Đường bê tông ở Bình Định 'tuổi thọ' 1 -2 năm đã hỏng, do nhận xi măng vào 'đúng mùa mưa'?

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 06/12/2023 19:02 PM (GMT+7)
“Cử tri phản ánh rất nhiều về thực trạng khi đấu thầu xong thì mùa mưa, nước bì bõm nhưng lại mang xi măng ra làm. Gần đây đường làm 1-2 năm đã hư, đây là trách nhiệm của các ngành, địa phương, đề nghị HĐND tỉnh phải giám sát việc này”, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định chỉ đạo.
Bình luận 0

"Đường bê tông làm 1 đến 2 năm thì bị bong tróc"

Ngày 6/12, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh Dũng về tình trạng nhiều tuyến giao thông ở vùng nông thôn mới xây dựng được một, hai năm đã hư hỏng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, những năm qua, việc đầu tư các tuyến giao thông vùng nông thôn gắn với chương trình nông thôn mới đã giúp hoàn thiện hạ tầng, được người dân, chính quyền ủng hộ nhưng thực tế triển khai còn nhiều bất cập.

Ông Dũng cho biết, việc đăng ký, đấu thầu, đấu giá xi măng muộn, dẫn đến khi các địa phương nhận được xi măng thì rơi vào tháng cuối năm. Việc làm đường bê tông nông thôn vào mùa mưa, đã gây ảnh hưởng đến chất lượng, khiến nhiều tuyến giao thông nhanh hư hỏng.

"Hầu hết các tuyến đường bê tông triển khai từ một đến hai năm thì mặt đường đã bong tróc và hư hỏng. Ngoài ra theo phản ánh, xi măng của những năm trước chất lượng không cao, gây ảnh hưởng đến chất lượng đường", ông Dũng dẫn chứng.

Đường bê tông ở Bình Định 'tuổi thọ' 1 -2 năm đã hỏng, do nhận xi măng vào 'đúng mùa mưa'? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trả lời chất vấn, ông Trần Thanh Dũng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định cho rằng, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn từ năm 2021 đến nay rất chậm, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đã đề ra. Năm nay các địa phương mới nhận xi măng từ tháng 9/2023 và đang tổ chức thực hiện nên khối lượng mới chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch được duyệt.

Vẫn theo ông Dũng, mặt khác, việc lập kế hoạch ở các địa phương thay đổi liên tục, dẫn đến thay đổi danh mục nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, vấn đề hỗ trợ kinh phí đối ứng của địa phương cho chương trình còn gặp khó khăn do không bố trí được nguồn kinh phí.

"Việc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp xi măng (do Sở Tài chính tổ chức thực hiện) mất nhiều thời gian, các đơn vị nhận được xi măng thường rơi vào mùa mưa nên khó triển khai thực hiện theo kế hoạch...", ông Dũng nói.

Đường bê tông ở Bình Định 'tuổi thọ' 1 -2 năm đã hỏng, do nhận xi măng vào 'đúng mùa mưa'? - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Dũng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định cho rằng, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, bảo trì tuyến đường, nguồn kinh phí bố trí để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường hết sức hạn chế.

Vì vậy, một số tuyến đường sau khi đầu tư xây dựng đã nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp, không phát huy hiệu quả dự án.

"Trước đây chúng ta không có đấu thầu. Từ năm 2019 đến nay chúng ta tổ chức đấu thầu dẫn đến thời gian kéo dài. Thứ hai nữa là việc đăng ký danh mục chậm. Xi măng tháng 9 giao thì triển khai vào mùa mưa. Việc này Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính là đơn vị phụ trách đấu thầu xi măng và phối hợp với Sở Xây dựng để kiểm soát chất lượng xi măng theo đúng quy định", ông Dũng nêu vấn đề.

Đường bê tông ở Bình Định 'tuổi thọ' 1 -2 năm đã hỏng, do nhận xi măng vào 'đúng mùa mưa'? - Ảnh 3.

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Chúng ta phải chấn chỉnh, HĐND giám sát việc này"

Phản hồi về việc đấu thầu xi măng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Định Nguyễn Thành Hải cho biết, trong việc này các địa phương đăng ký chậm, dẫn đến phê duyệt chậm. Cuối tháng 5 phê duyệt kế hoạch, tháng 8, 9 mới tổ chức đấu thầu xong.

"Đấu thầu qua mạng yêu cầu thời hạn quy định. Đề nghị các địa phương cần lưu ý đăng ký sớm hơn, nếu qua thời hạn không đăng ký thì xem như không có nhu cầu", ông Hải cho hay.

Đường bê tông ở Bình Định 'tuổi thọ' 1 -2 năm đã hỏng, do nhận xi măng vào 'đúng mùa mưa'? - Ảnh 4.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Định Nguyễn Thành Hải. Ảnh: Dũ Tuấn.

Về vấn đề này, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết, nguồn kinh phí đã được bố trí hằng năm.

Vì vậy, yêu cầu các sở, ngành được giao nhiệm vụ cần bố trí đấu thầu sớm, để phân bổ xi măng về cho các địa phương triển khai đảm bảo kế hoạch.

Sở GTVT và các đơn vị liên quan cần chấn chỉnh tình trạng đến mùa mưa mới giao xi măng về cho các địa phương.

Đường bê tông ở Bình Định 'tuổi thọ' 1 -2 năm đã hỏng, do nhận xi măng vào 'đúng mùa mưa'? - Ảnh 5.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Bình Định phải giảm sát việc thực hiện và chất lượng các tuyến giao thông nông thôn.

Vẫn theo người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Định, cử tri phản ánh rất nhiều về thực trạng khi đấu thầu xong thì mùa mưa, nước bì bõm mang xi măng ra làm. Một, hai năm thì đường hư hỏng. "Chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của các ngành, địa phương. Tôi đề nghị HĐND tỉnh Bình Định giám sát. Trong tháng 12/2023, đề nghị các lãnh đạo phải phê duyệt danh mục, huyện, xã nào không đăng ký coi như là không có nhu cầu. Chúng ta phải chấn chỉnh việc này", Bí thư Dũng chỉ đạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem