Độc đáo nghề “làm nail” sừng trâu, bò

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 08/02/2017 06:30 AM (GMT+7)
Tiền lãi từ việc làm “nail” trâu bò, tái chế những thứ tưởng như chỉ để vứt đi… lại có thể giúp sắm nhà, tậu xe.
Bình luận 0

Nghề mỹ nghệ sừng truyền thống ở Hóc Môn (TP.HCM) hàng chục năm nay vốn là kế sinh nhai, giúp nhiều người trở nên giàu có. Thế nhưng, nhiều thợ lành nghề ở đây lo lắng sẽ không thể giữ nghề truyền thống này được lâu.

Ăn nên làm ra từ... sừng, móng trâu, bò

Phải đi qua nhiều con hẻm vòng vèo, chúng tôi mới tới được cơ sở mỹ nghệ sừng Tài Vinh của anh Đỗ Thế Vinh ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn. Phủi vội đôi bàn tay lấm lem bụi vào tạp dề, anh Vinh bảo anh đang phải lo chạy nước rút cho kịp những đơn hàng lớn.

img

 Anh Đỗ Thế Vinh (ấp Mới 2, xã Trung Chánh) giới thiệu sản phẩm sừng mỹ nghệ.   Ảnh: N.V

Đến giai đoạn hàng nước ngoài chế tác bằng máy móc tinh xảo hơn, giá thành hạ, những cơ sở chỉ quen làm thủ công không cạnh tranh được phải bỏ nghề hàng loạt. Hiện, tại xã Trung Chánh chỉ còn khoảng 3 – 4 hộ làm các công đoạn phụ trợ, liên kết với cơ sở chế tác để duy trì nghề. 

Từ Hà Nam vào TP.HCM lập nghiệp từ 15 năm trước, lúc đó 2 vợ chồng anh Vinh chỉ có đôi bàn tay trắng, xin vào làm mướn cho một xưởng ngà sừng ở ngay tại địa phương. Sau 2 năm học việc, đôi vợ chồng trẻ ra riêng, thuê một mảnh đất nhỏ ở xã Trung Chánh vừa ở, vừa làm việc. Ban đầu, anh chị chỉ chế tác những sản phẩm đơn giản như lược chải tóc, trâm cài đầu, bông đeo tai… Dần dần, sản phẩm được thị trường ưa chuộng rộng rãi hơn, vợ chồng anh Vinh tiếp thị thẳng vào các chợ lớn như An Đông, Bến Thành… Đến nay, đơn hàng đã duy trì ổn định qua kênh xuất khẩu, những khách hàng cũ trở thành mối quen.

Tiền lãi từ việc làm “nail” trâu bò, tái chế những thứ tưởng như chỉ để vứt đi… đã giúp vợ chồng anh Vinh sắm nhà, tậu xe. Chị Duyên - vợ anh Vinh hồ hởi: “Nhu cầu thị trường về hàng thủ công ngà sừng cao lắm, cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu”.

Đưa chúng tôi đi một vòng khu chế tác, anh Vinh kể, tuy đã sử dụng nhiều máy móc nhưng nghề này vẫn lấy tính tỉ mẩn của thợ làm chính. Nguyên liệu xương ống, sừng, móng trâu bò; vỏ sò, ốc được nhập ở nhiều nguồn từ các tỉnh thành trong nước và từ đến Campuchia, châu Phi…

“Các sản phẩm được làm ra không có khuôn mẫu sẵn mà hoàn toàn thủ công và phụ thuộc sự sáng tạo của mỗi người. Vì thế, tuổi nghề giúp người thợ “lớn” lên theo yêu cầu của thị hiếu người tiêu dùng” - anh Vinh giải thích.

Lo nghề mai một

Khi được hỏi về tương lai, nhiều thợ thủ công mỹ nghệ sừng truyền thống ở Hóc Môn đều chung lo lắng nghề này sẽ mai một, chỉ hy vọng con cháu sẽ có đứa chịu theo nghề.

Có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, anh Nguyễn Đức Minh - chủ cơ sở mỹ nghệ sừng ở xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn) kể, nghề này còn duy trì được đến hôm nay là nỗ lực của những cá nhân tâm huyết và quyết tìm hướng đi mới. Hiện trung bình một bộ sừng thành phẩm có giá từ 10  – 100 triệu đồng (tùy kích cỡ). Do đó, người làm nghề chế tác sừng dễ có thu nhập khoảng chục triệu đồng/tháng, theo như lời anh Minh.

Thế nhưng, đến giai đoạn hàng nước ngoài chế tác bằng máy móc tinh xảo hơn, giá thành hạ, những cơ sở chỉ quen làm thủ công không cạnh tranh được phải bỏ nghề hàng loạt. Hiện, tại xã Trung Chánh chỉ còn khoảng 3 – 4 hộ làm các công đoạn phụ trợ, liên kết với cơ sở chế tác để duy trì nghề. Hơn nữa, theo anh Minh, phần lớn nghề mỹ nghệ sừng ở Hóc Môn có quy mô hộ gia đình, cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, tự phát… do đó khó có thể cạnh tranh lại với những doanh nghiệp lớn.

Bà Đinh Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chánh cho biết, rất khó để phát triển nghề mỹ nghệ sừng truyền thống ở Hóc Môn, vì chế tác sừng móng vẫn xem trọng tính thủ công, tỉ mẩn của người thợ: “Đây là nghề cha truyền con nối, chỉ những người yêu nghề mới theo. Hội cũng thường nhắc nhở người thợ phải đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe, có các biện pháp tránh gây ô nhiễm môi trường”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem