Bị hủy hợp đồng mua bán, lần đầu tiên một công ty sầu riêng kiện nhà vườn ra tòa, nông dân chưa biết gì?
Bị hủy hợp đồng mua bán, lần đầu tiên một công ty sầu riêng kiện nhà vườn ra tòa, nông dân chưa biết gì?
Gia Tưởng
Thứ hai, ngày 17/06/2024 05:56 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Nguyễn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Sầu riêng Tây Nguyên (địa chỉ: Lô CN4, Cụm Công nghiệp Tân An, phường Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, lần đầu tiên công ty phải gửi đơn tới tòa án kiện một nhà vườn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo ông Nguyễn Trần Trung, Tổng Giám đốc Công ty Sầu riêng Tây Nguyên, người bị nêu trong đơn kiện gửi tới Tòa án nhân dân huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận là bà Phạm Thị Trúc Ly, sinh năm 1981, quê quán huyện Tân Phú, An Giang; thường trú tại tổ 3, thôn 11, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, là chủ của vườn sầu riêng được trồng trên thửa số 66, khu vực 143, thôn 11, xã Đạ Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Ông Trung cho biết, sau khi ký hợp đồng mua bán sầu riêng số 02/2024/HĐMB/SARITA-PTTK với số lượng khoảng 25 tấn sầu riêng, giá mua xô là 82.000 đồng/kg, gần đến ngày thu hoạch, phía chị Ly thông báo qua điện thoại cho công ty rằng đã có quả chín rụng và yêu cầu sắp xếp ngày thu hoạch. Công ty của ông Trung cử cán bộ KCS kiểm tra chất lượng trái và hẹn chị Ly sẽ thu hoạch sầu riêng vào ngày 13/6.
Vào lúc 7h ngày 13/06/2024, cán bộ KCS của Công ty bắt đầu kiểm tra chất lượng cơm, xác định độ tuổi quả để thu hoạch và bắt đầu thu hoạch từ lúc 7h30, sau đó cán bộ KCS và cán bộ thu mua di chuyển sang địa bàn khác để cắt mẫu thu hoạch.
Đến 8h30, chị Ly thông báo cho cán bộ Công ty qua điện thoại rằng phía Công ty tiến hành thu hoạch như vậy là không được và cho đội cắt dừng lại việc cắt hàng, đồng thời yêu cầu cán bộ phụ trách thu hoạch của Công ty phải có mặt trực tiếp để trao đổi về chất lượng cơm, trong khi công ty thực hiện thu hoạch hoàn toàn đúng với tiêu chuẩn về chất lượng "cơm vàng, bột ngọt" được ghi trong hợp đồng mua bán.
Chị Ly nêu ý kiến, nếu cắt như vậy thì bên chị không chấp nhận, chị có thể bán rẻ hơn 5.000 - 10.000 đồng với điều kiện phải thu hoạch sớm. Lần thu hoạch đầu, vườn của chị phải cắt được ít nhất 7.500kg trên tổng số 25.000kg, nếu neo quả trên cây như vậy sẽ làm cây suy yếu, năm sau sẽ không đạt. Vì vậy nếu công ty không đáp ứng được thì gửi lại tiền cọc.
Sau khi không tìm được tiếng nói chung, cán bộ Công ty nhận lại tiền cọc là 500.000.000 đồng.
Theo ông Huỳnh Sang, cán bộ thu mua của Công ty Sầu riêng Tây Nguyên, việc cắt trái non sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của công ty, múi sầu chín không đồng đều, cơm trắng và ăn có vị cay. Trong khi nhà vườn muốn cắt trái sớm, vì khi trái sầu riêng xanh sẽ có trọng lượng cao hơn lúc chín, cây ít phải nuôi trái sẽ có sức khỏe để làm vụ hoa tiếp theo.
Việc bị hủy hợp đồng mua bán đối với bà Ly khiến công ty bị thiệt hại không nhỏ từ bố trí nhân công cắt, xe vận tải về nhà máy, đến kế hoạch sản xuất, giao hàng cho đối tác.
Ông Trung chia sẻ thêm, thực ra cực chẳng đã công ty mới phải gửi đơn tới tòa án địa phương để yêu cầu được bảo vệ quyền lợi.
"Chúng tôi rất cần những người nông dân, những nhà vườn trung thực, thấu hiểu để cùng đồng hành với công ty, tránh vì lợi ích nhỏ trước mắt để ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của Việt Nam", ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm: Sự việc nông dân thiếu hiểu biết, bỏ cọc, hay một vườn nhận cọc của nhiều người mua, rồi làm sai, làm tắt quy trình chăm sóc cây, trái xảy ra trong ngành sầu riêng không phải là ít. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT sớm đưa ra những hướng dẫn quy định cụ thể về chăm sóc, thu hoạch, chế biến với quả sầu riêng, cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng để người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện", ông Trung nói.
Cũng qua sự việc này, ông Trung mong tòa án các cấp của tỉnh Bình Thuận sớm vào cuộc để tìm được sự công bằng cho những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty sầu riêng Tây Nguyên.
Ngày 15/6, sau rất nhiều nỗ lực, phóng viên Dân Việt cũng đã liên hệ được với bà Phạm Thị Trúc Ly. Theo đó, bà Ly xác nhận có việc bỏ cọc giữa bà và Công ty Sầu riêng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, theo bà Ly, việc công ty không cắt sầu riêng rồi đôi bên thống nhất huỷ cọc cũng là chuyện bình thường. Hiện nay, bà Ly và gia đình đã gọi mối khác vào cắt sầu, vì đã có hiện tượng chín rụng trong vườn sầu riêng của gia đình bà.
Bà Ly cho biết thêm, làm sầu riêng rất cực khổ, bà chỉ biết sản xuất ra trái cây để bán và không biết gì về việc Công ty Sầu riêng Tây Nguyên đã làm đơn kiện bà.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc này tới bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.