Đạo diễn Hà Nguyên Long: "Chương trình "Hoa cúc xanh" sẽ tạo ra một thế giới phi thời gian, phi thế hệ"
Đạo diễn Hà Nguyên Long: "Chương trình "Hoa cúc xanh" sẽ tạo ra một thế giới phi thời gian, phi thế hệ"
Yến Linh - Thuý Phương
Thứ ba, ngày 16/08/2022 10:48 AM (GMT+7)
"Tôi muốn tái hiện cảm quan gì đó về thời trước nhưng đặt nó trong những cách diễn biến, phát triển thị giác của ngày hôm nay. Mọi thứ sẽ vừa cũ, vừa mới, vừa quen, vừa rất lạ lẫm", đạo diễn Hà Nguyên Long chia sẻ với Dân Việt về ý tưởng của anh với đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh".
Hà Nguyên Long là một đạo diễn sân khấu và nhà thiết kế không gian trẻ. Về nước sau thời gian học tập tại nước ngoài, anh đã dành những điều học hỏi được để xây dựng XplusX Studio. Đây là không gian nghệ thuật mở, mang tính đối thoại dành cho tất cả những người mong muốn tìm hiểu, tiếp cận sân khấu kịch tại Hà Nội. Với các dự án sân khấu của mình, Hà Nguyên Long cùng các cộng sự mong muốn tạo ra những điểm kết nối, những giá trị mới cho khán giả.
Tới đây, anh sẽ là người đảm nhiệm vai trò thiết kế sân khấu trong đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" - chương trình nghệ thuật do gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh kết hợp với báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và ê-kíp "Se sẽ chứ" phối hợp với tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh thi sĩ Xuân Quỳnh (06/10/1942 – 06/10/2022). PVDân Việtđã có cuộc trò chuyện với Hà Nguyên Long về những cảm hứng và ý tưởng của anh cho sự kiện này.
Thế giới thơ của Xuân Quỳnh luôn mộc mạc nhưng chất chứa nhiều lớp ẩn dụ
Với đạo diễn Hà Nguyên Long, sự nghiệp của hai tác giả Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh mang lại cho anh nguồn cảm hứng như thế nào?
- Thơ và kịch của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh là những kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ tôi. Những tác phẩm của họ luôn mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc với những biểu tượng, ẩn dụ không dễ nhận thấy nếu ta đọc lần đầu, dù là về tình yêu, tính nữ, gia đình hay bối cảnh xã hội. Thơ, văn, kịch của họ, theo tôi còn vô cùng nhiều tiềm năng chuyển thể với những lớp ý nghĩa chưa được khai phá và tích hợp trong bối cảnh xã hội đương đại. Cũng bởi vậy, việc được ghé thăm lại thế giới của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh thông qua sáng tạo các trải nghiệm thị giác là một hành trình khiến tôi rất mong đợi và háo hức.
Đêm thơ nhạc kịch "Hoa cúc xanh" là một chương trình lớn về hai tác giả này, đặc biệt sự kiện được tổ chức vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của thi sĩ Xuân Quỳnh. Anh có gặp nhiều áp lực?
- Như đã nói, việc tạo ra các trải nghiệm thị giác cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (Tổng đạo diễn chương trình "Hoa cúc xanh" - PV) về một thế giới thơ ca với những nét gợi mở mới về hai tác giả, đặc biệt là Xuân Quỳnh, là một trải nghiệm mà cá nhân tôi rất háo hức. Áp lực thì luôn có, nhưng việc được tham gia và tạo ra những sản phẩm sáng tạo trong hiện tại về những thứ tưởng như thuộc về ký ức luôn thôi thúc tôi.
Đối với anh, điều gì là khó nhất trong việc tạo ra một không gian mang hơi thở của thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh?
- Sự tự tin trong công việc của tôi chỉ đến dần dần khi kết quả ngày càng xuất hiện trong sự hợp tác với các nghệ sĩ và đơn vị sản xuất của chương trình. Với cá nhân tôi thì chỉ luôn cố gắng làm tốt nhất những gì có thể.
Tạo ra một không gian mà tôi cho là mang hơi thở của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh có lẽ sẽ luôn mang tính chủ quan, việc cố gắng thành công kết hợp cảm quan của mình cùng cảm quan của các đạo diễn, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn khác theo tôi luôn là một thách thức. Nhất là thế giới thơ của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh để lại cho người đọc những cảm xúc rất riêng tư và sâu sắc. Bên cạnh đó, các tác phẩm của họ luôn mộc mạc nhưng có nhiều lớp cảm xúc ẩn giấu. Việc khó là lột tả được những thứ còn đang ẩn giấu ấy đến với khán giả một cách hiệu quả, dễ hiểu, dễ cảm và gây rung động.
Là người từng học tập ở nước ngoài, những kiến thức và ảnh hưởng nào của phương Tây tác động lên sự sáng tạo của anh? Anh có dự định sẽ sử dụng những ứng dụng hiện đại vào đêm thơ nhạc "Hoa cúc xanh" lần này?
- Điều tâm đắc nhất tôi học được tại môi trường nghệ thuật phương Tây ở chỗ họ không coi ứng dụng hiện đại trong nghệ thuật là bắt buộc để hợp thời hay là phương án khả dĩ duy nhất để đem hơi thở đương đại vào trong những nội dung trong quá khứ. Quan trọng nhất vẫn là việc đem lại những cảm xúc và sự thấu hiểu sâu sắc, hợp lý nơi khán giả về cái mà họ đang xem, đang nghe, thông qua ý nghĩa, ẩn dụ và biểu tượng thể hiện trong từng yếu tố nghệ thuật của một buổi diễn.
"Tôi nghĩ mình là người khó tính nhất"
Anh dự định sẽ làm nổi bật điều gì ở Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh tại không gian này?
- Đó là sự mộc mạc phi thời gian, phi thế hệ như thể siêu thực về những chủ đề hết sức gần gũi như tình cảm gia đình, các cung bậc trong tình yêu.
Tôi muốn tái hiện cảm quan gì đó về thời trước nhưng đặt nó trong những cách diễn biến, phát triển thị giác của ngày hôm nay. Mọi thứ sẽ vừa cũ, vừa mới, vừa quen vừa đôi khi rất lạ lẫm chờ được khám phá hoặc cảm thụ.
Là một người trẻ làm chương trình về những tác giả nổi tiếng thuộc thế hệ đi trước, anh kỳ vọng điều gì?
- Tôi kỳ vọng tạo ra sự thông hiểu, tôn trọng của mình với những nghệ sĩ của thế hệ trước, nghĩa là hiểu và chia sẻ được với họ về những cảm nghĩ của mình, đối thoại với thế giới quan của họ. Tôi nghĩ đây cũng là một cách tạo ra sự kết nối giữa những tinh hoa văn hóa của những thế hệ đi trước với các lớp khán giả đương thời và tương lai. Những di sản văn hóa như thơ văn của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh luôn cần được đọc lại, gợi mở và kết nối.
Phối hợp với ê-kíp là những người cá tính như: Hoàng Điệp, Trần Lực, Quốc Trung... Anh có gặp nhiều khó khăn? Theo anh, ai trong số họ là người khó tính nhất?
- Tôi nghĩ bản thân mình nên là người khó tính nhất chăng? (cười). Thật ra, việc trao đổi và cùng sáng tạo, gợi mở từ ý tưởng của nhau sẽ là tinh thần chủ đạo. Tôi luôn cố gắng đóng góp cảm quan của mình và lắng nghe, phát triển cảm quan của các anh chị ê-kíp nghệ thuật trong hợp phần công việc về thiết kế không gian và mỹ thuật sân khấu của mình.
Ê-kíp của "Hoa cúc xanh" là sự kết nối của rất nhiều lứa tuổi, điều này chắc hẳn sẽ tạo nên một "bản giao hưởng" đặc biệt?
- Tôi nghĩ nó sẽ rất bất ngờ và gợi mở nhiều góc nhìn thú vị. Đây là một chương trình đa loại hình, những trải nghiệm nghệ thuật sẽ rất phong phú và khó đoán với cùng một cảm hứng và nội dung từ thơ ca.
Cảm ơn họa sĩ, đạo diễn Hà Nguyên Long đã chia sẻ!
Nhà sản xuất âm nhạc Thanh Chu (thuộc ê-kíp nhạc sĩ Quốc Trung - ê-kíp sản xuất âm nhạc cho đêm thơ - nhạc "Hoa cúc xanh") chia sẻ:
"Thú thật, lúc đầu nghe về ý tưởng của đêm thơ - nhạc "Hoa cúc xanh", chúng tôi khá ngợp, bởi nội dung và các truyền tải thông điệp quá đa dạng so với các chương trình nghệ thuật thường lệ, từ thơ, nhạc, kịch... Cũng bởi vậy, những yêu cầu đặt ra về âm nhạc cũng rất phức tạp.
Tuy vậy, những thách thức đó khiến chúng tôi thêm động lực và cảm hứng sáng tạo. Không gian âm nhạc trong "Hoa cúc xanh" sẽ mang tính đương đại hơn, nó thoát khỏi những màu sắc cũ kỹ, đương nhiên vẫn trên tinh thần tôn trọng di sản thi ca của hai tác giả.
Trong chương trình, cũng sẽ có một số ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh được làm mới lại. Chúng tôi quan niệm, trước hết, phải tạo được không gian và cảm xúc cho khán giả. Nếu trước kia, chúng ta quan trọng tính đại chúng, dễ hiểu, dễ thuộc, nhưng hiện tại yếu tố gợi mở sẽ được đề cao hơn, nhằm tạo nên sự hoà quyện thực sự về ca từ và giai điệu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.