Cuộc sống nhiều khó khăn, biến cố có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chính vì thế trong hôn nhân vợ chồng rất cần phải yêu thương và hy sinh vì nhau. Thế nhưng mọi sự sự hy sinh phải được ghi nhận và đền đáp lại xứng đáng.
Oanh (31 tuổi) chia sẻ vợ chồng cô kết hôn đến nay được 4 năm, con trai đầu lòng vừa tròn 3 tuổi.
"Sau đám cưới không lâu thì tôi mang thai, trùng hợp mẹ chồng không may bị bệnh nặng. Sức khỏe của bà giảm sút, không thể một mình quản lý được cửa hàng kinh doanh đang đông khách. Chồng bảo tôi nghỉ làm về nhà dưỡng thai chờ sinh con, đồng thời phụ việc cho mẹ chồng", Oanh kể.
Oanh chưa bao giờ có ý định nghỉ làm, về phụ mẹ chồng lại càng không thoải mái. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ càng, cô vẫn chấp nhận từ bỏ công việc và sự nghiệp của bản thân, ở nhà chăm con, phụ cửa hàng với mẹ chồng trong những năm qua.
Trong cuộc sống, Sang - chồng Oanh đối xử với vợ con không đến nỗi nào. Mẹ chồng Oanh không trả lương cho con dâu nhưng chi tiêu sinh hoạt hàng ngày bà khá rộng rãi với con cháu.
Rõ ràng Oanh chịu thiệt thòi khi phải làm đủ thứ việc nhưng lại không hề được trả lương. Tuy nhiên cô nghĩ đơn giản, đều là người thân cả, sao phải quá tính toán. Nghĩ xa hơn thì sau này mọi thứ của mẹ chồng đều dành cho con cháu. Bởi thế Oanh hài lòng với cuộc sống cứ diễn ra như vậy.
Cho đến hôm vừa rồi, giữa lúc vợ chồng ân ái nồng nàn, Oanh đưa tay vuốt ve lưng chồng thì Sang đột ngột hất tay cô xuống. "Khiếp quá đi!", anh gắt gỏng với vợ.
“Có thể đó là 1 chuyện nhỏ nhặt chẳng có gì, là một lời nói nhỡ miệng từ anh ấy. Chồng tôi cũng quên bẵng đi ngay lập tức sau khi giải thích qua loa với vợ. Nhưng cả đêm ấy tôi lại mất ngủ thì quá thất vọng và chua chát…”, Oanh nói.
Sang chưa làm điều gì quá đáng và có lỗi với Oanh. Nhưng cô nhận ra những vất vả hy sinh của bản thân từ trước tới nay chưa bao giờ được ghi nhận. Nếu Sang thương và hiểu cho cô, anh sẽ phải cảm thấy xót xa trước đôi bàn tay chẳng hề nhẵn mịn, mềm mại của vợ mới phải.
Chính đôi bàn tay ấy ngày ngày soạn hàng, đóng hàng, bê vác những thùng hàng cả mấy chục cân cho mẹ chồng. Đôi bàn tay ấy ngày nào cũng lau dọn nhà và lau chùi cửa hàng đến vài lượt vì mẹ chồng Oanh ưa sạch sẽ. Đôi bàn tay nấu nướng, giặt giũ cho cả nhà, giã thuốc cho mẹ chồng ngâm chân.
Nhờ có bàn tay Oanh mà căn nhà và mọi thứ được ngăn nắp, chỉn chu, ổn định như hiện tại. Cửa hàng của mẹ chồng cô vẫn kinh doanh đều đặn, thu nhập thậm chí còn tăng cao hơn trước.
Song cũng bởi vì thế mà bàn tay cô chẳng còn được nhẵn mịn, mượt mà như khi trước Oanh là cô nhân viên văn phòng. Nhưng điều mà Sang nhìn thấy chỉ là làn da tay thô nhám, gây ra cảm giác khó chịu của vợ. Anh chưa bao giờ thấm thía nguyên do vì sao nó trở nên như thế để thương xót và chia sẻ với cô.
Oanh kể: “Sau khi suy nghĩ kỹ càng tôi thông báo với chồng và mẹ chồng rằng mình sẽ đi làm lại. Họ hỏi tôi vậy việc nhà việc cửa phải làm thế nào và để cho ai? Tôi bảo đó không phải trách nhiệm của tôi, tôi đi làm có lương sẽ đóng góp chi tiêu hàng ngày…”.
Cô cần có cuộc sống và sự nghiệp của riêng mình để có thể lúc nào cũng đứng vững cho dù xảy đến chuyện gì. Như hiện tại, công lao và sự thiệt thòi của Oanh không được chồng ghi nhận, điều đó đã đủ tủi thân và chạnh lòng. Chẳng may có biến cố ập đến, Oanh có gì để mang ra khỏi nhà chồng? Hay chỉ là đôi bàn tay trắng và thêm đứa con nhỏ?
“Tôi phải gây dựng thứ thuộc về mình, hôn nhân suy cho cùng cũng chỉ là 1 phần trong cuộc sống, tại sao tôi phải như con thiêu thân quên cả mình vì nó? Ban đầu chồng và bố mẹ chồng tôi rất giận, bởi họ đã quen có tôi làm việc không lương lại tin tưởng tuyệt đối. Nhưng tôi kiên quyết, họ cũng đành phải chịu”, Oanh chia sẻ.
Cô nói sau đó mẹ chồng cô thuê người phụ giúp, Oanh đi làm có lương cùng chồng đóng góp cho gia đình. Mọi thứ thoải mái, vui vẻ và Sang thậm chí còn cư xử tôn trọng với vợ hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.