Chị đẹp Cơ Tu lập hợp tác xã, mang đặc sản núi rừng Quảng Nam xuống phố
Chị đẹp Cơ Tu lập hợp tác xã, mang đặc sản núi rừng Quảng Nam xuống phố
Trần Hậu - Hiền Thúy
Thứ bảy, ngày 16/03/2024 14:14 PM (GMT+7)
Dám nghĩ, dám làm, chị Koor Thị Nghệ (32 tuổi, trú xã Ga Ri, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã quyết tâm khởi nghiệp với đặc sản của núi rừng, với ước mơ “đổi đời” cho đồng bào dân tộc Cơ Tu quê mình.
Sinh ra và lớn lên ở nẻo cao của núi rừng Trường Sơn, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa Quảng Nam và Lào, chị Koor Thị Nghệ trải qua một tuổi thơ cơ cực, nghèo khó với những bữa đói, bữa no.
Với mong muốn thoát cảnh đói nghèo luẩn quẩn, chị miệt mài với con chữ và tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm năm 2015. Nhưng tìm kiếm mãi vẫn chưa có việc làm, cộng thêm kinh tế gia đình khó khăn, chị quyết định rẽ hướng đi mới là khởi nghiệp buôn bán nông sản sạch.
Chị Nghệ tâm sự: "Sống ở núi rừng Tây Giang xa xôi, đồng bào Cơ Tu vùng cao mỗi khi vào mùa thu hoạch nông sản phải chạy xe máy hàng chục cây số đường đèo xuống trung tâm huyện bán, chờ thương lái lên mua thì ép giá rất rẻ.
Đa số bà con trồng nông sản nhưng ăn không hết, để rụng rồi vứt, làm thức ăn cho bò, heo, gà, chứ không thu được đồng tiền nào từ nó. Vì thế, đói nghèo vẫn cứ dai dẳng. Trăn trở với điều đó, tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng việc thu mua và tiêu thụ hàng nông sản giúp bà con".
Chị thu mua nông sản các loại của người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao như Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm, Ga Ri để vận chuyển xuống trung tâm huyện bán, rồi lại mua các hàng vật dụng thiết yếu chở ngược lại xã bán cho bà con.
Trong những lần thu mua nông sản của người đồng bào Cơ Tu, chị Nghệ nhận thấy chất lượng nông sản tốt, tạo được sự tin tưởng với khách hàng nên đầu tư nhân giống trồng tại vườn nhà.
Và để thuận tiện hơn trong khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản, tháng 12/2021, chị thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch với 22 thành viên tham gia. Sau gần 3 năm hoạt động, đến nay hợp tác xã đã hoạt động ổn định, bao tiêu số lượng lớn nông sản của người dân địa phương và các vùng lân cận như: dưa meo, kiệu, gừng, lá đẳng sâm, bí, bầu, chuối, măng, đậu các loại....
Chị Nghệ cho hay, ngoài việc thu mua nông sản do bà con tự mang đến, thì cứ hai ngày các thành viên hợp tác xã sẽ chia nhau xuống từng khu dân cư thu mua. Sau đó tập kết, phân loại, đóng gói vận chuyển cho các công ty, siêu thị tại thành phố Đà Nẵng và các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Những chuyến hàng mang nông sản miền núi rất được người dân thành thị yêu thích. Bởi đây là những rau, củ, quả sạch, được người đồng bào Cơ Tu canh tác theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên nên an toàn, tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, lá đẳng sâm, dưa meo, măng rừng là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng và bán rất chạy. Trung bình mỗi tuần, hợp tác xã vận chuyển 2-3 chuyến hàng xuống phố, trừ đi chi phí cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng.
Tạo cầu nối giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững hơn, chị Nghệ mạnh dạn vay ngân hàng 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy sấy nông sản. Nhờ đó, nhiều nông sản sạch được sơ chế, chế biến để bảo quản được lâu hơn, gia tăng giá trị và có thể đến được với người tiêu dùng cả nước.
Cùng với đó, hợp tác xã hình thành vùng trồng nguyên liệu rộng lớn gồm có: cam bản địa, táo mèo, bưởi da xanh, măng, ớt xiêm, chuối.... Ngoài ra, hợp tác xã còn mở một quầy hàng nhỏ bán nông sản, thổ cẩm vùng cao tại thành phố Đà Nẵng. Trong đó có nhiều mặt hàng thực phẩm đặc sắc như thịt trâu gác bếp, thịt heo xông khói, bắp nếp, dứa mật....
Chia sẻ về những khó khăn trong hành trình khởi nghiệp, chị Nghệ bộc bạch: "Huyện Tây Giang nằm cách thành phố Tam Kỳ khoảng 160km, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 120km, địa hình núi cao, hiểm trở. Vì lẽ đó, nông sản của đồng bào Cơ Tu khi vận chuyển xa thường hư hỏng và chi phí phát sinh cao, nhiều lần tôi bị lỗ vốn.
Nhưng khi thấy bà con vui mừng vì bán được hàng thì tôi cũng phấn khởi, cảm thấy bản thân đang góp phần giúp họ thực hiện được ước mơ đổi đời từ nông sản do chính mình làm ra".
Thời gian qua, được chính quyền địa phương và các cấp ban, ngành hỗ trợ, chị tích cực đưa nông sản của núi rừng Tây Giang tham gia các hội chợ, triển lãm khắp các tỉnh thành. Chị Nghệ vừa hăng hái bán nông sản sạch giúp bà con, vừa quảng bá nét đẹp văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ Tu vùng biên giới.
Hiện nay, hợp tác xã vẫn đang từng bước hoàn thiện các quy trình để mang đến các loại thực phẩm sạch, an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế miền núi. Đồng thời, giúp người dân quen dần với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, biết mở rộng diện tích giống cây trồng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Bà Bríu Thị Kinh – người dân thôn Arooi (xã Ga Ri) phấn khởi nói: "Nhà tôi trồng rất nhiều cây đẳng sâm, bắp, đậu các loại, măng rừng. Ngày nào tôi cũng tranh thủ thu hoạch và mang bán cho hợp tác xã, kiếm được 300.000-500.000 đồng. Nhờ có hợp tác xã mà người dân trong bản làng không còn cảnh vứt nông sản cho heo, bò ăn, không lo bị ép giá, những đứa trẻ được sắm quần áo ấm...".
Tuy mới thành lập, nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch được xem là điểm tựa giúp bao tiêu các mặt hàng nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương và các vùng lân cận. Qua đó, tiếp thêm động lực để họ yên tâm sản xuất, chăm sóc các loại rau, đậu, củ, quả đúng tiêu chuẩn an toàn, vươn lên xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.