi" Campuchia Trần Thanh Nhung: "Tôi giúp cầu thủ tậu xe, mua nhà" - Ảnh 1.

Nụ cười thân thiện của "bà bầu" Trần Thanh Nhung khi gặp gỡ phóng viên Dân Việt trưa nay. Ảnh: Minh Đức

Đúng giờ hẹn, tôi có mặt tại "Ha Noi Corner" và ngay lập tức có cảm giác mình đang ở một quán ăn quen bình yên ở Hà Nội với giai điệu bolero nhẹ nhàng.

Nhân viên cửa hàng là người Campuchia nhưng nói tiếng Việt rất tốt. "Những ngày mới sang đây, tôi rất thèm phở, bánh cuốn và đặc biệt là… bún đậu mắm tôm. Nhưng đậu bên này không ngon bằng đậu ở Việt Nam. Vì vậy, tôi đã về Việt Nam đưa một "chuyên gia" làm đậu sang Campuchia, không chỉ phục vụ sản xuất cho nhà hàng mà còn đưa vào bán trong các siêu thị. Có nhiều ngày làm còn không đủ để bán", chị Nhung mở đầu câu chuyện.

Theo dòng tâm sự, chị Nhung bảo ngành nghề chính của mình là xây dựng, nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc này gần như bị "đóng băng".

Là người ưa hoạt động và thừa nhận "rất yêu tiền và thích kiếm tiền", chị Nhung quyết định mở nhà hàng Arita Garden:

"Ban đầu tôi cũng chỉ xác định làm một khu vườn trồng nhiều cây, hoa lá… để mình ngắm, thư giãn sau những giờ làm việc mải miết với các công trình xây dựng.

Nhưng mùa dịch, diện tích hơn 1 nghìn mét vuông của khu vườn lại rất hợp lý… để kinh doanh. Khi dịch bắt đầu được kiểm soát, anh em các đội bóng đã có thể ra sân và nhu cầu giao lưu sau mỗi trận đấu là rất lớn, đặc biệt sau thời gian phải sống trong "bong bóng khép kín". Tôi nghĩ nếu không có dịch Covid-19, có lẽ tôi đã không mở nhà hàng và chỉ chuyên tâm vào công việc xây dựng thôi. Mọi thứ cứ đến như một chữ duyên vậy, có những điều mình không thể lường trước được", chị Nhung bộc bạch.

"Bà bầu" bóng đá "phủi" Campuchia Trần Thanh Nhung: "Tôi giúp cầu thủ tậu xe, mua nhà" - Ảnh 3.

Arita Garden FC chụp ảnh lưu niệm trước khi bước vào một trận đấu. Ảnh: NVCC

Thời gian trôi qua, các đội bóng đến với nhà hàng ngày càng đông và chị Nhung nghĩ phải thành lập một đội bóng:

"Mục tiêu đầu tiên là giúp nhân viên trong chính Công ty xây dựng S.O.B (viết tắt của Super of Building) của mình có điều kiện rèn luyện sức khoẻ, thư giãn để lao động tốt.

Tiếp theo nữa, thông qua đội bóng của mình, chúng tôi sẽ giao lưu được với nhiều đội bóng hơn, qua đó nhà hàng của mình cũng sẽ có nhiều khách hơn. Vậy là Arita Garden FC ra đời vào tháng 6/2020", chị Nhung chia sẻ chân thành.

Thời gian qua đi, không chỉ nhân viên của S.O.B, hay "Ha Noi Corner", "Arita Garden" mà nhiều người ở các cơ quan khác cũng muốn xin vào đội bóng: "Nhiều anh em hàng ngày đi tiếp khách nhiều cũng có nhu cầu chơi thể thao để "xả", giữ gìn sức khoẻ. Chúng tôi đồng ý cho vào đội với điều kiện khi thi đấu thì phải mặc đồng phục của đội bóng và đóng 10 USD vào quỹ như mọi thành viên khác", "bà bầu" Trần Thanh Nhung nói.

"Tôi không nợ nhân viên dù chỉ 1 nghìn riel"

Khi Dân Việt đặt câu hỏi để duy trì Arita Garden FC trong khoảng 3 năm qua, chị đã phải bỏ bao nhiêu tiền để "nuôi" đội bóng? "Bà bầu" Trần Thanh Nhung cười: "0 đồng! Đội bóng thời cao điểm có khoảng gần 30 người. Bây giờ dao động có khoảng trên dưới 20 người sinh hoạt thường xuyên.

Mọi người đóng quỹ chung để lo tiền sân nước. Ở đây, thường hai đội bóng thi đấu thì đội thắng sẽ trả tiền sân, nước. Đội thua trả tiền nhậu giao lưu sau trận. Vậy nên nếu đội thua thì "danh sách thi đấu" có đó, anh em cứ chia đều. Tôi chỉ đứng ra quản lý đội bóng, kết nối mà thôi".

"Bà bầu" bóng đá "phủi" Campuchia Trần Thanh Nhung: "Tôi giúp cầu thủ tậu xe, mua nhà" - Ảnh 4.

"Bà bầu" Trần Thanh Nhung giúp đỡ nhiều người có công ăn việc làm. Ảnh: Minh Đức

Không mất tiền "nuôi" Arita Garden FC nhưng cái mà "bà bầu" Trần Thanh Nhung làm được với các "cầu thủ" của mình còn lớn hơn nhiều: "Nhân viên văn phòng của tôi hiện có 16 người. Tổng số cả kỹ sư, công nhân… hàng tháng tôi lo lương cho khoảng 50 người.

Cao điểm khi có nhiều công trình sẽ phải huy động khoảng 300 công nhân, trả lương theo ngày cho họ. Với nhân viên của công ty, tôi không nợ họ dù chỉ 1 nghìn riel (khoảng 6 nghìn VNĐ) và trả lương đều hàng tháng cho họ vào hai đợt, ngày 3 và 18 hàng tháng.

Bên này, người Campuchia không quen tích lũy nên khi cần mua nhà hay ô tô, xe máy di chuyển, họ phải trả góp. Hàng tháng mình phải trả tiền đúng hạn cho họ để họ có tiền trả góp ngân hàng.

Nhiều nhân viên, "cầu thủ" của Arita Garden FC gặp khó khăn về thủ tục vay ngân hàng, tôi đều đứng ra làm giấy tờ xác nhận, bảo lãnh cho họ.

Nhiều cặp vợ chồng Campuchia đã theo tôi trong suốt gần 7 năm lập nghiệp tại Campuchia mà không bỏ tôi trong thời gian khó khăn nhất, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mình đã từng vô cùng vất vả để có thể trụ lại tại đây nên làm được gì tốt nhất cho nhân viên của mình là tôi làm", chị Nhung bày tỏ.

"Tôi từng đi tiếp thị từng cái bóng đèn, bán từng cái bánh chưng"

Sau gần 7 năm bươn chải ở Campuchia, chị Nhung nhìn nhận nhịp sống ở đất nước chùa tháp rất chậm: "Tôi nghĩ người Việt Nam nhạy bén sang đây lập nghiệp thời gian đâu sẽ rất áp lực bởi người ta không theo kịp nhịp của mình. Để hòa nhập, mình phải thích nghi, phải sống chậm lại bởi nhanh quá sẽ "cô đơn", một mình không thể làm hết việc".

"Bà bầu" bóng đá "phủi" Campuchia Trần Thanh Nhung: "Tôi giúp cầu thủ tậu xe, mua nhà" - Ảnh 5.

Để có thể trụ lại và tạo được thương hiệu ở Campuchia, "bà bầu" Trần Thanh Nhung đã trải qua những ngày tháng đạp xe đi tiếp thị từng cái bóng đèn. Ảnh: Minh Đức

Hồi tưởng lại quá khứ, chị Nhung bảo mình quê gốc ở Mê Linh (Hà Nội) và đã tốt nghiệp Học viện quốc tế, có 8 năm làm truyền thông ở Tạp chí Người cao tuổi: "Sau khi rời Tạp chí Người cao tuổi, tôi vào TP.HCM lập nghiệp và nhanh chóng tìm được công việc làm kinh doanh ở một công ty dược. Mọi thứ cũng diễn ra thuận lợi nhưng thời điểm 2015-2016, mẹ tôi công tác trong ngành y được mời sang Campuchia làm việc ở một bệnh viện. Tôi theo mẹ sang đây làm công tác truyền thông, mang sản phẩm của công ty dược tại Việt Nam sang quảng bá.

Nhưng sau đó, chính sách của nhà nước Campuchia không cấp phép cho bệnh viện của người nước ngoài nên mẹ tôi trở về Việt Nam, mình tôi ở lại đây.

Thời gian đầu mưu sinh tại Campuchia, tôi phải đi xe đạp, tiếp thị từng cái bóng đèn, lương tháng chỉ được 300 USD. Cùng thời gian đó, tôi đi học tiếng Campuchia mà là học… chịu ở Hội Việt kiều. Dịp Tết 2016, thông qua Hội Việt kiều, tôi nhờ giới thiệu cho tôi kinh doanh bánh chưng, giò chả, tôi nhập từ Hà Nội sang bán, cung cấp cho người Việt có nhu cầu tổ chức tất niên. Cuối năm đó cũng tích lũy được 600 USD về nước ăn Tết xong lại sang Campuchia. Khó khăn lắm nhưng tôi không nói cho cha mẹ biết, sợ gia đình lo lắng!".

"Bà bầu" bóng đá "phủi" Campuchia Trần Thanh Nhung: "Tôi giúp cầu thủ tậu xe, mua nhà" - Ảnh 6.

Chị Trần Thanh Nhung chụp ảnh kỷ niệm cùng phóng viên Dân Việt.

Luôn nỗ lực cố gắng và tự nhủ "sẽ trụ lại Campuchia bằng chính đôi chân của mình chứ không nhờ bất kỳ ai khác", chị Nhung mày mò học hỏi cách quản lý, chuyên môn xây dựng từ chính các chuyên gia Việt Nam được cử sang Campuchia công tác.

"Tôi cũng quen một số anh em người Campuchia đã từng sang Việt Nam học tập, có thể nói tốt hai thứ tiếng, làm việc trong các ngân hàng và nhờ họ giới thiệu cho các gói thầu xây dựng, lợi nhuận chia đôi.

Tôi xác định làm từ những việc nhỏ nhất như thông tắc vệ sinh, sửa đường điện, nước… Mình là nữ mà lại trực tiếp làm nên lâu dần tạo được sự tin tưởng. Bắt đầu từ những gói thầu hơn 1 nghìn USD đến mấy chục nghìn USD và giờ là cả trăm nghìn USD tôi đã nhận được. Hiện có nhiều Công ty xây dựng Việt Nam sang Campuchia đầu tư, tôi có được một chút thương hiệu và nếu hỏi "Nhung xây dựng" thì nhiều người biết".

"Bà bầu" Trần Thanh Nhung: "Trong những năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, có lúc tôi cũng chán nản, cô đơn lắm. Người ta có gia đình ở bên, còn tôi chỉ thui thủi một mình. Cũng đã cho quần áo vào ba-lô định về nước ngay. Nhưng nghĩ tới cuộc sống của các nhân viên, tôi lại để ba-lô xuống, vò đầu bứt tai tính lại..."

Miệt mài mưu sinh, khẳng định thương hiệu nơi đất khách quê người, ở tuổi 43, "bà bầu" Arita Garden FC vừa mới lập gia đình ngay trong những ngày SEA Games 32 đang diễn ra nóng bỏng nhất tại Campuchia.

Chị bảo, mình đã có ý định làm mẹ đơn thân nhưng duyên số đã đưa chị gặp được ông xã và quyết định "góp gạo thổi cơm chung": "Chúng tôi quen nhau cũng khá lâu rồi nhưng tính xem thời điểm nào tổ chức đám cưới là hợp lý nhất. SEA Games 32 có ý nghĩa lịch sử, giúp Campuchia quảng bá hình ảnh đất nước, con người thân thiện.

Tại SEA Games 32, chúng tôi có dịp được gặp gỡ nhiều người bạn Việt Nam, cảm giác thật hạnh phúc và ấm áp. Một ngày gần nhất, tôi sẽ đưa Arita Garden FC về Việt Nam thi đấu giao hữu đó!", "bà bầu" Trần Thanh Nhung khép lại câu chuyện như một lời hẹn hội ngộ với chúng tôi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem