Cải cách tiền lương: Lao động ở những đơn vị này có thể không được tăng lương
Cải cách tiền lương: Người lao động ở những đơn vị này có thể không được tăng lương
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 07/06/2024 09:13 AM (GMT+7)
Đợt cải cách tiền lương sẽ được thực hiện trên quy mô rộng, tác động tới hầu hết người lao động cả khu vực công lẫn khu vực tư. Tuy vậy, khả năng vẫn có những nhóm lao động không được tăng lương.
Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là tới thời điểm Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương (ngày 1/7). Trong lúc này nhiều lao động đang băn khoăn liệu mình có được tăng lương không? Và nếu được tăng thì sẽ được tăng bao nhiêu?
Anh Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi) - viên chức trong đơn vị sự nghiệp công (đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ 100% - PV) nằm trong số 200 nhân viên cùng đơn vị đã đặt câu hỏi này tới ban lãnh đạo đơn vị.
Anh Tuấn chia sẻ: Nhiều lần anh cùng nhân viên của đơn vị nói bóng nói gió về việc tăng lương, và hỏi về mức lương mà nhân viên có thể được hưởng nhưng lãnh đạo đều im lặng.
Theo anh Tuấn, trước đây nhiều năm, đơn vị cũng đã xây dựng vị trí việc làm và tiền lương hiện tại đã được áp dụng theo vị trí việc làm này. "Tôi cứ ngỡ cải cách tiền lương là tăng lương đồng loạt, ai cũng được tăng lương và chúng tôi cũng vậy. Vậy nhưng, mới đây nghe sếp 'phàn nàn' về việc đơn vị khó khăn không có tiền để tăng lương thì tôi mới ngớ người ra", anh Tuấn băn khoăn.
Đại diện lãnh đạo một đơn vị sự nghiệp công lập đang tự chủ 100% tại Hà Nội cho biết đơn vị đang khá lúng túng trong việc thực hiện cải cách tiền lương cho nhân viên.
"Dưới góc độ quản lý, chúng tôi đều mong muốn sẽ có thể tăng lương cho cán bộ, nhân viên, tuy nhiên nguồn lực không đủ thì lấy gì tăng lương", vị này nói.
Hiện nay tiền lương của cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công được quy định cụ thể tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Theo đó, nghị định này quy định cụ thể mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là căn cứ để tính tiền lương, tiền thưởng cho người lao động.
Cũng theo vị lãnh đạo này, thực tế các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động tự chủ, chẳng khác gì một doanh nghiệp, vì thế mà "có làm mới có ăn". Mấy năm nay đơn vị ông làm ăn khó khăn, thu không đủ chi, nền tiền lương tăng liên tục gây nhiều sức ép cho tài chính của đơn vị. Giờ nếu cải cách tiền lương "buộc" phải tăng lương cho anh em nữa thì không biết lấy gì tăng lương.
"Với đơn vị tôi, chẳng cần tới cải cách tiền lương thì mới tăng lương cho anh em. Chỉ cần làm nên ăn ra, thì chúng tôi sẽ tự điều chỉnh tiền lương. Thực tế có những thời điểm, tiền lương lao động được xếp theo vị trí việc làm khá cao, nhưng khi làm ăn khó khăn chúng tôi lại phải tự cân đối tiền lương", vị này nói.
Mong muốn của anh Tuấn là mong muốn chung của người lao động. Tuy nhiên, với nhóm lao động trong đơn vị sự nghiệp công sẽ rất khó để có thể tác động vì tiền lương của nhóm này do đơn vị tự chi trả.
Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, thông tư quy định sau khi hạch toán đủ khoản thu, chi thường xuyên, nộp các khoản thuế, phí trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định nếu phần chênh lệch thu lớn hơn thì được sử dụng nguồn kết dư đó để trích thêm quỹ bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Mức chi thêm dựa vào mức độ tự chủ - từng nhóm tự chủ của đơn vị, được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ -CP.
Nghị quyết 27 cũng nhấn mạnh tới việc tạo nguồn để cải cách tiền lương. Theo đó, tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng ngành Y tế sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn thu do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu.
Trước đó, chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội quốc hội cho rằng việc tăng lương trong các đơn vị sự nghiệp tự chủ 1 phần hoặc tự chủ toàn phần sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Lương tăng thì chi phí sẽ tăng lên, điều này có thể làm khó cho các đơn vị.
"Các đơn vị sự nghiệp cần chủ động trong điều hành, quản lý nhằm tăng thu phục vụ cho việc tăng lương. Trong trường hợp các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, không thể cân đối tăng lương thì Nhà nước cần can thiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Có thể cho vay trả lương, hỗ trợ chi phí đầu tư công như: Trang thiết bị, máy móc... để doanh nghiệp ổn định hoạt động, tăng thu ngân sách từ đó lấy tiền đó đầu tư cho tăng lương", ông Lợi phân tích.
Song song với các giải pháp về điều tiết tiền lương, hỗ trợ với đơn vị không thể tự chủ chi tiền lương, ông Lợi cho rằng Nhà nước cũng cần phải có giải pháp tích cực trong việc kiểm soát giá, chống việc tăng lương một nhưng giá cả tăng mười lần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.