Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018.
Theo đó, kết thúc năm 2018, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2017. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 9.200 tỷ đồng và ghi nhận mức tăng hơn 13% so với một năm trước đó.
Trong đó, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng (không bao gồm lợi nhuận công ty con chuyển về) đạt xấp xỉ 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với năm trước đó và chiếm hơn 55% tổng lợi nhuận hợp nhất của cả ngân hàng.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng riêng lẻ cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao 29% so với năm 2017, đạt hơn 17.700 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu của ngân hàng trong năm 2018, ngân hàng này có tổng doanh thu từ phí đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. Đáng chú ý, khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của ngân hàng riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng tới 67% so với năm 2017.
Top 5 lợi nhuận ngành ngân hàng trong 5 năm qua
Với mức lợi nhuận 9.200 tỷ đồng, nhiều khả năng VPBank sẽ là ngân hàng đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2018 sau Vietcombank, Techcombank, BIDV. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp VPbank đứng vị trí thứ 4 trong Top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất và cũng là năm đầu tiên vượt xa mức lợi nhuận 6.800 tỷ của ông lớn Vietinbank.
Mặc dù giữ vững phong độ trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành song nếu so với mục tiêu trên 10.000 tỷ được ông Ngô Chí Dũng đưa ra hồi đầu năm thì lại có phần kém “sắc”.
Lý giải cho sự điều chỉnh lợi nhuận trong năm 2018 này, VPBank phân tích, năm 2018, với mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô và bảo đảm hoạt động an toàn cho vay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng. Trong bối cảnh đó, hạn mức tín dụng được phê duyệt cho ngân hàng riêng lẻ (17%) và FE Credit (20%) thấp hơn mục tiêu ban đầu ngân hàng đề ra đã phần nào ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2018.
“Tuy nhiên, nếu xét trên quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản hợp nhất ở mức 323.300 tỷ đồng (tăng 16,4%), vốn chủ sở hữu 34.700 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 230.387 tỷ đồng (tăng 17,1%), huy động hơn 219.509 tỷ đồng (tăng gần 10%), hiệu quả hoạt động của ngân hàng vẫn ở mức rất cao”, VPBank khẳng định
Cũng trong năm 2018, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt là 2,5% và 22,9%. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục được giữ ở mức cao nhất thị trường là 9%. Trong khi đó, hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) tiếp tục được cải thiện ở mức 34,2% so với 35,5% năm 2017.
Lợi nhuận của VPBank đã được công khai song thông tin về thưởng tết năm 2019 của ngân hàng này đến thời điểm hiện tại vẫn còn là 1 ẩn số. Mặc dù lợi nhuận không đạt kỳ vọng nhưng vẫn tăng trưởng so với năm 2017. Chính vì vậy, nhiều khả năng mức thưởng tết của nhân viên VPBank sẽ “nhỉnh” hơn so với mức thưởng tết nguyên đán năm 2018.
Được biết, mức thưởng tết của ngân hàng này cũng được phân ra các mức khác nhau tùy vào mức độ hoàn thành công việc của mỗi cá nhân, phòng ban và chi nhánh. Bình quân mỗi nhân viên được thưởng từ 2 đến 3 tháng lương.
Như vậy, nếu tính mức thu nhập bình quân 17 triệu đồng/tháng (dựa theo báo cáo tài chính quý III.2018 của ngân hàng này), thì mức thưởng tết bình quân của mỗi cán bộ nhân viên sẽ từ 34 triệu đồng đến trên 50 triệu đồng/người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.