Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đi giữa trời rực rỡ khi phát sóng đã gây ấn tượng với khán giả bởi cảnh sắc Cao Bằng hùng vĩ và nên thơ. Nhân vật chính là sơn nữ tên Pu do nữ diễn viên trẻ Thu Hà Ceri đóng. Vì sinh ra trong gia đình nghèo khó nên khi Pu đỗ Đại học ở thành phố, bố của Pu không muốn con gái đi học mà định gả cô vào làm dâu gia đình ông Chiểu giàu có nhất vùng để trả nợ. Vì ông Xuồn - bố của Pu vay một số tiền lớn từ nhà Chải - con trai ông Chiểu. Chải yêu say đắm Pu nên tìm mọi cách ngăn cản cô xuống thành phố học và muốn bố "bắt cưới" Pu cho bằng được.
Ngoài những lời khen về cảnh thiên nhiên vùng cao kết hợp với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, khán giả đưa ra ý kiến trái chiều về cách sử dụng trang phục, phong tục tập quán của người Dao đỏ bị cho là chưa phù hợp với thực tế.
"Người Dao không mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ đi chăn trâu như trong phim. Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng như: lễ, Tết, đám cưới thôi"; "Cách buộc khăn đầu kia sai cách, các chị các cô đeo không bị luộm thuộm như trên màn ảnh nhỏ"; "Người Dao không hề coi thường nữ giới. Phụ nữ và đàn ông trong gia đình ngang hàng"... là những bình luận của khán giả khi theo dõi bộ phim.
Chia sẻ với truyền thông, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho biết: "Trang phục của nữ, hiện tại là đúng. Việc sử dụng những bộ đó cho lao động tôi cũng xin ý kiến của Sở Văn hóa Cao Bằng và có Phòng Văn hóa huyện Nguyên Bình hỗ trợ tư vấn, có bà con địa phương và cố vấn đoàn làm phim trong lúc ghi hình".
Đạo diễn cũng giải thích về trang phục của nhân vật nam chính Chải: "Cậu Chải trong phim là người miền núi thích hiphop, thích flexing, phá cách kiểu nghịch ngợm, trẻ trâu. Luôn tự cho mình có những hành động kỳ quặc để thể hiện với Pu và đám đệ tử của mình. Kể cả việc Chải tự "mix" trang phục của mình cũng kỳ lạ như vậy.
Ngoài ra, Chải bị mất mẹ từ nhỏ, luôn nhớ mẹ và luôn muốn giữ những kỷ vật của mẹ mình. Yếm đó là của nữ và cũng chính là của mẹ Chải. Sau này có những giải thích về chuyện đó. Chải thần tượng những "người miền núi chất" và thích được tỏa sáng như những cô cậu miền núi chất".
Chia sẻ với PV Dân Việt, TS. Võ Mai Phương – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: "Là người nghiên cứu về dân tộc Dao, tôi cảm nhận rằng, bộ phim lấy bối cảnh người Dao đỏ ở vùng Đông Bắc. Ở bên Tây Bắc người Dao đỏ mặc khác với phim này. Trang phục của người dân tộc Dao đỏ thường phân biệt rõ trang phục ngày thường và trang phục lễ, Tết. Có những dân tộc khác, không có sự phân biệt này mà đơn giản chỉ phân biệt 2 loại quần áo cũ để mặc lao động và quần áo mới để mặc trong hội hè, lễ, Tết. Nhưng đối với người Dao đỏ họ có phân biệt khá rõ sự khác nhau giữa 2 loại trang phục này.
Có lẽ khi làm phim này đạo diễn chưa tìm hiểu cộng đồng Dao đỏ xung quanh bối cảnh quay phim. Có thể một gia đình người Dao có cách mặc này nhưng nó không đại diện cho cả cộng đồng. Đối với người dân tộc, nếu như mới tiếp xúc thì họ khá khách sáo với người lạ. Vì vậy nhiều khi người chưa quen đặt câu hỏi về điều gì đó đúng hay sai, họ có thể cũng không trả lời rõ. Nên cần có cái nhìn chung về bối cảnh, muốn tìm hiểu phải nhìn rộng cả cộng đồng sống ở bối cảnh đó".
Chia sẻ về việc khán giả phản ứng trái chiều về trang phục lao động của nhân vật Pu, TS. Võ Mai Phương nói: "Tôi thường nghiên cứu trang phục người Dao ở mạn Lào Cai - Yên Bái, thường họ không đeo bông đỏ rực rỡ như trong phim. Trong sinh hoạt, lao động hàng ngày họ mặc các quần áo cũ, trang trí giản lược hơn rất nhiều. Vào lễ hội, họ mặc bộ mới trang trí sặc sỡ. Với bộ trang phục hàng ngày của nữ sẽ không có trang trí bông đỏ như bộ của nhân vật Pu, chi tiết này thường chỉ dành cho trang phục của ngày hội hè, lễ Tết, đám cưới, hoặc dịp đặc biệt.
Theo tôi hiểu, có thể phim muốn gây ấn tượng nên cách điệu hơn, nhưng khi người ta mặc nguyên cả bộ sặc sỡ như vậy đi lao động hàng ngày thì không hợp lý".
Trang phục lễ hội của người dân tộc Dao đỏ ở Nguyên Bình, Cao Bằng do TS. Võ Mai Phương cung cấp. Ảnh: Võ Mai Phương
Với sự phá cách khi nhân vật Chải mặc đồ có chi tiết phụ nữ, TS. Võ Mai Phương bày tỏ quan điểm: "Đối với trang phục nam, nhân vật Chải có phá cách nhưng theo tôi nó ảnh hưởng đến nét văn hóa của người Dao đỏ. Tôi thấy khó chấp nhận được vì Chải mặc cả chi tiết của nữ. Điển hình là cái yếm đeo, Chải đeo ở ngực và tấm vải quấn ngang hông. Bộ trang phục nam của dân tộc Dao không có chi tiết đó.
Có thể khi đạo diễn giải thích, tôi hiểu được nhưng nếu chỉ nhìn bằng hình ảnh thì thấy có sự sai lệch trong trang phục truyền thống. Bằng cách nào đó đạo diễn phải có sự giải thích trên phim vì nó không đúng với phong tục tập quán, trái với văn hóa người Dao đỏ.
Đối với trang phục người Dao đỏ, thường nếu nam mặc trang phục nữ thì chỉ khi có yếu tố tâm linh. Ví dụ trong các lễ cúng, ông thầy cúng mặc bộ của nữ nhưng mặc nguyên cả bộ, chứ không phải mặc riêng từng chi tiết như trong phim này. Người ta lý giải là xuất phát điểm thầy cúng của người Dao là nữ. Sau này là nam, theo truyền thuyết để lại người thầy cúng nam vẫn mặc bộ của nữ trong các nghi lễ.
Ở đây, việc phá cách của nhân vật Chải chắc chắn có ý đồ của đạo diễn, Chải mặc đồ của mẹ để nhớ về mẹ. Chải còn quấn ở thắt lưng một tấm vải cũng từ trang phục của nữ. Chi tiết này không biết nhân vật mặc để nhớ về mẹ không nhìn vào hình ảnh thì sẽ khó chấp nhận.
Đây là những ý kiến ở góc độ của người ngoài nhìn vào cộng đồng, còn nếu là người Dao thì họ có phản ứng cũng dễ hiểu. Họ sẽ phản ứng ngay nếu thấy có điều gì đó không đúng về bản sắc văn hóa của cộng đồng của mình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.