Bí thư Bình Định: "Chủ tịch tỉnh họp ngày họp đêm, 6h sáng đã đến trụ sở làm việc"
Bí thư Bình Định: "Chủ tịch tỉnh họp ngày họp đêm, 6h sáng đã đến trụ sở làm việc"
Dũ Tuấn
Thứ sáu, ngày 15/03/2024 19:08 PM (GMT+7)
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nói rằng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn rất nỗ lực, "họp ngày họp đêm", 6h sáng đã đến trụ sở làm việc. Trong khi, một số sở ngành lại có biểu hiện "đùn đẩy, né tránh" trong công việc, đẩy trách nhiệm lên lãnh đạo tỉnh.
Ngày 15/3, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 15. Chủ tịch HĐND, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: "HĐND tỉnh luôn đồng hành với UBND tỉnh, để giải quyết mọi việc khó khăn, cấp bách. Thậm chí, có những việc "vượt rào" cần phải họp, để kịp ban hành nghị quyết thực hiện".
"Nếu phải cắt giảm dự án đầu tư công phục vụ cuộc sống của dân, rất đau lòng"
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay, thu ngân sách giảm sâu là điều rất đáng lo ngại.
"Năm 2021, thu ngân sách tỉnh đạt hơn 14.000 tỷ đồng, năm 2022 đạt 16.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2023 giảm còn 12.700 tỷ đồng. Diễn biến thu ngân sách như thế này, là không bình thường", ông Dũng nêu.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn rất nỗ lực, "họp ngày họp đêm", 6h sáng đã đến trụ sở làm việc.
Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh dù có "trăm tay, nghìn mắt" cũng không thể giải quyết hết, được tất cả công việc.
"Ở đây trách nhiệm của sở ngành phải vào cuộc nhưng tôi lại thấy có biểu hiện đùn đẩy né tránh, đẩy trách nhiệm lên cho lãnh đạo tỉnh. Việc này chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan", Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nói và đưa ra dẫn chứng, nguồn thu từ đất ở thành phố Quy Nhơn vào năm 2023 bán đấu giá được hết, giao 500 tỷ đồng nhưng đã bán được 600 tỷ đồng, còn ở tỉnh thì "rao mãi, không ai mua".
"Câu hỏi đặt ra là ở chỗ nào? Tại sao thành phố Quy Nhơn người ta định giá bán, còn tỉnh thì các đồng chí sợ, các đồng chí kiểm tra lại đi", ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, việc thu tiền sử dụng đất năm 2024, quyết định đến "số phận" triển khai các dự án đầu tư công, trên địa bàn.
Ông Tuấn nêu ra 2 phương án, nếu như thuận lợi, Bình Định vừa thu tiền sử dụng đất đảm bảo đầu tư công năm 2024, thậm chí có thể thu bù nguồn thiếu hụt của 2 năm trước đó.
Còn lại phương án 2 thì "xấu" hơn, nếu không thể thu được nguồn từ các dự án bất động sản lớn, mà chỉ thu từ đấu giá từng lô đất lẻ, thì tình hình rất "căng thẳng".
"Nếu vậy, tới đây chúng tôi sẽ báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ, rà soát điều chỉnh lại các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, cắt giảm những dự án chưa cần thiết, chỉ thực hiện dự án cấp bách và đang triển khai dở dang. Hiện đang thiêng về phương án này, vì rất ngại nợ lớn nhà thầu, khi triển khai dự án đầu tư công", ông Phạm Anh Tuấn nói và kỳ vọng, năm nay khi tình hình bất động sản diễn biến tốt, thì không phải dùng đến phương án 2.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng nói rằng, ông đã đọc hết các danh mục dự án đầu tư công, nếu phải cắt giảm thì rất đau lòng.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, lĩnh vực y tế đã thông qua đề án, cần đầu tư 600 tỷ đồng để xây dựng các trạm y tế, đây là vấn đề bức xúc, cần thiết vì liên quan đến sức khoẻ người dân.
Giáo dục thì cần vốn để bổ sung, hoàn chỉnh trường lớp, bàn ghế cho con em, yên tâm đến trường. Rồi trụ sở công an xã, đê kè xuống cấp phải xây nếu không làm mùa mưa sẽ gây sạt lở nhà dân, đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch... và nhiều các dự án cấp thiết, cho sự phát triển của tỉnh và cuộc sống người dân.
"Nói cắt giảm thì dễ nhưng đằng sau câu chuyện này rất trăn trở, cực chẳng đã mới cắt giảm. Vì tất cả công trình, đều có ý nghĩa phục vụ cuộc sống người dân được tốt hơn", Bí thư Bình Định tâm tư.
"Thủ tướng thắc mắc, tại sao tỷ lệ hộ nghèo của Bình Định lại cao hơn mức bình quân cả nước"
Giải quyết bài toán về nguồn thu ngân sách, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định yêu cầu, các Sở ngành, địa phương phải vào cuộc cùng với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh… để cùng tháo gỡ nút thắt. Không chỉ "hô hào" khẩu hiệu, mà cần đồng lòng tìm hướng đi vượt khó.
Ông Hồ Quốc Dũng giao nhiệm vụ cho Cục thuế tỉnh, khai thác nguồn thu từ thuế, đi kèm việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp.
"Cần chủ động thăm hỏi động viên và sẵn sàng hỗ trợ, để doanh nghiệp hiểu tấm lòng của tỉnh. Trước đây, Hoa Sen có thể nộp thuế ở Bình Định, Bình Dương hoặc TP.HCM, vì đây là doanh nghiệp tập đoàn. Để họ nộp thuế ở Bình Định, tỉnh đã đồng lòng hỗ trợ, còn nếu họ đến mà tiếp đón không đầy đủ, nói năng cộc lốc thì làm sao doanh nghiệp, họ vui vẻ nộp thuế tại tỉnh", ông Hồ Quốc Dũng nêu vấn đề.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định, việc giảm nghèo đang là vấn đề rất bức xúc. Nghịch lý, kinh tế tỉnh rất phát triển nhưng tỷ lệ hộ nghèo, lại cao hơn mức bình quân cả nước.
Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ cũng thắc mắc, đặt câu hỏi về nghịch lý trên?. Bởi, Thủ tướng khi về thăm huyện miền núi An Lão, lại thấy đời sống người dân ấm no, phấn khởi, nhà cửa sung túc.
"Cần xem lại cách tính, cách vận hành bộ máy trong việc giảm nghèo, đã ổn chưa? Đây không riêng gì trách nhiệm của Sở LĐTBXH, mà là cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Vẫn theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định, UBND tỉnh phải gắn trách nhiệm đến Chủ tịch, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ gắn trách nhiệm Bí thư và đưa ra chỉ tiêu cho từng địa phương, không chỉ đẩy hết trách nhiệm cho chính quyền. Không làm được, thì Bí thư, Chủ tịch nơi đó, phải chịu trách nhiệm.
"Dân thiếu đất thì giải quyết thế nào, dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật thì xử lý làm sao, phải đồng hành giúp dân thoát nghèo…Năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Định phải thấp hơn mức bình quân cả nước", ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
"Chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, thì báo cáo, nhận trách nhiệm với cử tri như thế nào?"
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Định đề nghị UBND tỉnh, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đối với những chỉ tiêu không đạt mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua.
Cụ thể, có 3 chỉ tiêu, gồm: "tổng thu ngân sách trên địa bàn", "giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới" và "tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công".
Về chỉ tiêu "tổng thu ngân sách", báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh trong năm, ước đạt 13.828 tỷ đồng, vượt 1,3% dự toán năm và bằng 88% so với cùng kỳ.
Nhưng qua rà soát, tổng thu ngân sách chỉ 12.762 tỷ đồng, đạt 93,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 81,2% so với cùng kỳ. So với số liệu đã báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, tổng thu ngân sách sau rà soát, thấp hơn 1.066 tỷ đồng.
Chỉ tiêu "giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới", báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm 2,53% (kế hoạch năm 2023 là giảm 1,8%). Qua kết quả rà soát, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm 1,37%, không đạt kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, đến ngày 31/1/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 8.096,1/9.656,5 tỷ đồng, đạt 83,84% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bình Định Đoàn Văn Phi lưu ý, các ngành của UBND tỉnh, chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, khi giải trình những chỉ tiêu không đạt mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua.
Một số đại biểu HĐND tỉnh Bình Định lo ngại, báo cáo tiếp xúc cử tri cuối năm 2023, thì nhiều chỉ tiêu đạt nhưng qua rà soát lại tại kỳ họp lần này, lại không đạt. Vậy, phải báo cáo lại với cử tri, như thế nào?.
"Trong khi các ngành UBND tỉnh, chỉ giải trình về nguyên nhân, chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Việc này, phải sớm hoàn chỉnh lại báo cáo, để khi tiếp xúc, đại biểu thông báo lại và nhận trách nhiệm trước cử tri", ông Đoàn Văn Phi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.