Loại gà Tiên Yên nhân giống thành công ở đất Quảng Ninh, cả làng phục lăn một ông Chủ tịch
Nhân giống thành công loại gà đặc sản-gà Tiên Yên đất Quảng Ninh là ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện
Bùi My
Thứ tư, ngày 21/06/2023 16:45 PM (GMT+7)
Ông Lý Văn Diểng hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là người đầu tiên ở Việt Nam nhân giống gà thành công bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tạo đột phá cho chăn nuôi và phát triển gà Tiên Yên.
Cuối tháng 3, chúng tôi đến xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) để gặp Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên, người được mệnh danh là "vua gà Tiên Yên".
Kể về quá trình khôi phục gà Tiên Yên của mình, ông Lý Văn Diểng cho biết, miền Đông Quảng Ninh có 3 loại gà đặc sản gồm gà bản Đầm Hà, gà râu Cái Chiên, gà Tiên Yên. So với 2 loại gà còn lại, gà Tiên Yên có mình thon, chân nhỏ, thấp.
Gà trống có 2-3 màu lông điển hình như đỏ thẫm, hoa mơ, đen, còn gà mái có màu sọc xám, nâu. Đặc biệt là khi luộc, da gà có màu vàng ươm, thịt màu trắng, thơm ngon. Tuy nhiên, do được đồng bào các dân tộc trong huyện nuôi dưỡng tự nhiên từ nhiều đời nay nên không tránh khỏi việc nguồn gen bị lai tạp.
Với những đóng góp của mình, tháng 12/2022, ông Lý Văn Diểng đón nhận danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông" từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Với ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, ông Diểng đã sản xuất giống và phát triển gà Tiên Yên, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo. Gà Tiên Yên hiện là sản phẩm OCOP 5 sao tỉnh Quảng Ninh.
Tháng 3/2013, ông Diểng lặn lội khắp các cơ sở chăn nuôi trong nước, rồi sang cả Thái Lan, Trung Quốc để tìm hiểu cách nhân giống gà. Sau nhiều lần thất bại, ông Diểng đã nắm được bí quyết và công trình "ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống và phát triển gà Tiên Yên" của ông đã thành công.
Giữa lúc đang gặp khó do mô hình nhỏ, hẹp, năm 2014, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp huyện Tiên Yên hỗ trợ Công ty CP Phát triển Chăn nuôi và Nông, lâm, ngư nghiệp Phúc Long của ông Diểng triển khai dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên.
Ở giai đoạn đầu, năng suất trứng ấp thành phẩm chỉ đạt 700 - 800 con/1.000 quả, nhưng đến nay, tỷ lệ đã đạt hơn 900 con/1.000 quả. Việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đã góp phần tăng sản lượng gà thương phẩm, đồng thời qua thời gian chọn lọc từ 9 - 10 đời đã giúp bảo tồn, phát triển và duy trì nguồn gen quý của gà Tiên Yên.
Cùng nhau nuôi gà, cùng nhau thoát nghèo
Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà do ông Diểng nghiên cứu ra không chỉ tạo cơ sở để Tiên Yên xây dựng chiến lược phát triển gà Tiên Yên thành sản phẩm chủ lực của huyện, mà còn giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo từ giống gà quý bản địa, điển hình như xã Hà Lâu.
"Năm 2014, tôi được điều động về Hà Lâu làm Phó Bí thư Đảng ủy, rồi sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã. Khi đó, tôi giật mình vì Hà Lâu quá nghèo. Dân cư ít, trải rộng 12 thôn, bản, chủ yếu là dân tộc Dao với khoảng 70%, còn lại là dân tộc Tày. Tỷ lệ nhà dột nát rất nhiều... Hà Lâu có diện tích rộng, chiếm ¼ diện tích tự nhiên cả huyện Tiên Yên, nhưng chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp manh mún, không chủ động tưới tiêu…" - ông Diểng chia sẻ.
Chỉ đến năm 2015, xã khuyến khích bà con tham gia nuôi gà Tiên Yên bản địa. Tuy nhiên, khi đó không nhiều bà con tin tưởng vào mô hình nuôi gà Tiên Yên. "Lúc đó, tôi đưa anh Trần Văn Hoan - một người đang loay hoay tìm kiếm hướng làm ăn kinh tế mới, đi thăm mô hình nuôi gà Tiên Yên. Bởi mình nghĩ, chỉ cần một mô hình ở Hà Lâu thành công thì đây chính là mô hình sống để bà con tin tưởng, làm theo.
Được ông Diểng động viên, hỗ trợ, anh Hoan về Hà Lâu làm chuồng trại nuôi gà với số lượng 1.000 con gà Tiên Yên. Đến khi xuất bán toàn bộ số gà, anh Hoan lãi hơn 120 triệu đồng. Hiện anh Trần Văn Hoan đã là Giám đốc HTX Hà Lâu, mỗi năm nuôi hàng nghìn con gà Tiên Yên.
Từ thành công của anh Hoan, ông Diểng đã vận động người dân mạnh dạn nuôi gà, trước hết là từ chính các cán bộ xã. Thấy cán bộ nuôi thành công, vậy là không ai bảo ai, bà con cứ người sau theo người trước, cùng nhau nuôi gà Tiên Yên rồi cùng nhau thoát nghèo.
Anh Sằn Văn Cắm - nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn thôn Bản Phai – Nà Tứ (nay là thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), cũng là một người thành công với mô hình nuôi gà Tiên Yên thương phẩm theo quy trình VietGAP.
"Khi còn làm Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu, ông Lý Văn Diểng đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con trong thôn, vừa cung cấp gà giống, vừa tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp thức ăn và thuốc phòng bệnh cho gà. Thế nên Hà Lâu mới thay đổi, mới có những trang trại gà thành công như ngày hôm nay" – anh Cắm cho biết.
Khi ông Lý Văn Diểng rời Hà Lâu để làm Chủ tịch Hội Nông dânTiên Yên vào năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,6%, cận nghèo 0,9%. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 64 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,55%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.