Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM - Bài cuối: Bài học dành quỹ đất cho nhà ở xã hội

Gia Linh Thứ năm, ngày 08/06/2023 09:34 AM (GMT+7)
Trong khi TP.HCM và nhiều tỉnh đang loay hoay về việc phát triển nhà ở xã hội thì tại tỉnh Bình Dương hàng nghìn căn nhà đã được xây và được trao đến tay người dân.
Bình luận 0

Định hướng an cư lập nghiệp cho người dân

Nhiều năm nay, Nhà nước luôn chú trọng vào việc phát triển kinh tế đi kèm với an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Trong đó, tại các trung tâm phát triển về công nghiệp dịch vụ, y tế... như TP.HCM, Bình Dương... luôn được cơ quan chức năng quan tâm, đặc biệt là vấn đề về an sinh.

Trong đó, việc phát triển xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) nhà dành cho người có thu nhập thấp luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Điều này thể hiện bởi việc chủ trương của nhà nước luôn yêu cầu các doanh nghiệp làm dự án lớn phải dành quỹ đất 20% để làm NƠXH phục vụ nhu cầu cuộc sống, nhu cầu mua nhà ở của người dân trên địa bàn.

Bài học nhìn từ việc quỹ đất xây nhà ở xã hội tại Bình Dương - Ảnh 1.

Một công trình nhà ở xã hội tại Bình Dương. Ảnh: Gia Linh

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay khi nhắc đến NƠXH thì ai cũng "ngán ngẩm" vì chưa có một chính sách hoàn thiện, cũng như quy trình thủ tục pháp lý cho việc này. Các dự án trì trệ, doanh nghiệp tư nhân lưỡng lự không tham gia tích cực vào việc xây dựng NƠXH mà liên tục kiến nghị cho hướng dẫn, quy đổi đất, quy đổi tiền để tránh việc xây dựng NƠXH trong khu vực xây nhà ở thương mại.

TP.HCM cũng là một địa phương "vất vả" trong việc xây dựng NƠXH. Theo số liệu báo cáo từ năm 2022, TP.HCM chỉ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được 1 công trình NƠXH. Còn lại thì vẫn "vướng" bởi thủ tục pháp lý và chính những nhà đầu tư.

NƠXH khó làm bởi hàng loạt lý do đã được cơ quan chức năng, doanh nghiệp nêu ra. Tuy nhiên hiện nay, một trong những địa phương đang làm rất tốt về việc xây dựng NƠXH tại khu vực phía Nam là tỉnh Bình Dương. Tỉnh này có chiến lược và thực hiện kế hoạch xây NƠXH nhanh và bài bản, sản phẩm đến đúng với tay người cần mua.

Chia sẻ kinh nghiệm trong hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" vừa qua, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết yếu tố quan trọng đầu tiên là phải có quỹ đất.

Bài học nhìn từ việc quỹ đất xây nhà ở xã hội tại Bình Dương - Ảnh 2.

Tỉnh Bình Dương có chiến lược ưu tiên quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Gia Linh

Theo đó, tỉnh Bình Dương từ năm 2006 đã ưu tiên, dành 7% đất ở cho các dự án nhà ở trên địa bàn. Quỹ đất này được tạo ra từ nhiều nguồn. Bao gồm: quỹ đất đến từ nhà đầu tư có đất sẵn, nguồn đất do đất nhà nước quản lý, nguồn đất đến từ việc tỉnh thống kê, rà soát quy hoạch phân khu, các doanh nghiệp đã hết thời hạn thuê đất để tạo quỹ đất… Ngoài ra, quỹ đất các doanh nghiệp đề xuất, thu thập lại thành các danh mục, có định hướng đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện rà soát lại quỹ đất phát triển công nghiệp từ năm 1995 đến nay với khoảng 10%, tỉnh đang nghiên cứu 1 đề án cây xanh kết hợp nhà ở xã hội. Đây là nguồn quỹ đất cho sau năm 2030.

Cần thêm cơ chế linh hoạt phát triển nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC cho biết sau 10 năm triển khai, đề án nhà ở xã hội Becamex ban đầu có quy mô 65.000 căn, đã xây dựng hoàn thành 47.500 căn, đạt 74% kế hoạch của đề án. Doanh nghiệp dự kiến tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn nhà ở xã hội, tạo cơ hội an cư cho người lao động.

Lãnh đạo Becamex IDC đánh giá, TP.HCM là địa phương có nhu cầu sở hữu NƠXH của người lao động là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp lớn uy tín muốn đóng góp. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là quỹ đất, chi phí đất đai, giá thành xây dựng cao. Vì vậy cần có cơ chế chính sách linh hoạt, rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư…

Bài học nhìn từ việc quỹ đất xây nhà ở xã hội tại Bình Dương - Ảnh 3.

Nhà ở xã hội của Becamex IDC. Ảnh: Gia Linh

Nói về vấn đề xây dựng và phát triển NƠXH cũng như tránh cho việc ách tắc trong các khâu pháp lý, Becamex IDC cũng kiến nghị Nhà nước, cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn phát triển NƠXH một cách đơn giản nhanh nhất.

Xây dựng cơ chế để huy động vốn, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong phát triển NƠXH. Ngoài ra, thực tế đối tượng mua NƠXH khó tiếp cận do thủ tục xét duyệt, nguồn vốn và lãi xuất vay còn cao. Chính phủ nên có nguồn quỹ phát triển NƠXH riêng để trực tiếp hổ trợ cho đối tượng người lao động được mua NƠXH (cho vay trên 70% với lãi suất thấp ổn định trong nhiều năm 25 - 30 năm).

Với kinh nghiệm của một đơn vị phát triển NƠXH, bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group cho biết, nếu TP.HCM có quỹ đất sạch để phát triển NƠXH thì doanh nghiệp sẵn sàng tham gia. 

"Doanh nghiệp với ưu thế kinh nghiệm, năng lực tài chính, Nhà nước có quỹ đất sạch, tổ chức đấu thầu rộng rãi. Trong điều kiện đó, doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện và thậm chí mời các đơn vị nước ngoài vào cùng triển khai xây dựng", bà Oanh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem