Bà Nhàn AIC và 7 người khác bị tuyên án vắng mặt, có được kháng cáo?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 08/01/2023 14:03 PM (GMT+7)
8 bị cáo vụ đại án AIC bị tuyên án vắng mặt. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vậy những người này có được quyền kháng cáo?
Bình luận 0

8 bị cáo vụ đại án AIC bị tuyên án vắng mặt

Liên quan đến vụ đại án AIC, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC. Trong đó, bị cáo Nhàn cùng 7 bị cáo khác đang bỏ trốn bị tuyên án vắng mặt.

Bà "Nhàn AIC" và 7 người khác bị tuyên án vắng mặt, có được kháng cáo? - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lãnh án 30 năm tù dù đang bỏ trốn. Ảnh: TH.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị phạt 14 năm tù về tội Đưa hối lộ, 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Cùng với đó, tòa cấp sơ thẩm tuyên cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 11 năm tù, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái 9 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ bị phạt mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ, 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt buộc bị cáo Vũ chấp hành 19 năm tù.

Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai lĩnh 3 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đang bị truy nã) lĩnh tổng mức án 25 năm tù. Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, lĩnh 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 29 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 6 năm tù.

Tuyên án vắng mặt có được kháng cáo?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, 8 bị cáo bị tuyên án vắng mặt có được quyền kháng cáo, bởi theo thông báo của chủ toạ, trong vòng 15 ngày, thủ tục này phải thực hiện?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định ở tiểu mục 1 Mục I Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

Và những chủ thể khác như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

Người được tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Đối chiếu các quy định nêu trên, chỉ có bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật), người bào chữa của bị cáo mới có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Do đó, trường hợp các bị cáo đang trốn truy nã hoặc vắng mặt, người thân thích, người bào chữa không thể thay bị cáo đang trốn truy nã, bị cáo đang vắng mặt thực hiện quyền kháng cáo được.

Vì vậy, việc trốn truy nã và vắng mặt, ít nhiều bị cáo sẽ bị ảnh hưởng làm hạn chế tới quyền kháng cáo.

Ngoài ra, luật sư Khuyên thông tin, theo quy định tại Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bị cáo vắng mặt có thể gửi đơn kháng cho tòa án trong thời hạn kháng cáo, tuy nhiên đơn kháng cáo có được phía tòa án chấp thuận hay không phải đợi quyết định của toà án. Trường hợp VKS kháng nghị bản án, bản án cũng sẽ chưa có hiệu lực pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự "vắng mặt tại phiên tòa", thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

"Trường hợp vụ án AIC, có thể cơ quan tố tụng sẽ tiến hành niêm yết bản án theo quy định do trong vụ án có nhiều bị cáo đang trốn truy nã, xin xét xử vắng mặt" – nữ luật sư nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem