Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng ở vào một vị trí khá đặc biệt bên bờ Nam hạ lưu sông Hương, phía Bắc giáp thôn Mậu Tài, Nam giáp Thế Vinh, Đông giáp Vọng Trì, Đông Tây giáp dòng sông Hương bởi cồn Triều Sơn nằm giữa. Làng nổi tiếng với nghề làm hoa giấy hơn 300 năm tuổi.
Ngày nay, hoa giấy không chỉ đơn thuần phục vụ cúng bái, người làng Thanh Tiên đã làm hoa giấy cả năm, từ nhu cầu trang trí nhà cửa, cắm bình hoa giấy đẹp như hoa tươi mà bền hơn hẳn, các khách sạn đặt hàng tô điểm cho phòng ngủ, phòng ăn, đại sảnh... các lễ hội Festival, xuất khẩu... thậm chí còn là vật cầm tay của các thiếu nữ tô điểm cho áo dài - vốn cũng là một biểu tượng văn hóa khác của Huế.
Cứ mỗi dịp cuối năm, các nghệ nhân tại làng hoa giấy Thanh Tiên lại tất bật chuẩn bị những nguyên liệu để làm ra những bông hoa, chòm hoa để cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng dịp Tết.
Dù hoa giấy Thanh Tiên làm ra chủ yếu để phục vụ cho dịp Tết, nhưng các nghệ nhân phải chuẩn bị tỉ mẩn nhiều vật dụng, phơi tre, vót nan tre từ nửa năm trước. Việc chế tác ra một cụm hoa phải qua rất nhiều công đoạn. Những sắc màu làm nên hoa giấy Thanh Tiên không hề đơn điệu với 5 màu chủ yếu rất bắt mắt là hồng, tím, xanh, vàng, trắng. “Các công đoạn làm hoa giấy nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm cho được đẹp thì không dễ, nhất là ở công đoạn tạo nếp gấp cho hoa. Nếu tạo nếp không đều bông hoa sẽ không được đẹp. Người nào làm hoa giấy thành thạo thì một ngày làm được khoảng 20 bông hoa...”, một nghệ nhân làm hoa giấy nhận định.
Có một thời, làng hoa giấy Thanh Tiên 300 năm tuổi tưởng chừng bên bờ vực mai một, thất truyền; do bị thứ hoa kẽm kim loại cũng dùng thờ cúng nhập từ nơi khác về cạnh tranh. Nay nghề hoa giấy lại đầy sức sống, nhờ những cách điệu về mẫu mã, đa dạng màu sắc và yếu tố dễ phân hủy (làm bằng giấy, tre nứa) thân thiện với môi trường. Theo các nghệ nhân dân gian làng Thanh Tiên, người làm hoa giấy nơi đây vì yêu nghề, muốn giữ nghề, chứ thu nhập từ thứ hoa truyền thống này không cao. Mỗi cặp hoa giấy bán ngay tại nơi sản xuất chỉ vài nghìn đồng. Họ phải trồng thêm hoa tươi, làm thêm hoa sen giấy nghệ thuật để kiếm sống.
Thường hàng ngày chỉ cần 1-2 người duy trì công việc làm hoa, đến ngày rằm, mùng một, lễ Tết mới cần huy động anh em họ hàng, thuê thêm người trong làng vào cùng làm. Hầu như người dân trong làng đều rất thành thạo với công việc này, cả người lớn đến trẻ nhỏ các công đoạn chia ra đều có thể làm được hết. Có phải vì thế mà người dân ở đây vẫn tự hào với một câu ca dao về ngôi làng của họ: “Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng. Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”?
Ngoài các loại hoa giấy như hoa lan, huệ, hồng, cúc… vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, những năm gần đây nghệ nhân Thân Văn Huy đã phục chế nghề hoa sen giấy Thanh Tiên từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên. Sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên được quảng bá rộng rãi và đã tạo nên được thương hiệu trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Thân Văn Huy, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm hoa giấy chia sẻ: “Mỗi năm, cơ sở cho ra từ 2.000 - 3.000 sản phẩm. Để làm được cành hoa, người thợ phải chuẩn bị các công đoạn từ mấy tháng trước khi Huế vào mùa mưa. Ngay từ tháng Bảy âm lịch, cơ sở đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán và Festival Huế 2021”.
Khi nói đến hoa giấy, người dân xứ Huế đều ngưỡng mộ trước sự tài hoa, khéo léo và nghệ thuật làm hoa sen giấy của làng hoa giấy Thanh Tiên. Những màu sắc rực rỡ mà giản dị đó không chỉ làm đẹp thêm cho phong vị tâm linh mà còn tô thêm nét độc đáo của văn hóa Huế. Một bó hoa sen gồm hoa, lá, nụ đứng ở tầm xa khoảng vài mét mà người ta cứ ngỡ tưởng là bó hoa sen thật.
Nguyễn Chương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.