Cá bè ở TP.Vũng Tàu chết hàng loạt, người dân thiệt hại hơn 10 tỷ đồng
Cá bè đặc sản ở TP Vũng Tàu chết hàng loạt, hơn 10 tỷ đồng của nông dân tan theo nước
Chí Tâm
Thứ bảy, ngày 22/08/2020 14:20 PM (GMT+7)
Khoảng 30 hộ dân tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị thiệt hại hơn 10 tỷ đồng do cá đặc sản nuôi lồng bè trên sông Chà Và, sông Rạng lăn ra chết hàng loạt.
Ngày 21/8, Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết từ ngày 10 - 19/8, cá của khoảng 30 hộ nuôi trong lồng bè tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu bị chết hàng loạt.
Theo thống kê, có khoảng 130.000 cá chim cỡ 0,3kg/con, 5.000 cá bớp cỡ 1,5kg/con, 5.000 con cá mú khoảng 0,3kg/con. Bước đầu, tổng thiệt hại được xác định là hơn 10 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè tại xã Long Sơn cho hay, tình trạng cá chết kéo dài những ngày qua. Lúc đầu, cá chết ở khu vực cửa biển rồi lan dần vào vùng nuôi cá trên sông Chà Và và sông Rạng, thôn 2 (xã Long Sơn).
Theo đó, cá có hiện trượng bỏ ăn nổi đầu rồi trôi dạt bám vào lưới lồng, tuột nhớt, tróc da và bắt đầu chết.
Từ ngày 15 - 19/8, cá chết nhiều ở khu vực tiểu khu nuôi 1, 4 thuộc khu quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và và khu vực thôn 2 thuộc vùng nuôi sông Rạng. Phần lớn các cá chết là cá bớp, cá chim, cá mú. Tất cả đều là cá giống.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kết quả phân tích mẫu cá cho thấy có sự hiện diện của ký sinh trùng (trùng quả dưa) với mật độ cao, bám vào da, mang, làm mang tiết ra nhiều nhớt hạn chế quá trình hô hấp của cá cùng với tác nhân vi khuẩn Vibrio spp, gây lở loét trên cá dẫn đến cá chết.
Các cơ quan ban ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản (thuộc Bộ NNPTNT đóng tại Hải Phòng) và Viện nuôi trồng thủy sản II (TP.HCM) đến các hộ nuôi cá bị thiệt hại nắm bắt tình hình, khảo sát, thống kê số hộ bị thiệt hại, lấy mẫu cá chết và mẫu nước để xét nghiệm phân tích tìm ra nguyên nhân.
Kết quả kiểm tra mẫu nước cũng có chỉ tiêu khí độc H2S (Hydro sulfide) vượt ngưỡng cho phép. Đây là loại khí độc có hại đến sức khỏe thủy sản nuôi, được sản sinh trong quá trình phân hủy chất hữu cơ ở đáy ao, H2S sẽ cản trở cá sử dụng oxy trong ao, làm cá bị stress và giảm sức đề kháng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định nguyên nhân ban đầu khiến cá chết là do môi trường nước biến động sau những ngày mưa nhiều. Nguồn nước có hiện tượng thiếu oxy cục bộ, cùng với hiện diện của trùng quả dưa mật độ cao bám trên mang và thân cá làm hạn chế quá trình hô hấp cùng với tác nhân của vi khuẩn Vibrio spp gây lở loét dẫn đến cá bỏ ăn trong nhiều ngày và chết dần.
Hiện Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục cử cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, tổ chức phối hợp với các đơn vị, địa phương để hỗ trợ người dân đối phó, khắc phục thiệt hại do cá chết. Đồng thời, vận động người dân thu gom cá chết và xử lý đúng quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.