Covid-19 cản đường trái cây Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc
Covid-19 cản đường trái cây Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc
Huỳnh Xây - Khánh Nguyên
Thứ năm, ngày 13/08/2020 17:15 PM (GMT+7)
Không chỉ gặp khó trong việc tiếp cận thị trường do chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì dịch Covid-19, việc thiếu các nhân viên kiểm dịch đang khiến quá trình xuất khẩu trái cây của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bắt buộc trái cây Việt Nam phải qua khâu kiểm dịch của kiểm dịch viên. Thế nhưng, do ảnh hưởng của Covid-19, công việc này không có nhân viên thực hiện.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Việt Nam hiện có 6 loại trái cây được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa và xoài. Trong 6 tháng đầu năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu trái cây sang Mỹ vẫn đạt 77 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (có trụ sở tại tỉnh Long An) cho biết, đang không có kiểm dịch viên thực hiện khâu kiểm dịch đầu vào.
Công ty này cho hay, từ tháng 3, khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
"Chỉ 2 ngày sau khi quy định được đưa ra, nhân viên của APHIS đã phải quay về Mỹ. Sau khi nhân viên APHIS về nước, việc kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Mỹ đã bị ách tắc" - ông Vương Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát nói.
Lúc bấy giờ, theo ông Hiếu, việc kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Mỹ được xử lý thông qua việc đưa nhân viên là người Việt Nam (không phải là nhân viên đảm trách công việc chính là kiểm dịch - PV) của văn phòng APHIS tại Việt Nam (trụ sở ở TP.Hà Nội) để nhận ủy quyền vào TP.HCM thực hiện kiểm dịch tạm thời cho trái cây xuất khẩu sang Mỹ.
Cũng theo ông Hiếu, Việt Nam đã có đề nghị phía Mỹ cho nhân viên kiểm dịch của APHIS qua tiếp tục thực hiện công việc kiểm dịch. "Tuy nhiên, có hai vấn đề Việt Nam chưa giải quyết được. Một là nơi cách ly phải đạt chuẩn theo yêu cầu của phía Mỹ đưa ra. Hai là nhân viên của họ không đi chung chuyến bay đưa du học sinh Việt Nam từ Mỹ về nước vì họ lo ngại bị lây dịch bệnh" - ông Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, phía Mỹ sẵn sàng đưa nhân viên kiểm dịch sang nhưng điều kiện đưa ra là phải đáp ứng hai yêu cầu nêu trên của thị trường nhập khẩu. Trước sự việc nêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu dự báo hoạt động xuất trái cây Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục gặp khó đến cuối năm 2020.
Được biết, công việc quan trọng của nhân viên kiểm dịch là trước khi đưa trái cây vào chiếu xạ (theo quy định, chiếu xạ là khâu bắt buộc phải có đối với việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ) sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng của lô hàng để đưa vào phòng kiểm dịch, cắt ra rồi quan sát bằng mắt thường và kính lúp để xem có vi sinh vật hay không.
Trường hợp, sản phẩm không có vi sinh vật, nghĩa là đạt yêu cầu thì lô hàng mới được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Ngược lại nếu không đạt, lô hàng đó sẽ bị hủy, không chiếu xạ được.
Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát
Không chỉ với thị trường Mỹ, dịch Covid-19 cũng khiến xuất khẩu trái cây sang nhiều thị trường khác gặp khó khăn. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 7 tháng năm 2020, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với 59,4% thị phần. Tuy nhiên, thời gian tới, động thái siết chặt các quy định nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc được cho là sẽ khiến xuất khẩu trái cây gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm.
Bên cạnh đó, cấm mua bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan… Ngoài ra, từ ngày 1/7/2020, các phương tiện vận tải Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, hiện Trung Quốc vẫn chiếm tới 60% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Thời gian gần đây, dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… đều tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn sẽ bị sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Dù vậy, theo ông Nguyên về dài lâu, nhờ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), rau quả Việt cũng có nhiều cơ hội sự bứt phá cao và bền vững tại các thị trường mới, thay vì lệ thuộc lớn vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nguyên lưu ý, EU lại là thị trường "khó tính" với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… khắt khe. Do đó, việc sản xuất an toàn là yêu cầu bắt buộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.