Huyền Anh
Thứ ba, ngày 02/08/2022 09:56 AM (GMT+7)
Cùng với động thái rút khỏi vị trí Phó Chủ tịch FLC và Tổng Giám đốc tại Bamboo Airways, ông Đặng Tất Thắng còn hé lộ việc Bamboo Airways sẽ có "ông chủ" mới sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Báo cáo tài chính của FLC cũng hé lộ những "trùng hợp" thú vị.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) mới đây đã công bố thông tin, Tập đoàn này nhận được Đơn từ nhiệm tất cả các chức vụ của Ông Đặng Tất Thắng.
Bamboo Airways sắp đổi chủ?
Theo đó, HĐQT sẽ trình Đại hội đồng cổ đông FLC thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT công ty đối với ông Đặng Tất Thắng tại cuộc họp gần nhất, thời điểm miễn nhiệm được tính kể từ ngày được ĐHĐCĐ chấp thuận.
Cùng ngày, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - BAV) - thành viên của FLC Group - cũng công bố quyết định ông Đặng Tất Thắng thôi giữ vị trí Tổng giám đốc từ ngày 27/7 và bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân giữ vị trí trên.
Chuyển động nhân sự tại Bamboo Airways diễn ra khi sau "cú sốc" của ông Trịnh Văn Quyết, đồng thời muốn tìm nhà đầu tư chiến lược cho hãng hàng không này để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của hãng.
Trùng hợp, chia sẻ về việc rút khỏi vị trí Tổng Giám đốc tại Bamboo Airways trên trang cá nhân, cựu CEO Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cũng đã "nhắc" đến việc Bamboo Airways đã sẵn sàng được chuyển giao cho nhà đầu tư mới.
Ông Thắng viết: Cuộc đời với tôi là những chữ duyên, duyên được gặp anh Quyết (Trịnh Văn Quyết), duyên được đến với FLC, được sáng lập và xây dựng Bamboo Airways, và cũng đã đến lúc hết duyên khi tôi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu hết mình và chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển giao Bamboo Airways với Nhà đầu tư mới, đảm bảo được quyền lợi mới và cũ cũng như của Bamboo Airways.
Cũng theo "giới thiệu" của ông Đặng Tất Thắng, Bamboo Airways - Hãng hàng không được coi là hiện tượng của ngành hàng không thế giới về sự phát triển nhanh thần kỳ, 3 năm từ 0 lên 30 tàu bay, 100% các chuyến bay an toàn tuyệt đối, luôn dẫn đầu về tỷ lệ đúng giờ, hơn 60 đường bay nội địa và 12 đường bay quốc tế, đạt chứng chỉ an toàn IOSA chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Đáng chú ý, chỉ sau 5 năm Bamboo Airways đã đạt đến 20% thị trường hàng không Việt Nam.
Về tài chính, vốn điều lệ của Bamboo Airways tăng mạnh từ 7.000 tỷ năm 2020 tăng lên 18.500 tỷ năm 2021. Tổng tài sản cũng đã đạt 17.900 tỷ tính đến 31/12/2021. Do ảnh hưởng của đại dịch, Bamboo Airways gánh lỗ 2.309 tỷ đồng trong năm 2021 và trong nửa đầu năm 2022, hãng hàng không này tiếp tục lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Như vậy, để sẵn sàng "thâu tóm" Bamboo Airways chắc chắn nhà đầu tư mới phải có tiềm lực và tham vọng trong lĩnh vực hàng không.
Lộ diện "chủ nợ" mới, hé lộ những chuyển động thú vị
Trong một diễn biến khác, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa được Tập đoàn này công bố cũng xuất hiện một số thông tin đáng chú ý.
Báo cáo cho thấy, tổng nợ vay và thuê tài chính của FLC đạt 5.126 tỷ đồng, đã giảm 1.079 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hơn 2.676 tỷ đồng là vay ngắn hạn, còn lại 2.450 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2022, FLC đã thanh toán xong khoản nợ 573 tỷ đồng ngắn hạn tại OCB. Đồng thời, Sacombank đã thu hồi xong tổng cộng 2 khoản nợ có dư nợ 1.840 tỷ đồng nợ vay dài hạn của FLC.
Được biết, khoản vay tại OCB được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất. Trong khi đó, các khoản vay tại Sacombank được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay và tài sản bên thứ 3 gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.
Tháng 3/2022, FLC thế chấp 20 triệu cp BAV của Bamboo Airway để vay gần 64 tỷ đồng tại Sacombank, đến 30/6, khoản nợ này cũng đã thanh toán xong.
Cùng với việc trả xong những khoản nợ dài hạn này là bảng cân đối của FLC có thêm những khoản vay ngắn hạn theo hình thức tín chấp từ những chủ nợ mới.
Cá nhân ông Lê Thái Sâm cho FLC vay tín chấp 621 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 7%/năm. Nguồn tiền này để bổ sung vốn lưu động, thanh toán cho hợp đồng cho Faros.
Ông Sâm là một trong ba thành viên hội đồng quản trị mới của tập đoàn này được bầu tại phiên họp bất thường đầu tháng 7. So với các thành viên khác trong HĐQT, ông Sâm là nhân vật khá bí ẩn khi bản lý lịch trích ngang của cá nhân này không có nhiều thông tin.
Theo đó, FLC chỉ giới thiệu ông Lê Thái Sâm "là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam" và "có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn".
Dữ liệu cũng cho thấy, Bamboo Airways từng ghi nhận một cổ đông mang mã số 100014BAV tên Lê Thái Sâm, sinh năm 1964, sở hữu tới 125.000 cổ phần.
Ngoài ông Lê Thái Sâm, Công ty CP tập đoàn Homeliday cho FLC vay tín chấp 185,2 tỷ đồng. Khoản vay này chỉ kéo dài đến hết 30/6, với lãi suất 12%/năm.
Homeliday, tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest), là thành viên thuộc BHS Group. Theo đăng ký kinh doanh của Homeliday vào tháng 3/2021, cổ đông của doanh nghiệp gồm 4 cá nhân, trong đó cổ đông lớn nhất là cựu CEO CEN Land Nguyễn Thọ Tuyển.
Theo đăng ký thay đổi vào tháng 6/2022, ông Vũ Văn Thuận sinh năm 1984 là Chủ tịch của Homeliday và ông Trương Hùng Cường – 1 trong 4 cổ đông sáng lập giữ vai trò Tổng Giám đốc công ty.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.