Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Con không thực hiện được ý nguyện của bố
Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Con không thực hiện được ý nguyện của bố, rải tro cốt ở 3 dòng sông
PVCT (ghi)
Thứ bảy, ngày 15/08/2020 13:44 PM (GMT+7)
"Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hy sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến, dấu chân người lính", ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói trong lời đáp từ.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đọc Điếu văn tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thay mặt gia đình có lời đáp từ.
Ông Lê Minh Diễn đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, các tổ chức quốc tế, các cá nhân đã đến viếng, gửi lời chia buồn tới gia đình.
Sau lời cảm ơn tới, ông Lê Minh Diễn đã đọc lời tiễn biệt với người cha - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Ông Diễn xúc động nói: Thưa bố kính yêu, con có mấy dòng tâm sự tuy rằng rất muộn khi bố đã ra đi mãi mãi, khi những lời tâm sự với bố trở nên muộn màng.
Con sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố, ký ước tuổi thơ của con chỉ là những đợt sơ tán, những buổi học hòa trộn với những đợt bom, những buổi tối mắt nhắm, mắt mở hết lên nhà rồi lại xuống hầm. Chúng con đã quen với những trận mưa bão, tốc mái, bung cửa nhà, gió lùa vào mọi ngóc ngách trong căn nhà vách đất, vật lộn và chống chọi với bom đạn mưa bão, chỉ có mẹ và 4 bà cháu. Những hiểu biết của con về bố chỉ là chú bộ đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ mới về.
Chiến tranh kết thúc, bố chỉ về phép như bao như người lính và lại tiếp tục lên đường với cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.
Tiếp bước bố, hai anh em con nhập ngũ và trở thành người lính, con ra biên giới, ở nhà chỉ có bà, mẹ và chị. Những năm 1990, bố, con và em mới được về Hà Nội, gia đình mới thực sự sum vầy, đoàn tụ. Nhưng vì là người lính do điều kiện công tác nên chưa có lần nào được tâm sự dài với bố.
Vì là người lính con cũng hiểu sự khó khăn gian khổ của bố và đồng đội. Khi đến thăm thành cổ Quảng Trị, nghe kể về cuộc chiến ở đây con cũng cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh, mọi sự sống và cái chết giành giật từng ngày, từng giờ. Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến trường Trị Thiên nơi nào cũng in đậm dấu chân của Bố.
Bố luôn nói với chúng con rằng, được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng ngàn gia đình mất người thân, nhiều ngàn người đã không còn nguyên vẹn thân thể ngày trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ và gia đình họ đến tận bây giờ.
Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hy sinh của nhân dân dù ở bất kỳ cương vị nào. Tổng thời gian được gần gũi và tâm sự cùng bố với con tính ra chưa đến một năm. Tuy nhiên với bấy nhiêu thời gian con cũng học tập được ở bố rất nhiều trong công việc và cuộc sống lấy chữ tâm làm trọng. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng qua những việc bố đã làm và những câu chuyện kể, nhận xét của những người đã chiến đấu, công tác với Bố con càng tự hào về bố hơn.
Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống như những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con. Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình. Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố để rải tro cốt ở 3 dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố.
Do dịch bệnh Covid-19 con không thể kéo dài thời gian tang lễ, ảnh hưởng đến mọi người, chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con. Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng, nơi đó không còn chiến tranh, nơi đó luôn ấm tình đồng đội.
Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hy sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến, dấu chân người lính.
Tin cùng chủ đề: Lễ quốc tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.