Ngày Nam kỳ khởi nghĩa: Nơi tổ chức phiên tòa cách mạng đầu tiên

Văn Thảo Thứ bảy, ngày 23/11/2019 11:57 AM (GMT+7)
80 năm trước, Tòa án nhân dân (TAND) cách mạng tỉnh Mỹ Tho chọn Đình Long Hưng - hiện trong khuôn viên Di tích lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa (xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang), làm nơi tổ chức phiên tòa đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam để xét xử bọn tay sai ác ôn.
Bình luận 0

img

Bà Nguyễn Thị Hậu đang kể lại những sự kiện, không khí của tòa án năm xưa. 

Khi quân Pháp tăng cường đàn áp quân khởi nghĩa, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh và UBND Cách mạng tỉnh Mỹ Tho tổ chức cuộc họp, nhận định tình hình sẽ diễn biến gay go, phức tạp và khó khăn hơn. Vì vậy, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh quyết định phải xử cho hết những tù nhân mà cách mạng bắt, gồm những tên phản động, cai đồn Cầu Đúc, Tân Hiệp, Tân Hương, Tân Lý, Xoài Hột, Vĩnh Kim, Bình Trưng... Sở dĩ phải xử ngay, vì ở đây bom đạn Pháp tiến công sẽ nguy hiểm cho họ…

23/11/1940, tại đình Long Hưng, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã quyết định thành lập TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Đây là lần đầu tiên ở nước ta, TAND cách mạng cấp tỉnh được thành lập.  Hội đồng TAND cách mạng gồm 10 người. Ông Nguyễn Hữu Thường (Bảy Thường), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho, làm Chánh án.

Tối 29/11/1940, phiên tòa đầu tiên xét xử bọn tay sai được tiến hành tại đình Long Hưng. Hội đồng TAND cách mạng xử  tên Hương quản Sâm (ở xã Long Định) và Cai Trí (Bùi Văn Trí) bị bắt tại đồn Thạnh Phú. Bà Nguyễn Thị Thập, đại diện Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho ngồi ghế biện sư bênh vực quyền lợi cho các bị cáo.

img

Đình Long Hưng, Trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, nơi tổ chức phiên tòa cách mạng năm 1940.

Bà Dương Thị Mừng - cháu ruột bà Nguyễn Thị Thập nhớ lại, năm ấy, có rất nhiều người dân kéo đến đình Long Hưng xem phiên tòa xử tội ông Tư Lầu (tức Hương quản Sâm). Với các tội ác gây ra với nhân dân và cách mạng, Tòa án đã tuyên án tử hình đối với ông Tư  Lầu.

Một người cháu khác của bà Thập là bà Nguyễn Thị Hậu cũng kể rằng, ngày ấy, ngôi đình còn rất đơn sơ và lụp xụp. Người dân kéo dến xem rất đông, chen chật cả ngàn người lớn, trẻ nhỏ. “Khi đến dự phiên tòa, họ còn mang theo trống, mỏ, thùng thiếc… khua inh ỏi”, bà Hậu nói.

Theo các tài liệu, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tồn tại được hơn 40 ngày. Trong thời gian này, TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã xét xử hàng chục vụ án đối với những tên phản cách mạng, bọn Việt gian, tay sai gian ác tại đình Long Hưng.

img

Nguyễn Thị Thập (mang khăn rằn) về thăm căn cứ Khởi nghĩa Nam kỳ.

Tháng 9 vừa qua, tại khuôn viên Di tích lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, TAND tỉnh Tiền Giang khởi công xây dựng Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam Bộ, nhằm tri ân thế hệ cách mạng đã không tiếc máu xương cho nền độc lập của dân tộc và xây dựng nên truyền thống của hệ thống TAND nói chung và TAND tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Nam Kỳ khởi nghĩa là cuộc nổi dậy vũ trang chống Pháp và Nhật của người dân miền Nam Việt Nam vào năm 1940, do Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương và lãnh đạo. 

Từ Biên Hòa đến Cà Mau, 18 tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Những người Pháp và Việt gian bị xét xử. Ruộng, thóc của những địa chủ được cho là  phản động bị đem chia cho dân nghèo. Chính quyền cách mạng chỉ giữ được một thời gian ngắn, lâu nhất ở Mỹ Tho giữ được 49 ngày. Cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra vào lúc thực dân Pháp còn mạnh nên đã bị thất bại, nhưng để lại những bài học quý báu về vấn đề chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem