Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh, nguồn cung trong nước đã ổn định?

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 24/05/2022 17:10 PM (GMT+7)
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 4/2022 giảm mạnh tới 39,6% về lượng và giảm 36,6% về kim ngạch so với tháng trước, đạt 789.335 tấn, trị giá 860,3 triệu USD. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết cung ứng 1,8 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022.
Bình luận 0

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc

Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 3.422.208 tấn, trị giá 3,2 tỷ USD.

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm 40,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 1.384.859 tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 108,6% về lượng và tăng 271,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021; trong đó riêng tháng 4/2022 kim ngạch nhập khẩu giảm 54,2% về lượng và giảm 51,0% về kim ngạch so với tháng 3/2022, đạt 325.322 tấn, trị giá 359,1 triệu USD.

Tiếp đến là thị trường Malaysia, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm 39,4% về lượng và tăng 6,8% về kim ngạch, đạt 660.642 tấn, trị giá 568,3 triệu USD; riêng tháng 4/2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm 33,1% về lượng và giảm 29,4% về kim ngạch.

Tiếp sau là thị trường Singapore, chiếm hơn 13% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 450.260 tấn, trị giá 442,9 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 103,3% về kim ngạch; riêng tháng 4/2022 nhập khẩu đạt 116.498 tấn, trị giá 122,9 triệu USD, giảm 41,0% về lượng và giảm 43,7% về trị giá, giá trung bình 1.055 USD/tấn.

Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh, nguồn cung trong nước đã ổn định? - Ảnh 1.

Nguồn cung trong nước dần ổn định, nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh. Ảnh: CTV

Căng thẳng Nga - Ukraine xảy ra khiến giá xăng dầu nhập khẩu tháng 4 leo thang lên mức trên 1.090 USD/m3, tăng gấp đôi so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu trung bình cũng tăng 80%, ở mức 927 USD/m3.

Sau khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp nhiệm vụ nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung xăng dầu cả trong nước và nhập khẩu trong quý II dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu m3, trong đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp 1,8 triệu m3, chiếm gần 27% tổng cung.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã làm việc với Chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quý II/2022 theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA).

Theo đó, sản lượng NSRP cam kết cung cấp cả quý II/2022 là 1,83 triệu m3 (tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3)

"Sản lượng thông báo này là sản lượng bao tiêu chính thức mang tính ràng buộc pháp lý với PVNDP", Bộ Công Thương cho biết.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, PVNDP đã và đang tiến hành triển khai kế hoạch chi tiết giao nhận hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo các hợp đồng đã ký trong tháng 4/2022 và lịch giao hàng cho tháng 5/2022. Đối với việc giao hàng cho tháng 6/2022, PVND đang phối hợp chặt chẽ với NSRP và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để tiếp tục cập nhật kế hoạch sớm nhất.

Dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu dự kiến quý II/2022 khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3; Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3); nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800 nghìn m3/tháng tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3).

"Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3", Bộ Công Thương cho biết.

Như vậy, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết cung ứng xăng dầu đã góp phần ổn định nguồn cung trong nước, giảm lượng xăng dầu nhập khẩu.

Đại biểu Quốc hội đề nghị dùng công cụ thuế để kiểm soát giá xăng dầu 

Ở chiều xuất khẩu, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tháng 4/2022 cũng giảm 7,7% về lượng và tăng 4,4% về kim ngạch so với tháng trước, đạt 198.820 tấn, trị giá 206,1 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu đạt 733.665 tấn, trị giá 645,9 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 92,4% về trị giá.

Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 274.820 tấn, trị giá 257,7 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 97,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 37,4% tổng lượng và 39,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; riêng trong tháng 4/2022 đạt 81.729 tấn, trị giá 91,3 triệu USD, giảm 4,6% về lượng và tăng 8,4% về trị giá.

Sau đó là thị trường Hàn Quốc chiếm hơn 6% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 45.699 tấn, kim ngạch 41,4 triệu USD, tăng mạnh 577,5% về lượng và tăng gấp 11 lần về trị giá; riêng tháng 4/2022 đạt 13.727 tấn, trị giá 15,5 triệu USD.

Xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 3% trong tổng lượng và kim ngạch, đạt 25.918 tấn, kim ngạch đạt 23,8 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và 60,7% về trị giá trong 4 tháng đầu năm 2022; riêng tháng 4/2022 xuất khẩu giảm 22,2% về lượng và giảm 18,3% về trị giá.

Tiếp sau là thị trường Singapore chiếm 4,3% tổng lượng và 3,5% tổng kim ngạch. Những thị trường còn lại như Malaysia, Lào, Philippines, Nga và Indonesia chỉ chiếm tỷ trọng xuất khẩu nhỏ dưới 3%.

Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh, nguồn cung trong nước đã ổn định? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Ảnh: TL

Được biết, liên Bộ Tài chính-Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 23/5. Theo đó từ 15h ngày 23/5, xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 670 đồng/lít.

Ngược chiều giá xăng, mỗi lít dầu diesel giảm 1.100 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 760 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 970 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 29.630 đồng/lít; RON 95 là 30.650 đồng/lít; dầu diesel 25.550 đồng/lít, dầu hỏa là 24.400 đồng/kg, dầu mazut là 20.590 đồng/kg.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành không trích quỹ bình ổn với các loại xăng. Chỉ tiến hành trích lập với dầu diesel, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 400 đồng/kg. Đồng thời chi quỹ bình ổn cho xăng từ 100-300 đồng mỗi lít tùy loại.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore vẫn cao hơn tại kỳ điều hành trước. Cập nhật đến ngày 19/5, xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92) ở mức 141,6 USD/thùng, xăng RON95 là 146,74 USD/thùng.

Cùng thời điểm (ngày 11/5) tại kỳ điều hành trước, 2 loại xăng này có giá lần lượt 139,59 USD (chênh nhau hơn 2 USD/thùng) và 142,68 USD/thùng (chênh gần 4 USD/thùng). Trong khi đó dầu diesel cập nhật đến ngày 19/5 là 132,62 USD/thùng, tại kỳ điều hành trước ngày 10/5, dữ liệu cho thấy giá dầu diesel là 147,96 USD/thùng (cao hơn kỳ này khoảng 15 USD/thùng).

Trước đó, chiều 23/5, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, để giảm được giá xăng dầu trong nước cần công cụ thuế để kiểm soát giá, phải có giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nêu "đối sách" về thuế, ứng phó giá xăng dầu trong nước tăng mạnh. Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản cộng thêm tác động từ xung đột Nga – Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022). Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng vào quý III/2022.

Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất thuế tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN).

Bộ Tài chính cho rằng phương án trên mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, việc giảm thuế MFN sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Bên cạnh đó, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới khi các thị trường truyền thống bị thiếu hụt, đồng thời vẫn đảm bảo được dư địa đám phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem