Bạn đọc Nguyễn Văn Minh ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội hỏi: Do tôi chưa tìm hiểu kỹ nên mua phải đất của người đã mất không để lại di chúc. Xin hỏi với trường hợp này, liệu tôi có sang tên được "sổ đỏ" được hay không?
Trả lời:
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người chết không để lại di chúc thì di sản (bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác) để lại sẽ chia thừa kế theo pháp luật.
Cụ thể, tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trong trường hợp này, nếu hàng thừa kế thứ nhất của người đã mất chỉ có duy nhất một người, người này chỉ cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng hay Văn phòng công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất để nhận di sản mà người đã mất để lại.
Nếu hàng thừa kết thứ nhất có nhiều người thì việc phân chia di sản sẽ được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế, những người này sẽ cùng tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Trong trường hợp mong muốn 1 người được sang tên sổ đỏ mảnh đất này thì tất cả những người được hưởng di sản còn lại làm thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế. Việc khai nhận hay từ chối nhận di sản thừa kế phải được công chứng hoặc chứng thực.
Hồ sơ sang tên trong trường hợp này gồm những giấy tờ sau: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; Tờ khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ…Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thẻ căn cước công dân; Văn bản khai nhận di sản thừa kế, từ chối nhận di sản thừa kế.
Thủ tục chuyển nhượng như sau: Hai bên liên hệ tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng hay Văn phòng công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Sau khi hai bên ký Hợp đồng chuyển nhượng thì bạn liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất để nộp thủ tục đăng bộ sang tên cho bạn.
Hồ sơ sang tên trong trường hợp này gồm những giấy tờ sau: Tờ khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ…Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng, chứng thực; Thẻ căn cước công dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.