Giá xăng dầu hôm nay 5/11: Bất ngờ tăng "sốc", khan xăng dầu trong nước lan rộng
Giá xăng dầu hôm nay 5/11: Bất ngờ tăng "sốc"
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 05/11/2022 08:36 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 5/11: Giá xăng dầu bất ngờ tăng sốc hơn 5% tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Giá dầu tăng trở lại khi thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ còn bị bó hẹp do lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga sắp có hiệu lực. Dầu WTI tăng lên hơn 92 USD/thùng, dầu Brent sát mốc 99 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 5/11/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 91,38 USD/thùng, tăng 4,20 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 98,64 USD/thùng, tăng 3,97 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu hôm nay tăng vọt chủ yếu nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi, đặc biệt là tại 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc vẫn đang tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19 sau khi số ca mắc mới ở nước ngày lên cao nhất kể từ tháng 8 vào ngày 3/11.
Trước đó, nhiều thông tin về việc Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã được đưa ra. Điều này đã dấy lên nhiều kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu ở nước này sẽ phục hồi mạnh.
Tại Mỹ, bất chấp việc Fed vẫn đang kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt và thực hiện lộ trình tăng lãi suất, thị trường lao động Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt, qua đó phần nào hạ nhiệt lo ngại suy thoái kinh tế.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 10, nền kinh tế nước này đã tạo ra 261.000 việc làm, vượt xa con số dự báo 197.000 được đưa ra trước đó.
Báo cáo cũng điều chỉnh số lượng việc làm trong tháng 9/2022 từ 263.000 lên 315.000 và tháng 8/2022 được điều chỉnh từ 292.000 lên 315.000.
Giá dầu ngày 5/11 tăng vọt còn do thị trường dầu thô lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi mà các lệnh cấm vận, trừng phạt dầu thô Nga của EU, G7 có hiệu lực.
Bên cạnh đó, đồng USD mất giá mạnh cũng là tác nhân hỗ trợ giá dầu thô đi lên.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, triển vọng giá dầu cũng đang phải đối diện với các cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế khi lạm phát tại nhiều nền kinh tế tiếp tục leo cao, và các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Giá dầu châu Á đã tăng khoảng 2% trong phiên cuối tuần 4/11 khi đồng USD giảm và rủi ro nguồn cung vẫn còn. Tuy nhiên, lo ngại suy thoái kinh tế và số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng tại Trung Quốc đã phần nào hạn chế đà tăng.
Hai loại dầu WTI và Brent đang hướng tới mức tăng hàng tuần lần lượt là 0,5% và 2%.
Trong khi những lo ngại về nhu cầu tiếp tục đè nặng lên thị trường, nguồn cung năng lượng dự kiến sẽ vẫn eo hẹp với việc châu Âu sắp bắt đầu cấm vận dầu của Nga cũng như sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ.
Triển vọng vĩ mô ngày càng ảm đạm và thị trường dầu mỏ sẽ phải đối mặt một số sóng gió lớn trong thời gian tới. Nếu không có việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) cắt giảm nguồn cung vào tháng 11, các hợp đồng dầu có thể đã giao dịch ở mức thấp hơn nhiều.
Thực tế, giá dầu tăng trở lại khi thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ còn bị bó hẹp do lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga sắp có hiệu lực.
Bất chấp các lo ngại về suy thoái kinh tế đang là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu, trên thị trường vẫn không thiếu các nhà đầu tư đặt cược vào đà tăng của giá dầu. Trên sàn NYMEX, chênh lệch số lượng quyền chọn mua và bán dầu WTI đang ở 1,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ 1996. Trong số đó, chiếm ưu thế là số vị thế mở cho quyền chọn mua WTI giá 120 USD/thùng.
Các nhà đầu tư đang đặt cược vào một đà tăng giá mới, nhất là khi gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ mở cửa vào năm sau. Giới đầu tư đang nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ mở cửa vào quý I năm sau, và thậm chí theo các thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc, nước này có thể sắp gấp rút nghiên cứu các phương án để nới lỏng dần các biện pháp chống dịch. Nguồn cung chắc chắn sẽ không thể bắt kịp trong trường hợp nhu cầu tăng trở lại.
Các công ty dầu khí của Mỹ không có kế hoạch tăng đầu tư để tăng các số lượng giàn khoan và giếng khoan. Đề nghị của Nhà Trắng đánh thuế vào khoản lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng trở thành một rào cản tâm lý lớn đối với các nhà đầu tư: Nếu sản xuất nhiều và bị lỗ thì sẽ không nhận được sự trợ giúp, thực tế trong giai đoạn 2020 không ít các công ty nhỏ phá sản và nhiều giếng dầu phải đóng lại. Vì vậy, việc duy trì sản lượng ở mức phù hợp và lợi nhuận cao trên từng thùng dầu thu được sẽ là chiến lược hợp lý hơn so với việc sản xuất càng nhiều càng tốt, giống giai đoạn 2014-2019.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/11.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5 RON92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay.
Như vậy, so với giá các mặt hàng nói trên vào đầu tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95-III đang rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.
Tại kỳ điều hành trước (21/10), giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 5/11 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.873 đồng/lít (tăng 377 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 883 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.756 đồng/lít (tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 25.070 đồng/lít (tăng 287 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 23.783 đồng/lít (tăng 120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.082 đồng/kg (tăng 183 đồng/lít so với giá bán hiện hành).
Được biết, trong nước, khan xăng dầu đã lan rộng ra ở nhiều tỉnh ở miền Bắc, không còn là câu chuyện "thiếu xăng chỉ xảy ra ở miền Nam" nữa. Chiều 3/11, Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận hệ thống bán lẻ xăng dầu tại thủ đô đang bị sức ép lớn do trong thời gian gần đây, một số tỉnh thành gặp khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu.
Người dân, doanh nghiệp đổ dồn về Hà Nội mua xăng nhiều hơn. Hà Nội có 6 doanh nghiệp đầu mối và gần 20 thương nhân phân phối phục vụ cung ứng xăng dầu. Hiện có 20/493 cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội đóng cửa sửa chữa.
Ngày 4/11, Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 1388 gửi Bộ Công Thương lấy ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, mục đích để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xăng dầu, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Ngoài ra, dựa trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các đề xuất kiến nghị của 28 thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương có ý kiến và gửi về Bộ Tài chính ngay trong ngày 4/11/2022 để kịp thời điều chỉnh trong kỳ điều hành gần nhất.
Trước đó, trong các ngày 21/10 và ngày 2/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đề nghị phối hợp báo cáo các chi phí kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, đến chiều 4/11, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề nói trên.
Trong công văn gửi đi ngày 2/11, Bộ Tài chính cũng cho biết 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn chưa gửi thông tin về chi phí nhập xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Cụ thể là các doanh nghiệp: Công ty CP dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát, Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty CP tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P, Công ty CP nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty CP Phúc Lộc Ninh và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.
Để đảm bảo cung xăng dầu, Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản gửi 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phân giao sản lượng nhập khẩu phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.
Bộ sẽ phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, bao gồm hơn 2,2 triệu m3 xăng, hơn 3,1 triệu m3 dầu diesel, hơn 8.200 m3 dầu hỏa và hơn 110.000 tấn dầu mazut.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.