Làm thế nào để cơ sở dữ liệu quốc gia "đúng, đủ, sạch, sống"?

Thanh Tùng Thứ năm, ngày 25/05/2023 16:31 PM (GMT+7)
Để tạo lập được dữ liệu số phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống các dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Từ đó sẽ hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm tạo ra nhiều dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội.
Bình luận 0

Nằm trong khuôn khổ diễn đàn cao cấp Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023 (Vietnam – Asia DX Summit 2023) Ban tổ chức đã tiến hành buổi Hội thảo Hạ tầng dữ liệu số và bảo mật an toàn thông tin.

Theo Bộ Công An, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành địa phương trong quá trình thực hiện.

Chia sẻ về định hướng xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia – Đại tá Vũ Văn Tấn Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công An cho biết:  Hiện nay các quốc gia đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia để đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển bền vững. 

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống" - Ảnh 1.

Đại tá Vũ Văn Tấn Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công An. Ảnh: Thanh Tùng.

Điển hình như Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động 3 trung tâm dữ liệu lớn, Ấn độ đã đưa vào triển khai hoạt động 5 trung tâm hay như Nhật Bản đã xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu để tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính… điều này chứng tỏ xu hướng xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia không chỉ là một khía cạnh quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn là một yếu tố cần thiết để định hình tương lai của các quốc gia trên thế giới. tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Công An chủ trì phối hợp với các Bộ, ban ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Theo đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi tích hợp đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu  thông tin liên quan đến con người; nơi tích hợp đồng bộ lưu trữ, điều phối tất cả dữ liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia và thực hiện việc phân tích chuyên sâu các dữ liệu; là nơi tập trung các công nghệ, giải pháp hiện đại, đồng bộ, đảm bảo an ninh an toàn…; là nơi trao đổi kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển đất nước và đặt nền tảng nghiên cứu hỗ trợ khai thác phát triển nền khoa học công nghệ quốc gia.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia phải "đúng, đủ sạch, sống"

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là rất cần thiết và quan trọng vậy các vấn đề trọng yếu để xây dựng hạ tầng số chính là nền móng của môi trường thực số. GS.Hồ Tú Bảo – Trưởng phòng khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết: Hạ tầng số là các phương tiện, tài nguyên, hệ thống số mang tính nền móng cho mọi hoạt động trên môi trường thực số.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống" - Ảnh 2.

GS. Hồ Tú Bảo – Trưởng phòng khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Ảnh: Thanh Tùng.

Hạ tầng dữ liệu thuộc hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia (DLQG) gồm các dữ liệu phục vụ điều hành của Chính phủ. Hạ tầng DLQG gồm 6 điểm trọng yếu đó là: xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia; kết nối được với các hạ tầng khác; phải khai thác được dữ liệu; cần có nhân lực cho hạ tầng số quốc gia; phải an toàn và pháp lý của hạ tầng dữ liệu số quốc gia. Cho dù ở cấp trung ương hay bộ/ngành, địa phương cần tuân thủ các trọng yếu này.

GS.Hồ Tú Bảo nhấn mạnh, hạ tầng dữ liệu quốc gia tốt cần có dữ liệu, chiến lược dữ liệu tốt, các dữ liệu cần có mục tiêu rõ ràng. Dữ liệu quốc gia gắn với các bộ ngành, địa phương các dữ liệu phải đảm bảo "đúng, đủ sạch, sống". Xây dựng hạ tầng dữ liệu phải gắn với khai thác ở mọi giai đoạn. Thiết kế cơ sở hạ tầng dữ liệu phải có chuẩn do hội đồng quốc gia thẩm định. Đã gọi là cơ sở dữ liệu quốc gia là dữ liệu dùng chung, mở. Do đó, để khai thác hiệu quả cần có cơ chế để chia sẻ, khai thác.

Làm thế nào để dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"?

Theo GS.Hồ Tú Bảo, các hoạt động phải được gắn với dữ liệu nếu không dữ liệu cũng thành dữ liệu chết, phải tìm nhiều cách để làm chủ khai thác dữ liệu, dữ liệu là thực thể sống, không phải xây dựng xong mới đưa vào sử dụng mà phải đồng thời diễn ra và xây dựng liên tục. Chúng ta phải kết nối nhân lực trong và ngoài nước để có đủ nhân lực và đủ năng lực khai thác dữ liệu phục vụ cho chuyển đổi số.

Hạ tầng dữ liệu là thực thể sống, luôn thay đổi hàng ngày, và phát triển. Dữ liệu chỉ có giá trị cao trong chuyển đổi số khi những vấn đề trọng yếu của hạ tầng dữ liệu được giải quyết đồng bộ. Mỗi tổ chức cần bắt đầu với một chiến lược dữ liệu đúng và rõ, và làm mọi việc với dữ liệu trong chuyển đổi số theo chiến lược đó.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đào tạo nhân lực ngay từ đầu khi xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia (TTDLQG) cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ ngành và địa phương. Phát huy vai trò trường, viện trong đào tạo nhân lực, cần đào tạo bổ sung nhân lực cho nhân sự dữ liệu của trung tâm dữ liệu quốc gia, các bộ ngành, địa phương.

Đảm bảo TTDLQG và CSDLQG được bền vững, bảo mật, an toàn, chống phá hoại, chống tấn công, chống lộ lọt thông tin, chống lại các phá hoại. Khi dữ liệu thành tài sản, tài nguyên thì phải rà soát, đặc biệt phải xây dựng luật dữ liệu càng sớm càng tốt, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn  quy chuẩn kỹ thuật, định chế nội bộ.

Tầm quan trọng của dữ liệu số

Ông Nguyễn Công Thị - Trưởng phòng Giải pháp dữ liệu số, công ty Công nghệ thông tin VNPT cho biết: dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số (CĐS). Hạ tầng dữ liệu là yếu tố then chốt cho CĐS. Dữ liệu là yếu tố xuyên suốt, ưu tiên tập trung phát triển dữ liệu lớn nhằm tạo ra cơ hội mới để định hình lại lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng và củng cố công cụ để địa phương phát triển kinh tế xã hội. Dữ liệu là sự sống của nền tảng số, ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo để thông minh hoá và tạo dữ liệu mở để tăng tính minh bạch của chính quyền và thúc đẩy hình thành các dịch vụ sáng tạo và phát triển nền kinh tế tri thức.

Tuy nhiên tầm quan trọng của dữ liệu số là vậy nhưng có những khó khăn tồn tại nhất định: mỗi hệ thống có một cơ sở dữ liệu rồi các cơ sở không gắn kết với nhau mà rời rạc manh mún.

Dữ liệu hầu hết là các dữ liệu thô, nằm rải rác ở các hệ thống phân tán, thiếu đồng bộ. Mỗi địa phương đang triển khai theo một cách khác nhau, không có mô hình tham chiếu chuẩn để đảm bảo dữ liệu thống nhất từ trung ương xuống các địa phương.

Chính vì vậy mà cần phải nắm bức tranh tổng thể, hiểu các địa phương cần dữ liệu gì để phát triển, chuẩn hoá kiến trúc thông tin. Cách thức phương pháp triển khai, có mô hình tham chiếu về mặt dữ liệu, ông Nguyễn Công Thị nhấn mạnh.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống" - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc FPT Information System - thành viên Tập đoàn FPT đã có những đề xuất thiết thực, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ đắc lực hơn cho khối nhà nước, lẫn tư nhân trong tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ nhất, đề xuất xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được các dịch vụ do chính phủ và doanh nghiệp cung cấp. Thứ hai, cần sớm thành lập Cơ quan chuyên trách Quốc gia về Hợp tác Công tư cho ngành CNTT. Thứ ba, thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên gia FPT cho biết thêm, để xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, cần thực hiện kết hợp giữa ba yếu tố công nghệ, con người, hành lang pháp lý. Ở góc độ công nghệ, cần công nghệ xử lý phân tích dữ liệu lớn, AI để làm việc thu thập, làm sạch, lưu trữ, phân tích, khai thác đáp ứng các nhu cầu trong quản lý nhà nước, điều hành chỉ đạo và kiến tạo các giá trị mới, dịch vụ mới dựa trên dữ liệu.

Ở góc độ con người, cần nguồn nhân lực số cho xã hội, hiểu biết sâu sắc về dữ liệu số - sử dụng, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả. Và cuối cùng, ở góc độ pháp lý, quản trị dữ liệu quốc gia - data governance là vấn đề phức tạp: khai thác dữ liệu đúng mục đích, đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của dữ liệu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem