Lương giáo viên khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, trước lúc cải cách tiền lương là bao nhiêu?
Từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Do vậy lương giáo viên cũng đã được điều chỉnh từ thời điểm này.
Lương hiện nay của giáo viên như sau: Ở các bậc Tiểu học, THCS, THPT, lương thấp nhất là 4,212 triệu đồng và cao nhất là 12,204 triệu đồng.
Với giáo viên bậc Mầm non, lương thấp nhất là 3,780 triệu đồng và cao nhất là 11,484 triệu đồng.
Bảng lương chi tiết của giáo viên sau ngày 1/7/2023, trước khi cải cách tiền lương:
Mới đây, Hà Nội và các tỉnh thành tiếp tục tổ chức xét và thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II. Lương giáo viên sau khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao bao nhiêu đang là mối quan tâm của nhiều người.
Theo quy định, giáo viên từ Tiểu học đến THPT nằm trong nhóm bậc 3-6 đang có các mức lương tương ứng từ 4,470-5,945 triệu đồng sẽ được thăng hạng lên bậc 1 hạng II với mức lương mới 7,2 triệu đồng.
Giáo viên Mầm non bậc 1 hạng III lên bậc 1 của hạng II là từ 3,780 lên 4,212 triệu đồng.
Cải cách tiền lương: Sau thăng hạng chức danh, lương giáo viên cao bao nhiêu?
Mới đây Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cho biết trước Quốc hội, tiền lương của giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp khi cải cách tiền lương. Vậy, dự kiến thang bảng lương mới của giáo viên sẽ được xếp thế nào?
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng: "Thiết kế thang bảng lương theo vị trí việc làm cho công chức, viên chức ngành giáo dục là xứng đáng, tránh tình trạng như lâu nay 'tuổi cao lương càng cao', không hợp lý. Thế nhưng thiết kế tiền lương theo vị trí việc làm cũng phải linh hoạt, tùy từng ngạch, tùy từng bậc. Trong cùng 1 vị trí việc làm cũng cần có sự phân cấp. Muốn tạo ra được sự công bằng trong cách tính tiền lương thì đương nhiên phải đánh giá chất lượng của công chức đó. Muốn đánh giá chất lượng thì đương nhiên phải có thi hoặc xét nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp".
Tương tự, công chức làm ngành giáo dục cũng vậy, có những người cùng dạy một môn, công tác ở 1 vị trí nhưng năng lực chuyên môn khác, thâm niên giảng dạy khác, thì phải thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp.
"Bởi vậy, tôi cho rằng tới đây dù có cải cách tiền lương thì vẫn cần thi hoặc xét nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho công chức, viên chức ngành giáo dục, vì mỗi vị trí vẫn nên có cấp bậc khác nhau và tiền lương khác nhau", ông Thịnh chia sẻ thêm.
Chia sẻ thêm về câu chuyện tiền lương của giáo viên sẽ phải được ưu tiên xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, ông Thịnh cho rằng đây là cách tiếp cận đúng, ông ủng hộ phương án này. Bởi lẽ nghề giáo là nghề đào tạo nhân lực. Đầu tư cho giáo dục, là đầu tư cho con người. Con người là chủ thể trong sự phát triển vì thế giáo dục (giáo dục phổ thông và giáo dục kỹ năng) có mạnh thì xã hội đó mới phát triển được.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nhìn tổng thể thu nhập của nhà giáo hiện nay bao gồm tiền lương, cộng các khoản phụ cấp chức danh nghề nghiệp. Nhìn chung mức tiền lương của giáo viên đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.