Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ khẩn cấp tài xế lái xe khách tông dải phân cách ở Phú Yên khiến 3 người chết
Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, ngày 8/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Phú Yên xác nhận, Công an thị xã Sông Cầu đã thực thi lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế Phạm Quốc Huy (SN 1985, tỉnh Gia Lai), để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự.
Tài xế Phạm Quốc Huy điều khiển xe khách mang biển kiểm soát 50H-35547 chạy theo tuyến Đà Nẵng-Đà Lạt. Khi đến Quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu) vào lúc 1h sáng 8/2, đâm vào dải phân cách rồi lật nghiêng khiến 03 người tử vong tại chỗ và 26 người bị thương.
Danh tính nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn lật xe khách trên địa bàn gồm: Trần Thị Song Thương (22 tuổi, trú tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), Trần Công Anh (24 tuổi, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), Đỗ Thị Kim Chi (34 tuổi, trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Tài xế Phạm Quốc Huy (SN 1985, tỉnh Gia Lai) tại cơ quan công an. Ảnh: CA.
Xe khách này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Kim Chi (có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng) thuê lại của một công ty khác (có trụ sở tại TP.HCM). Xe có số chỗ ngồi theo quy định là 26 người nhưng tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có hơn 30 người.
Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên thông tin tài xế Phạm Quốc Huy âm tính với nồng độ cồn và ma túy nhưng không đủ các điều kiện theo quy định để điều khiển xe khách này.
Tài xế Huy chỉ có giấy phép lái xe hạng C (điều khiển ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe). Trong khi đó, người điều khiển ôtô chở người từ 10-30 chỗ ngồi phải có giấy phép lái xe hạng D, trên 30 chỗ ngồi phải có giấy phép lái xe hạng E.
Căn cứ xử lý hình sự về hành vi "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ"
Trao đổi với PV Dân Việt về vụ việc, Tiến sĩ Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây đau thương đến nhiều gia đình và cá nhân. Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện xe cơ giới phải có giấy phép lái xe phù hợp, tuân thủ các quy tắc để đảm bảo trật tự an toàn giao thông như đi đúng phần đường, đúng làn đường, làm chủ tốc độ và có chú ý quan sát…
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn là gì, xác định lỗi của người điều khiển phương tiện làm căn cứ để xem xét các dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Phía cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ người này có làm chủ tốc độ hay không, có chú ý quan sát hay không, có tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện này hay không.
Trường hợp vụ tai nạn xảy ra do lỗi kĩ thuật, không có lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông thì người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người này có lỗi trong quá trình điều khiển phương tiện là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn xảy ra thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Cụ thể, với hậu làm 03 người chết, 26 người bị thương tài xế này có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm theo quy định tại Khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong vụ việc này, bước đầu cơ quan chức năng xác định người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe phù hợp. Đây là lỗi vi phạm hành chính không phải là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự mà có thể là tình tiết để tăng nặng hình phạt. Người không có giấy phép lái xe hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp không tất yếu dẫn đến vụ tai nạn giao thông xảy ra, đó chỉ có thể là nguyên nhân thúc đẩy làm cho nguy cơ xảy ra cao hơn và tính chất có thể nghiêm trọng hơn.
Đồng thời, người phạm tội phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân tử vong và bị thương bao gồm chi phí mai táng, chi phí nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân phải cấp dưỡng, chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền phục hồi chức năng, tổn thất về tinh thần.
Cũng theo luật sư Cường, trong trường hợp người gây tai nạn giao thông là người làm công của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải bồi thường trực tiếp cho các nạn nhân sau đó yêu cầu người gây tai nạn bồi hoàn trả lại.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi của người điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để xử lý đối với hành vi này. Nếu người quản lý doanh nghiệp biết rõ người này không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện nhưng vẫn giao phương tiện cho người này điều khiển dẫn đến tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì người giao phương tiện cho người này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 263 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.