Chuyện ít biết về làng kháng chiến giữa lòng Thủ đô Hà Nội

Duy Huy Thứ ba, ngày 28/02/2023 14:15 PM (GMT+7)
Làng chài Võng La (xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) nổi danh là làng kháng chiến anh hùng những năm đầu chống Pháp.
Bình luận 0

Từ làng chài đến làng kháng chiến

Để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Đảng bộ Hà Nội lúc bấy giờ là Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã làm công tác chuẩn bị cơ sở, lực lượng trong một thời gian dài, rất bền bỉ. Trong đó có việc xây dựng an toàn khu (ATK) ở các huyện ven đô là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Võng La cho biết: Năm 1941, hạt giống cách mạng được Đảng gieo xuống mảnh đất Võng La đã nảy mầm. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thành lập tổ Việt Minh đầu tiên tại làng Võng La với 3 thành viên đều là những người con của Võng La.

Chuyện ít biết về làng kháng chiến giữa lòng Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.

Ngôi làng chài Võng La.

Đến năm 1942, cũng tại Võng La, thay mặt Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã kết nạp 3 thành viên của tổ Việt Minh vào Đảng và thành lập Chi bộ do đồng chí Phan Thanh Xuân làm Bí thư (nay là Đảng bộ xã Võng La). Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đông Anh.

Nhiệm vụ chính trị của Chi bộ Võng La là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cuộc họp và nơi làm việc của các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng tại địa phương.

Ông Vũ Tiến Thìn – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Võng La chia sẻ thêm: "Làng tôi ở rìa sông Hồng, các cụ kể lại cả làng đi theo kháng chiến, tất cả phục vụ cho kháng chiến, từ nhà cửa, vườn tược, không ai tiếc điều gì cả. Có những gia đình đã hy sinh đến người cuối cùng cho sự bình yên cuộc sống hôm nay".

Đứng trên nhà Truyền thống An toàn khu, ông Thìn kể rằng, đầu năm 1941, một vùng ATK của Hà Nội được xây dựng ở hai bên sông Hồng. Trung ương Đảng đã cử đồng chí Trần Thị Sáu, là cán bộ dân vận về làng Võng La xây dựng cơ sở cách mạng bí mật, do nơi đây rất thuận tiện liên lạc giữa Hà Nội với chiến khu.

Để che mắt địch, chị Sáu đã đóng vai một người phụ nữ nghèo, kiếm sống bằng nghề khâu thuê vá mướn để dễ dàng tiếp xúc với quần chúng. Do quen biết bà Hoàng Thị Cốc - người thường mang đậu phụ qua sông vào nội thành Hà Nội để bán nên chị Sáu đã ở nhờ nhà bà.

Chuyện ít biết về làng kháng chiến giữa lòng Thủ đô Hà Nội - Ảnh 3.

Tấm bia di tích Cách mạng kháng chiến làng Chài được đặt tại Nhà truyền thống của xã. Ảnh: Trần Huấn.

Chị Sáu đã vận động xây dựng cơ sở cách mạng bí mật tại gia đình bà Hoàng Thị Cốc. Được sự ủng hộ, gia đình bà Cốc trở thành nơi cất giấu sách báo và tài liệu tuyên truyền cách mạng.

Từ cơ sở bí mật đầu tiên của Đảng ở nhà bà Cốc, những "hạt giống cách mạng" của Võng La đã xuất hiện, sau này phát triển thành 12 cơ sở cách mạng. Các gia đình cơ sở đã đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật, như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hà Huy Giáp ở và làm việc từ tháng 7/1941 đến tháng 8/1945.

"Võng La trở thành làng kháng chiến như thế!", ông Thìn xúc động.

Làng kháng chiến anh hùng

Bà Lê Thị Bao, nhân chứng lịch sử còn lại trong những ngày tháng không quên ở Võng La lần giở những mảnh ký ức xa xôi: "Ngày các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về làng hoạt động bí mật, tôi vẫn còn nhỏ lắm. Nhưng những ký ức ngày ấy tôi vẫn không thể nào quên. Cụ Trường Chinh còn cõng tôi, dạy tôi bài hát về con muỗi…", bà Bao kể chuyện. 

Chuyện ít biết về làng kháng chiến giữa lòng Thủ đô Hà Nội - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Bao, nhân chứng lịch sử còn lại trong những ngày tháng không quên ở Võng La. Ảnh: Trần Huấn.

Ông Hoàng Hữu Cam - con trai bà Nguyễn Thị Đại, một trong những gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng năm ấy, kể lại: Bất chấp sự khủng bố và rình mò thường xuyên của địch, Võng La vẫn là một ATK. Người làng đã bảo vệ an toàn cán bộ cách mạng trước mọi an nguy.

Một câu chuyện khó quên với các cụ cao niên trong làng, đó là vào tháng 4/1943, địch đã đánh hơi được những cán bộ cách mạng cấp cao về hoạt động tại Võng La nên chúng bất ngờ kéo vào lục soát nhà bà Hoàng Thị Cốc. Do đã chuẩn bị sẵn các phương án phòng gian, chống càn, cán bộ ta đã rút lui an toàn, địch không phát hiện được gì.

Đầu năm 1944, chúng lại bất ngờ kéo đến nhà lùng sục bắt người con trai của bà Cốc, tra tấn dã man hòng moi tin cơ sở bí mật của ta. Nhưng những người trong gia đình bà kiên quyết không khai và tất cả các cơ sở bí mật đều được an toàn.

Chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), có hơn 4 năm bị giặc chiếm đóng, Chi bộ Đảng và nhân dân Võng La đã anh dũng chiến đấu với gần 30 trận chống càn, diệt hàng trăm tên địch trong nhiều trận đánh nổi tiếng.

Trong thời gian này, Võng La có 320 người tham gia quân đội, 278 người tham gia du kích, toàn xã có 12 gia đình có công với nước, 32 gia đình có công với cách mạng…

Tính chung hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, xã Võng La có 11 mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 157 liệt sĩ, 62 thương binh...

Với những cống hiến, hy sinh to lớn đó, năm 2005, xã Võng La đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem