Chủ tịch UBND xã ở Quảng Nam nói về gà hỗ trợ được cấp cho trưởng thôn và chị dâu?
Chủ tịch UBND xã ở Quảng Nam nói về gà hỗ trợ được cấp cho trưởng thôn và chị dâu?
Trương Hồng
Thứ ba, ngày 09/01/2024 16:02 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Bình Lâm khẳng định với PV về số gà nhà nước hỗ trợ được nuôi nhốt trong nhà mẹ đẻ là của chị dâu chứ không phải của gia đình ông như dư luận phản ánh.
Vừa qua, nguồn tin dư luận ở xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) rằng, có hàng trăm con gà được nhà nước cấp theo Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025, nhưng lại cấp không rõ ràng, có người nhận gà là trưởng thôn, chị dâu của Chủ tịch UBND xã.
Để tìm hiểu rõ, PV Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam. Ông Sơn cho biết, năm 2023 có 5 chương trình phát triển sản xuất và hỗ trợ cho người dân địa bàn, trong đó nguồn hỗ trợ gà từ năm 2022 chuyển sang, cho nên làm các thủ tục giải ngân trước 30/6/2023.
Trong quá tình thực hiện dự án, bản thân ông là Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chính về vấn đề này, nhưng trong năm 2023 thiếu cán bộ nông thôn mới phụ trách trực tiếp chương trình, không có ai tham mưu. Cũng trong thời gian này, ông đang đi học lớp chính trị.
"Tôi thấy nguồn hỗ trợ này cho người dân là rất chính đáng, phải làm nhanh. Trong quá trình làm, có sự phối hợp của Hội Nông dân (HND) xã để thực hiện dự án.
Do bận đi học nên tôi đã bàn bạc và giao trách nhiệm cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cùng với HND xã tổ chức xét chọn các đối tượng ở các thôn và lập danh sách đưa vào phương án thực hiện dự án này.
Trong đó, HND xã là người trực tiếp đi khảo sát tại các thôn, trong đó có trường hợp của 2 trưởng thôn và một trường hợp là chị dâu của mình được cấp gà", ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Sơn nói thêm, bản thân chị dâu ông có nhà riêng, ở riêng, khi nghe tin về gà hỗ trợ, tự chị ấy đi đăng ký tại HND xã.
"Còn việc khi chị ấy nhận gà về nuôi nhốt trong nhà mẹ tôi là do chỗ chuồng nhốt gà trong nhà mẹ đẻ tôi được chị dâu tôi mượn, bỏ tiền ra sửa lại để nuôi gà.
Chứ ban đầu khu đó là là trại nấm của tôi, do điều kiện lao động của mình không đảm bảo nên tôi đã nghỉ trồng nấm.
Đến năm 2022, có một HTX trồng nấm thuê lại trại nấm của tôi để nuôi trồng nấm, cũng trong năm 2022 tôi cũng bị tai tiếng về chuyện nấm hỗ trợ của nhà nước sao lại "chạy" vào nhà Chủ tịch UBND xã. Sau khi bị mang tiếng vụ nấm, tôi đã không cho đơn vị đó thuê trại nuôi nấm nữa", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, trong quá trình đi học về, ông đã nghe nhiều thông tin của người dân bàn tán về chuyện nhận gà. Sau đó, ông đã gọi chị dâu lên và yêu cầu hủy hợp đồng (hợp đồng nhận nuôi gà trong thời gian 3 năm- PV), việc nhận gà hỗ trợ nhằm tránh mang tiếng vì gà được nuôi nhốt trong nhà mẹ ông.
"Tôi khẳng định số gà nuôi nhốt trong nhà mẹ tôi không phải của tôi, mà là của chị dâu… Quy định được cấp theo phương án đầy đủ, phương án này sau khi kiểm tra đã được trình lên hội đồng thẩm định của UBND huyện Hiệp Đức, sau đó UBND huyện thống nhất phê duyệt rồi mới thực hiện dự án. Chứ không phải đùng một cái là nhận gà ngay", ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn nói thêm, đối với gà của trường hợp ông Lê Văn Tá (Trưởng thôn Nhứt Đông) và ông Trương Văn Đào (Trưởng thôn Ngọc Sơn). Cả 2 ông này và chị dâu ông đều được hội đồng thẩm định xem xét, rồi hội đồng mới cấp gà.
"Đối với trường hợp ông Lê Văn Tá là có con bị khuyết tật, còn trường hợp ông Trương Văn Đào nằm trong trường hợp người có công cách mạng, đối tượng được ưu tiên.
Ngoài số gà cấp cho ông Tá, ông Đào và chị dâu ra, số gà còn lại 2.100 con đã được cấp hết cho người dân được xét chọn. Trong đó, có đối tượng người có công, người khó khăn không có lao động việc làm", ông Sơn thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Sơn, sau khi nhận thông tin, ông đã đề nghị Ban thường vụ Đảng ủy xã tổ chức kiểm tra hết lại và công khai cho minh bạch trong dư luận.
"Hiện Đảng ủy xã chỉ đạo cho Mặt trận xã cùng các hội đoàn thể thành lập một đoàn đi kiểm, giám sát toàn bộ lại quy trình, kể cả các đối tượng.
Hiện đoàn kiểm tra đã thu tập hồ sơ để từ đó có kết luận rõ ràng. Khi có kết luận, đúng thì thôi, còn nếu sai thì phải chấp nhận, chịu trách nhiệm, nếu trong trường hợp tôi làm sai tôi cũng nhận trách nhiệm…", ông Sơn quả quyết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.