Cặp vợ chồng người K’Ho ở Lâm Đồng trồng loài hoa tình yêu mà có của ăn của để

Văn Long Thứ ba, ngày 21/02/2023 12:43 PM (GMT+7)
Nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và được sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), gia đình anh Bon Yô Soa đã có vốn đề đầu tư trồng hoa hồng, phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Những ngày đầu năm 2023, phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt có cơ hội đến vùng chuyên trồng hoa hồng của người dân huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) dưới chân núi Langbiang. Tại đây, những gian nhà kính cao ráo, bên trong những cây hoa hồng đã phát triển xanh tốt khiến người dân vô cùng phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) giới thiệu chúng tôi đến gặp vợ chồng anh Bon Yô Soa và chị Kơ Să K’Chin, dân tộc K'Ho (tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương). Đây là một trong những gia đình tiêu biểu trong chương trình vay vốn, phát triển kinh tế, thoát nghèo tại địa phương.

Cặp vợ chồng người K’Ho được vay vốn, trồng hoa hồng thoát nghèo - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Bon Yô Soa và chị Kơ Să K’Chin, người dân tộc K'Ho đang chăm sóc, kiểm tra vườn hoa hồng đã giúp gia đình anh thoát nghèo trong mấy năm qua.

Đang cắt hoa hồng trong khu nhà kính rộng 1.500m2 của gia đình mình, chị Kơ Să K’Chin cho biết, trước đây, diện tích đất trên được vợ chồng anh trồng cà phê. Tuy nhiên, diện tích đất trồng cà phê không mang lại năng suất cũng như giá cả bấp bênh. Chính vì vậy, vợ chồng anh Soa, chị K'Chin luôn thuộc diện hộ nghèo của thị trấn Lạc Dương.

Cặp vợ chồng người K’Ho được vay vốn, trồng hoa hồng thoát nghèo - Ảnh 2.

Gia đình anh Soa luôn thuộc diện hộ nghèo vì không có sinh kế, không có nguồn lực để phát triển kinh tế.

"Năm 2020, do nghèo khó nên gia đình tôi được chính quyền địa phương tuyên truyền về việc vay vốn để làm kinh tế, thoát nghèo. Dù sợ không trả nổi tiền vay, nhưng được sự tư vấn và hỗ trợ của cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lạc Dương, chúng tôi đã vay vốn từ Ngân hàng chính sách để chuyển đổi cây trồng trên mảnh đất của mình.

Sau khi vay được vốn, gia đình tôi đã làm nhà kính để trồng hoa hồng. Đến nay cây hoa hồng đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định với hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm, vợ chồng tôi còn mua được 3 con bò, trồng dâu tây và mua được thêm 4 sào đất tại huyện Lạc Dương. Hiện nay, nhà tôi chỉ còn nợ Ngân hàng chính sách khoảng 100 triệu đồng, dự kiến đến năm nay sẽ trả hết", anh Soa đứng cạnh đó tiếp lời vợ.

Cặp vợ chồng người K’Ho được vay vốn, trồng hoa hồng thoát nghèo - Ảnh 2.

Nhờ có hoa hồng, gia đình chị K'Chin đã có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Theo bà Huệ, có nhiều hộ gia đình khác tại Lạc Dương cũng thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách, phát triển kinh tế. Tại xã Đạ Sar có chị Dơng Gur Ha Uyên, Kon Sơ Ha Thuyn hay Lơ Mu Ha Xuân. Xã Đạ Nhim có gia đình Kơ Să Ha Sa Vel, Lơ Mu Ha Naly hay Kon Sơ Ha Lâu đều đã thoát nghèo trong năm 2022.

Cặp vợ chồng người K’Ho được vay vốn, trồng hoa hồng thoát nghèo - Ảnh 4.

Các hộ nghèo, trong đó có các hộ đồng bào dân tộc K'Ho ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng được tư vấn, hỗ trợ vay vốn, tạo sinh kế phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết thêm, tính đến cuối năm 2022, huyện đã cho 189 hộ gia đình vay vốn sản xuất với hơn 9,5 tỷ đồng. Trong năm 2022, Phòng thường xuyên tuyên truyền cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục tiếp cận các chương trình vay vốn sản xuất, chuyển đổi cây trồng và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Cặp vợ chồng người K’Ho được vay vốn, trồng hoa hồng thoát nghèo - Ảnh 3.

Tính đến cuối năm 2022, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã cho 189 hộ gia đình vay vốn sản xuất với hơn 9,5 tỷ đồng.

"Công tác giảm nghèo được triển khai sớm nên các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, được người dân tham gia ủng hộ. Trong năm 2022, tỷ lệ hộ thoát nghèo tại các xã, thị trấn đều đạt và vượt so với kế hoạch được gia từ đầu năm.

Có được kết quả khả quan như vậy là nhờ việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững được lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư, chương trình vay vốn ưu đãi...Trong năm 2023, chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, thị trấn. 

Mục tiêu năm 2023 của huyện Lạc Dương là tỷ lệ hộ nghèo giảm chung từ 2-2,5%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 2,5-3%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chung 2%, tỷ lệ hộ cần nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%", Bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem