Công an tỉnh Bình Phước đánh sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng liên tỉnh

Hoàng Hưng Thứ tư, ngày 15/05/2024 11:26 AM (GMT+7)
Ngày 15/5, nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho hay, Công an tỉnh Bình Phước vừa triệt phá, đánh sập một đường dây mua bán tài khoản ngân hàng liên tỉnh, thủ đoạn rất tinh vi.
Bình luận 0

Qua công tác đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã xác định được các đối tượng: N.T.L (SN 2000) và N.T.H.N (SN 1989) cùng trú phường Nguyễn Trãi, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; L.H.H (SN 2000) trú xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; N.T.Đ (SN 2000) trú phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; P.L.H.N (SN 2001) trú xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và N.L.T.V (SN 2000) trú xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Công an tỉnh Bình Phước đánh sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng liên tỉnh- Ảnh 1.

Điều tra viên Công an tỉnh Bình Phước đang lấy lời khai đối tượng N.T.L. Ảnh: C.A

Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2023 đến nay, nhóm đối tượng này đã thu thập, mua bán hơn 300 tài khoản ngân hàng của nhiều người trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh, thành trong cả nước; sau đó bán lại cho các đối tượng khác.

Tại cơ quan công an, bước đầu, các đối tượng khai nhận vào khoảng tháng 3/2023, N.T.L đến TP.HCM làm việc thì gặp một đối tượng tên Min (chưa rõ địa chỉ), là bạn học đại học ở TP. Đà Nẵng, Min nói với N.T.L đăng ký 15 tài khoản ngân hàng đưa cho Min sử dụng trong vòng 3 tháng, sẽ được nhận 6,5 triệu đồng. Sau đó, N.T.L đi đăng ký 15 tài khoản ngân hàng và bán cho Min.

Min tiếp tục đề nghị N.T.L tìm người bán tài khoản thì sẽ được tiền hoa hồng 500 ngàn đồng/ngườI. N.T.L đồng ý tham gia và giới thiệu N.T.Đ, P.L.H.N, N.L.T.V đăng ký 45 tài khoản ngân hàng bán cho Min.

Min trả công cho N.T.L 1,5 triệu đồng.Đồng thờI, Min rủ N.T.Đ, P.L.H.N, N.L.T.V cùng tham gia với N.T.L. Nhiệm vụ được giao: Khi có người cần bán tài khoản ngân hàng thì dẫn xuống TP.HCM để đăng ký tài khoản và giao lại cho Min.

Công an tỉnh Bình Phước đánh sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng liên tỉnh- Ảnh 2.

Một đối tượng trong đường dây mua bán tài khoản ngân hàng sau khi bị bắt. Ảnh: C.A

N. T.L khai nhận: Khi tìm được người bán tài khoản sẽ kết bạn qua Zalo hoặc Telegram, với yêu cầu gửi ảnh chụp căn cước công dân để gửi cho Min kiểm tra. Nếu người đó đồng ý thì Min sẽ chuyển khoản trước cho N.T.L 1 triệu đồng/người và yêu cầu người bán về TP. HCM để đăng ký tài khoản.

Tiếp theo, N.T.L thuê N.T.Đ, P.L.H.N, N.L.T.V đến chở người bán đi đăng ký sim điện thoại và đến các ngân hàng để đăng ký tài khoản, yêu cầu đăng ký dịch vụ Mobile Banking, đặt mật khẩu đăng nhập theo yêu cầu của Min. Sau khi mở tài khoản ngân hàng thành công, N.T.Đ, P.L.H.N, N.L.T.V sẽ gặp Min để lấy điện thoại tải app Mobile Banking, nhập thông tin tài khoản và đưa lại cho Min.

Sau khi nhận lại điện thoại, Min chuyển tiền cho N.T.L để trả cho người bán tài khoản và trả công N.T.Đ, P.L.H.N, N.L.T.V 500 ngàn đồng/người. Tất cả tài khoản mua được, Min thuê N.T.Đ, P.L.H.N, N.L.T.V mang đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) để giao cho người mua sử dụng.

Công an tỉnh Bình Phước đánh sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng liên tỉnh- Ảnh 3.

Hình ảnh một số đối tượng trong đường dây mua bán tài khoản ngân hàng vừa bị Công an tỉnh Bình Phước đánh sập. Ảnh: C.A

Trong khoảng thời gian này, N.T.L rủ thêm N.T.H.N và L.H.H đăng ký 30 tài khoản ngân hàng bán lại cho N.T.L. Đồng thời, N.T.L rủ hai người này tham gia giới thiệu người bán tài khoản ngân hàng để hưởng hoa hồng 500 ngàn đồng/người và cả hai đều đồng ý.

N.T.H.N và L.H.H phụ trách việc tìm kiếm người có nhu cầu bán tài khoản ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Phước để giới thiệu cho N.T.L. Khi có người bán, N.T.H.N và L.H.H sẽ dẫn xuống TP. HCM giao cho N.T.Đ, P.L.H.N, N.L.T.V trực tiếp dẫn đi đăng ký tài khoản, rồi đưa cho Min và nhận tiền bán cũng như tiền hoa hồng.

Trung tá Nguyễn Minh Hiếu - phó Trưởng phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Công an tỉnh Bình Phước - cho biết: "Thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên diễn đàn, hội, nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng. Hoặc tiếp cận những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật để mở tài khoản ngân hàng.

Sau đó, bán lại tài khoản cho đối tượng. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, thẻ sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng".

Trung tá Nguyễn Minh Hiếu cho biết thêm: Qua thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, khoảng 90% các đối tượng mua hoặc thuê tài khoản ngân hàng để sử dụng vào những hành vi vi phạm pháp luật - đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán hoặc thuê để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại, sau đó sẽ rút tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.

Vì vậy, mọi người hết sức cẩn trọng và đề phòng trong việc tiết lộ các thông tin liên quan đến nhân thân và tài khoản ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem