Cà Mau: Đại tá về hưu mất nơi thờ tự Mẹ Việt Nam Anh hùng
Cà Mau: Đại tá về hưu bị tuyên thua kiện sau hai bản án còn nhiều khúc mắc
Hoàng Hạnh
Thứ bảy, ngày 10/09/2022 11:40 AM (GMT+7)
Đại tá Trần Việt Bình - nguyên Trưởng Phòng CSKT Công an tỉnh Minh Hải (nay là Công an tỉnh Cà Mau) bị tuyên thua kiện tại hai bản án của TAND tỉnh Cà Mau. Sau đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy cả hai bản án này.
Trong đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng, ông Bình trình bày: Năm 1986, ông có gửi đơn đến Sở Xây dựng tỉnh Minh Hải xin được cấp đất ở. Đến năm 1987, ông được Công ty Phát triển nhà Minh Hải cấp 1.000 m2 đất tại lô 17B, đường Lộ Mới, khu Trần Ngọc Hy (nay là đường Trần Văn Bỉnh, khóm 7, phường 5, TP.Cà Mau).
Năm 1988, ông Bình thuê người san lấp mặt bằng đắp nền nhà và cất nhà ở. Năm 1991, theo yêu cầu quy hoạch xây dựng của tỉnh, diện tích đất ông được cấp trước đó là 1.000 m2, giảm xuống còn 300 m2, phần còn lại giao cho Công ty Phát triển nhà Minh Hải quản lý.
Năm 1995, do hoàn cảnh khó khăn, ông Bình làm đơn gửi ngành chức năng xin phép cho nhượng lại một phần diện tích được cấp cho ông Nguyễn Văn Long (ngang 4 m, dài 30 m), và được chấp thuận. "Các giấy tờ liên quan đến việc cấp đất, tôi nộp lại cho Công ty Phát triển nhà Minh Hải khi đó để làm thủ tục tách thửa cho ông Long", ông Bình nói.
Biến cố xảy ra với gia đình đại tá công an vào năm 2013, ông Nguyễn Thanh Tuấn (bạn bè với ông Bình) kiện ông Bình ra tòa đòi lại phần đất 300 m2 mà ông Bình đang ở ổn định từ mấy chục năm trước.
Theo đơn khởi kiện của ông Tuấn, vào năm 1986, ông được cấp phần đất 1.000 m2, việc cấp đất bằng hình thức ghi tên trong danh sách cấp cho cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước (khi đó ông Tuấn công tác tại Ban quản lý HTX của tỉnh).
Ba năm sau, đất được cấp bị điều chỉnh, theo đó ông còn 300 m2. Đến năm 1990, do chỗ bạn bè nên ông cho ông Bình mượn phần đất trên cất nhà, hẹn khi nào cần thì phải trả lại.
Sau khi ông Tuấn khởi kiện ông Bình đòi đất, ngày 2/4/2013, Phòng Quản lý Đô thị TP.Cà Mau, có thông báo số 62/ BC – QLĐT về vụ tranh chấp đất giữa 2 ông, phần đất tọa lạc tại khóm 7, phường 5, TP.Cà Mau.
Báo cáo nêu rõ, khi kiểm tra sổ mục kê và bản đồ địa chính năm 1995, thì việc ký mục kê đứng tên Trần Việt Bình, thửa số 89, tờ bản đồ số 4, diện tích 270 m2.
Từ kết quả xác minh, Phòng Quản lý Đô thị TP.Cà Mau kết luận: Ông Trần Việt Bình ở trên phần đất này từ năm 1989 đến nay, có đăng ký sổ mục kê, bản đồ địa chính. Còn đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn, tuy ông Tuấn đòi lại phần đất trước đây cho ông Bình mượn nhưng không cung cấp được giấy tờ cho mượn, từ trước đến nay không sử dụng phần đất đang đòi, không có đăng ký sổ mục kê, bản đồ địa chính, từ đó yêu cầu đòi đất của ông Tuấn là không có cơ sở để xem xét.
Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm số 14/2014/DS-ST, HĐXX TAND TP.Cà Mau cho rằng: Tuy ông Tuấn chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vào thời điểm trước và khi ông Bình cất nhà đến năm 2002, UBND phường 5 có sổ theo dõi mang tên ông Nguyễn Thanh Tuấn.
Từ đó cho thấy việc sử dụng đất của ông Tuấn đã được cơ quan chức năng thừa nhận, nên buộc ông Bình hoàn trả lại giá trị bằng tiền trên phần đất 300 m2 mà ông Tuấn kiện đòi đất.
Vụ việc sau đó được TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm ngày 23/6/2015. Tại bản án số 134/2015/DS-PT cũng tuyên ông Bình thua kiện, đồng thời buộc ông Bình trả cho ông Tuấn giá trị đất, với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Đề nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm
Sau khi bị tuyên thua kiện, căn nhà là nơi duy nhất ông Bình thờ cúng người thân trong gia đình bị cưỡng chế thi hành án.
Trong khi đó, ông Bình là người được giao thờ cúng bà nội Trương Thị Hai là bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng anh ruột là liệt sĩ Trần Văn Mạnh.
Mất nơi thờ tự, ông Bình đành đưa lư hương, bài vị của người thân đến gửi nhờ để thờ cúng trong một căn phòng ẩm thấp, tồi tàn tại trụ sở UBND phường 5, TP.Cà Mau cũ để tiếp tục gửi đơn cầu cứu các cơ quan cấp trên.
Năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau sau đó có công văn số 233/HĐND - TT, gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao "Kiến nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm bản án số 134/2015/DS-PT ngày 23/6/2015 của TAND tỉnh Cà Mau, tuyên ông Bình thua kiện".
Công văn nêu: Thời gian gần đây, dư luận ở địa phương rất quan tâm về vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Thanh Tuấn với ông Trần Việt Bình... Căn cứ vào các chứng cứ, hồ sơ của vụ việc, Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau xét thấy, TAND 2 cấp tỉnh Cà Mau dựa vào những chứng cứ và đưa ra nhận định không đúng thực tế, thiếu khách quan, không đảm bảo căn cứ pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Những điểm bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND 2 cấp tỉnh Cà Mau đánh giá, nhận định, tuyên án không đúng với thực tế đã làm thay đổi tính chất, nội dung của vụ án.
Đặc biệt, công văn của Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau khẳng định: Bản án sơ thẩm số 14/2014/DS-ST ngày 12/2/2014, TAND TP.Cà Mau, và bản án phúc thẩm số 134/2015/DS-PT ngày 23/6/2015 của TAND tỉnh Cà Mau, trong quá trình xét xử đã vi phạm điều 65, điều 82, điều 83, điều 87 và điều 96 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004...
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 5/3/2019, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 134/2015/DS-PT ngày 23/6/2015 của TAND tỉnh Cà Mau.
Quyết định nêu rõ: Bản án số 14/2014/DS-ST ngày 12/2/2014 của TAND TP.Cà Mau và bản án số 134/2015/DS-PT ngày 23/6/2015 của TAND tỉnh Cà Mau đã chưa xem xét đầy đủ chứng cứ; tình tiết khách quan của vụ án, từ đó xét xử không đảm bảo căn cứ pháp lý; không phù hợp theo quy định của pháp luật.
Từ đó, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng áp dụng khoản 3 điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015: Hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau tuyên ông Bình thua kiện; đồng thời chuyển hồ sơ cho TAND TP.Cà Mau xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.
Đồng thời, Viện quyết định tạm đình chỉ bản án số 134/2015/DS-PT ngày 23/6/2015 của TAND tỉnh Cà Mau, cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
"Đã nhiều năm trôi qua, gia đình chúng tôi vẫn luôn chờ một quyết định cuối cùng của các cơ quan Trung ương, và tôi tin công lý sẽ được thực thi để gia đình có điều kiện thờ cúng tổ tiên đúng đạo con cháu", ông Bình nói trong xúc động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.